Được Su-35 Nga hỗ trợ, tên lửa Syria ra đòn sấm sét vào máy bay Israel: Chuyện lớn xảy ra?

Bình Nguyên |

Tiêm kích Su-35 Nga khẩn cấp cất cánh đánh chặn máy bay Israel, trong khi đó tên lửa Syria lần đầu tiên, kể từ khi tiêu diệt F-16 Do Thái năm 2018, đã quất những đường đạn sấm sét.

Từ trận kịch chiến khiến uy danh "cáo già" Israel bị sứt mẻ...

Còn nhớ, vào ngày 10/02/2018, một chiếc tiêm kích F-16I của Không quân Israel đã bị tên lửa phòng không Syria bắn hạ, gây ra cú sốc lớn với các lực lượng phòng vệ Israel (IDF)

Trận kịch chiến hôm đó hết sức quyết liệt. Vào lúc 4h30 sáng, trực thăng tấn công AH-64 Apache của Không quân Israel tiêu diệt 1 máy bay không người lái Saegheh được cho là có khả năng tàng hình do Iran tự chế tạo, nhái theo mẫu RQ-170 của Mỹ ở gần thị trấn Beit Shean sau khi nó xâm phạm không phận Israel 90 giây.

Để đáp trả vụ xâm phạm không phận, Không quân Israel ra lệnh cho 8 chiếc tiêm kích F-16I xuất kích tấn công căn cứ sân bay Tiyas ở Syria mà Quân đội Do Thái cáo buộc là nơi đã phóng đi chiếc UAV của Iran nói trên.

Trước đó căn cứ này đã bị máy bay Israel tấn công vào tháng 3/2017, bất chấp Nga cảnh báo rằng rất gần các binh sĩ Nga đồn trú.

Phòng không Syria đã đáp trả cứng rắn và dữ dội, tiêu diệt một chiếc tiêm kích F-16I của Không quân Israel. Các thông tin sau đó được giải mật cho biết, chiếc F-16I này đã bị trúng 1 quả tên lửa S-200 của Syria.

Được Su-35 Nga hỗ trợ, tên lửa Syria ra đòn sấm sét vào máy bay Israel: Chuyện lớn xảy ra? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16I Không quân Israel bị tên lửa phòng không Syria bắn hạ ngày 10/02/2018.

Tổng cộng đã có tới 27 tên lửa phòng không Syria được bắn lên nhằm vào 8 tiêm kích F-16I của Israel, trong đó có 13 quả phóng đợt đầu khi máy bay Do Thái mới vào tấn công và đợt 2 phóng tiếp 14 quả khi các chiến đấu cơ Israel đánh bồi.

Kể từ ngày đó (10/02/2018), ngày mà Không quân Israel bị một cú tát khiến uy danh "cáo già" bị sứt mẻ, các chiến đấu cơ Do Thái được cho là chưa một lần xâm phạm không phận Syria.

Tất nhiên, gần đây vẫn có một số vụ tập kích bí ẩn được cho là tác phẩm của tiêm kích tàng hình F-35I mà Không quân Israel vừa nhận từ Mỹ.

... tới lần đầu tiên quất đường đạn sấm sét: "Chuyện lớn" đã xảy ra?

Với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) với chủ công là Không quân vẫn liên tục tổ chức các đợt tấn công nhằm vào Syria để hủy diệt những mục tiêu của lực lượng thân Iran và đôi khi là cả Quân đội Syria (SAA) nữa.

Để tránh cho các tiêm kích của mình bị tiêu diệt, chiến thuật mà Không quân Israel sử dụng là tấn công phi tiếp xúc (stand-off) tức là "đánh nhanh, rút nhanh", không xâm nhập vùng trời Syria mà sử dụng vũ khí tầm xa phóng đi từ không phận quốc tế, ở ngoài tầm của hầu hết các loại tên lửa phòng không mà Syria có trong tay.

Tên lửa S-300 mà Moscow bàn giao cho Damascus tháng 10 năm 2018 đủ sức làm việc đó, nhưng các hệ thống phòng không tầm xa này chưa hề khai hỏa.

Ngoài chiến thuật tác chiến phi tiếp xúc, Israel còn dùng một chiến thuật nữa đó là đe dọa sẽ tấn công hủy diệt các hệ thống phòng không Syria nếu chúng được sử dụng để bắn vào máy bay tiêm kích Do Thái.

Lời đe dọa này đáng sợ tới mức khiến cho phòng không Syria đúng là chẳng dám bắn vào chiến đầu cơ Israel hoạt động trên vùng trời quốc tế, bên ngoài không phận của mình.

Được Su-35 Nga hỗ trợ, tên lửa Syria ra đòn sấm sét vào máy bay Israel: Chuyện lớn xảy ra? - Ảnh 3.

Phòng không Syria khai hỏa đánh chặn tên lửa đối phương.

Vì thế, cứ mỗi lần Không quân Israel tấn công là mỗi lần phòng không Syria phải nai lưng ra chịu trận, hoàn toàn bị động trong việc đánh chặn tên lửa đang lao đến.

Còn Israel thì luôn nắm thế chủ động, thường xuyên cho chiến đấu cơ xuất kích bay thấp, lợi dụng địa hình địa vật, đặc biệt là các lõng núi giáp biên giới để che mắt radar phòng không Syria.

Việc xuất kích "hư hư, thực thực" của tiêm kích Israel khiến phòng không Syria hết sức căng thẳng bởi lúc nào cũng phải trực chiến, chỉ cần sơ sểnh một chút là sẽ tạo cơ hội cho chiến đấu cơ áp sát phóng đạn.

Lúc này việc đánh chặn tên lửa tốc độ cao và có diện tích phản xạ radar nhỏ là hết sức khó khăn, dù hiệu quả chiến đấu của các hệ thống phòng không Syria có cao đến mấy thì chắc chắn vẫn để lọt mục tiêu.

Thực tế đã chứng minh, trong những lần tập kích vừa qua, chưa một lần nào toàn bộ tên lửa của Israel bị tiêu diệt, bao giờ cũng có, không ít thì nhiều quả đạn vẫn vượt được bức màn lửa để tới mục tiêu đã định, gây nhiều tổn thất về binh lực, vũ khí trang bị và cơ sở hạ tầng cho các lực lượng Iran, Syria.

Chừng nào chưa triệt được tận gốc, tức là các phương tiện mang phóng tên lửa (chiến đấu cơ) Israel thì chừng đó phòng không Syria còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong trận tập kích của Không quân Israel vào Damascus đêm 20, rạng ngày 21/07/2020, dường như đã có "chuyện lớn" xảy ra khi phòng không Syria đã quất những đường đạn sấm sét được cho là nhằm vào chiến đấu cơ Israel trên vùng trời quốc tế thuộc không phận Jordan, láng giềng phía Nam của Syria.

Được Su-35 Nga hỗ trợ, tên lửa Syria ra đòn sấm sét vào máy bay Israel: Chuyện lớn xảy ra? - Ảnh 5.

Vị trí nhiều quả tên lửa rơi xuống sâu trong lãnh thổ Jordan, cách biên giới Syria tới hơn 10km.

Có ít nhất 3 đám cháy lớn ở các địa điểm khác nhau được ghi nhận ở sâu trong lãnh thổ Jordan (tới khoảng hơn 10km) mà nguyên nhân là do các mảnh vỡ của tên lửa phòng không Syria và tên lửa Israel rơi xuống.

Phòng không Syria trong trận này được cho đã khai hỏa sớm hơn hẳn mọi lần, bởi dấu hiệu Israel chuẩn bị đánh lớn đã được dự báo trước đó 1 ngày nên họ chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu, chỉ chờ phát hiện mục tiêu là khai hỏa.

Bên cạnh đó, tiêm kích Su-35 của Không quân Nga tại căn cứ sân bay Khmeimim đã xuất kích ngăn chặn các đợt đánh bồi của chiến đấu cơ Israel cũng như bảo vệ lực lượng của TT Assad nên tên lửa phòng không Syria mạnh tay đánh trả cả máy bay Do Thái lẫn tên lửa phóng đi từ chúng.

Việc khai hỏa sớm vào tên lửa Israel khi chúng vừa rời giá phóng sẽ giúp nâng cao xác suất diệt mục tiêu bởi nếu những quả đạn đầu trượt thì vẫn còn cơ hội bắn bồi thêm các lượt tiếp theo. Thực tế thì phòng không Syria đã làm tốt nhiệm vụ khi tiêu diệt đa phần tên lửa đối phương, dù vẫn để một vài quả lọt lưới, gây thiệt hại không đáng kể.

Rõ ràng, mặc dù lần này chưa bắn trúng tiêm kích Israel, nhưng việc tên lửa phòng không Syria vươn xa đánh sớm ngay trên không phận quốc tế đã đánh dấu một bước ngoặt mới, dường như vùng trời đã không còn an toàn với các chiến đấu cơ Không quân Do Thái.

Chưa biết "cáo già" Israel sẽ lại nghĩ ra chiến thuật nào mới để tấn công Syria bằng những chiến đấu cơ thông thường thế hệ 4 hay buộc phải dùng tới tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II làm chủ công. Nên nhớ, xác suất "Tia chớp II" có thể biến thành "con lợn béo" dưới tay phòng không Syria là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tên lửa phòng không được cho là của Syria rơi xuống Kufr Asad, Jorrdan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại