Bé 5 tuổi mưng mủ ruột thừa do bị xương cá "cắm thủng"

Bảo Lâm |

Theo Bệnh viện E, bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho một bé trai (5 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị nhiễm trùng ruột thừa do chiếc xương cá hóc từ lúc nào không biết.

Trước đó vào ngày 14/7, bệnh nhân nhi này nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau bụng vùng hố chậu phải…

Bệnh nhi có những cơn đau bụng âm ỉ, có sốt, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân nhi được chỉ định chụp MRI và kết quả cho thấy, hố chậu phải ruột thừa to bất thường kèm phản ứng viêm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhi bị viêm ruột thừa muộn.

TS.BS Hữu Hoài Anh – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV E cho biết đây là trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật theo hướng tối ưu nhất cho bé.

Nếu mổ hở, rạch rộng bụng, xử lý nhiễm trùng thì bệnh nhi sẽ phải chịu một vết sẹo dài dọc theo bụng nên bác sĩ quyết định mổ nội soi một vết mổ qua rốn cắt ruột thừa để hạn chế đau đớn, nhanh hồi phục, đảm bảo tính thẩm mỹ, tránh nhiều vết sẹo cho bé.

Khi mổ, ruột thừa của bé đã viêm mủ căng to, phần gốc đã bị vỡ, tạo thành ổ áp xe kích thước khoảng 3 cm. Lòng ổ áp xe chứa một dị vật sắc nhọn. Dị vật đó được xác định là một xương cá nhỏ đâm xuyên thủng và gây viêm ruột thừa.

Bé 5 tuổi mưng mủ ruột thừa do bị xương cá cắm thủng - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhi trên

BS Hoài Anh cho biết nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ viêm mủ toàn bộ ổ bụng. Sau đó, bác sĩ đã rửa sạch mọi ngóc ngách ổ bụng cũng như xử lý phần ruột thừa vỡ.

ThS.BSNT Nguyễn Quốc Đạt – Khoa Ngoại tổng hợp cũng cho biết thêm trường trẻ hóc dị vật sắc nhọn như xương cá có thể rất hay gặp nhưng dị vật chọc thủng ở vị trí ruột thừa lại hiếm. 

Bởi vì, thực tế, khi nuốt phải dị vật là xương cá, do hoạt động nhu động ruột đẩy đi xương cá có thể "du lịch" khắp hệ tiêu hóa của con người, từ khoang miệng – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột già và ra ngoài theo đường phân.

Nhưng trong quá trình di chuyển dị vật có thể "dừng lại" và "cắm thủng" bất kỳ chỗ nào trong hệ tiêu hóa của con người gây nên áp xe, nhiễm trùng ổ bụng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Khi bác sĩ cung cấp thủ phạm gây viêm dạ dày, gia đình của bé cũng ngạc nhiên và lo lắng vì không hề biết được bé đã ăn và hóc xương cá từ lúc nào, cho đến khi các bác sĩ thông báo có chiếc xương cá đâm thủng và gây nhiễm trùng ruột thừa của con.

Viêm ruột thừa ở trẻ có thể xảy ra ở lứa tuổi từ 3-4 tuổi, ít gặp ở dưới 2 tuổi do tổ chức bạch huyết thành ruột thừa chưa phát triển.

Bệnh này rất khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Ở trẻ nhỏ, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau.

Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Trẻ có sốt nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại