Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch "cúm Châu Á" từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong

Xuân Hoài |

30 - 50 nghìn người ở Tây Đức đã chết vì virus cúm H2N2, cả thế giới có khoảng 2 đến 4 triệu người đã chết. Nhà nghiên cứu lịch sử Hartmut Berghoff làm rõ sự khác biệt so với hiện nay.

Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm Châu Á từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong - Ảnh 1.

Một bệnh viện dã chiến ở Thuỵ điển 1957 Nguồn: Wikimedia / Public Domain

Để so sánh cuộc khủng hoảng – Corona hiện nay người ta hay lấy một số ví dụ trong lịch sử, phổ biến nhất là "dịch cúm Tây Ban Nha" năm 1918 – 1920, vụ dịch đã đi vào lịch sử thế giới. Hồi đó đã có khoảng từ 20 đến 100 tiệu người bị chết, chiếm từ 1 - 5% dân số thế giới.

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Hartmut Berghoff lại nêu lên một ví dụ khác hầu như đã bị lãng quên:bệnh "Cúm châu Á" từ 1957 - 1958. Đại dịch này giết chết từ 2 đến 4 triệu người trên toàn thế giới, trong đó ở Cộng hoà Liên bang Đức từ 30 - 50 nghìn người. Mặc dù con số tử vong cao hơn nhiều so với đại dịch Corona hiện nay, tuy nhiên hồi đó phản ứng xã hội hoàn toàn khác với hiện nay, theo nhận xét của giám đốc Viện nghiên cứu Lịch sử kinh tế và Xã hội trường đại học Goettingen.

Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm Châu Á từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong - Ảnh 2.

Hartmut Berghoff giảng dạy tại Uni Göttingen Quelle: Universität Göttingen

WELT: Thưa ông, dịch "cúm châu Á" đã diễn ra như thế nào?

Hartmut Berghoff: Dịch "cúm châu Á" bùng phát từ Trung Quốc hồi tháng 1/1957 – như Covid-19. Từ virus cúm gia cầm và một loại cúm ở người gộp lại thành một bệnh cúm mới có tên Influenzavirus H2N2 . Triệu chứng tương tự cúm theo mùa: đau đầu, ho, sốt, ớn lạnh, viêm họng, trường hợp xấu nhất viêm phổi và có thể bị chết.

WELT: Diễn biến dịch hồi đó thế nào thưa ông?

Berghoff: Do virus dễ lan truyền qua giọt nước hoặc bôi quệt nên bệnh lây lan nhanh, bắt đầu với "tốc độ xe đạp" lây lan khắp Trung Quốc. Đến tháng 4.1957 lan sang Hongkong, tháng 5 sang Singapore, Indonesia, Philippine, Nhật Bản và Úc. Sau đó bệnh lây lan nhanh hơn, "tốc độ tầu thuỷ". Tháng 6 xuất hiện ở Hoa Kỳ và châu Âu. Cũng như ở dịch cúm Tây Ban Nha, đại dịch này binh lính đóng vai trò quan trọng trong lây lan bệnh. Đến mùa thu thì bệnh phủ kín châu Á, châu Đại Dương, châu Âu, châu Mỹ.

WELT: Virus lan sang Đức vào mùa hè 1957 .

Berghoff: Hôm 17.7 một máy bay vận tải quân sự cất cánh từ New York chở theo nhiều người bệnh tới Bremerhaven (Đức). Không lâu sau đó nhiều ca bệnh xuất hiện gần doanh trại quân đội Mỹ, từ đó lan sang cả nước Đức.

WELT: Phản ứng của cơ quan nhà nước và giới y tế như thế nào?

Berghoff: Lúc đầu có sự đánh giá sai và coi nhẹ đại dịch. Bác sỹ ở bến cảng Bremerhaven cho rằng "bệnh cúm ở vùng khí hậu của chúng ta thường vô hại". Cơ quan chính quyền thoạt đầu coi nhẹ sự bùng phát dịch, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay từ tháng 7 đã cảnh báo. Các bác sỹ khuyên phải tích cực rửa tay, tránh tụ tập đông người, súc miệng với dung dịch khử trùng và dùng thuốc aspirin, "viên nén có formalin" và kháng sinh. Trà nóng, xông hơi và hồi đó xử dụng tia-UV đang là mốt.

WELT: Thế còn các phương tiện truyền thông?

Berghoff: So với thời này thì hồi đó báo đài hầu như rất ít đề cập tới đại dịch. Người ta coi điều này là không thể tránh, đành cam chịu. Người ta cũng không đề cập đến tổn thất.

Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm Châu Á từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong - Ảnh 3.

Nhân viên đường sắt lĩnh thuốc chống cúm năm 1957 ở Mainz Quelle: picture-alliance/ dpa

WELT: Sang đến tháng 9 và 10 thì dịch tràn lan, ngay cả ở Đức…

Berghoff: ... số người bị nhiễm bệnh lên đến mức kỷ lục, đến mức người sử dụng lao động phải lên tiếng khiếu nại. Họ nói về "dịch lễ hội ốm". Trước đó không lâu có quy định về tiếp tục trả lương trong trường hợp đau ốm. Lúc này dường như có sự lạm dụng hàng loạt quy định này. Ở nhiều trường phải ngừng giảng dậy, không phải vì lý do phòng bệnh mà vì hơn nửa số học sinh nghỉ ốm không thể tới trường.

WELT: Tình hình chung ở Cộng hoà Liên bang Đức khi đó ra sao?

Berghoff: Đây là đại dịch cúm nghiêm trọng đứng hàng thứ hai ở Đức trong thế kỷ 20. Khoảng 40% dân số bị nhiễm bệnh. Đến cuối năm cũ đầu năm mới tình hình dịu xuống. Nhưng sang đến tháng hai tiếp tục có một đợt dịch mới, dịch kết thúc vào mùa xuân 1958. Mặc dù không có các biện pháp gì lớn nhưng số ca lây nhiễm giảm. Nhưng con số thương vong khá cao. Virus-H2N2 không biến mất mà tiếp tục lây nhiễm ở người cho đến tận năm 1968. Sau đó nó biến đổi thành type H3N2, gây đại dịch tiếp theo vào năm 1968 - 1969, dịch này mang tên "Cúm Hongkong".

Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm Châu Á từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong - Ảnh 4.

Giãn cách? Không ai quan tâm: 1957 người dân xếp hàng trước cơ quan bảo hiểm y tế tại Nürnberg Quelle: picture-alliance/ dpa

WELT: Dư luận Tây Đức khi đó khá bình thản trước đại dịch – tại sao lại như vậy?

Berghoff: Khác với ngày nay, hồi đó nói chung cái chết hiện diện nhiều hơn, người ta coi nó là điều không thể tránh và chấp nhận nó. Những bệnh đáng sợ như bại liệt trẻ em, bạch hầu, lao và sởi vẫn chưa bị tiêu diệt. Kỳ vọng chế ngự được các bệnh nguy hiểm chết người vẫn chưa thực hiện được. Đa số dân chúng từ chối, không chịu tiêm chủng. Vả lại cái chết của hàng triệu người trong chiến tranh thế giới II cách đó chưa đầy một thế hệ. Rốt cuộc không ai có hình ảnh thực tế về tình hình dịch bệnh. Cái chết là vô hình. Do đó người ta vẫn nghĩ rằng đây chỉ là bệnh cúm "thông thường", diễn ra theo mùa.

WELT: Tại sao với cuộc khủng hoảng corona hiện nay chúng ta lại xử sự hoàn toàn khác trước?

Berghoff: Cuộc sống khá giả, phong lưu đã làm thay đổi về cơ bản quan niệm sống của con người. Trước kia bệnh tật, chết chóc một thời gian dài hiện diện mọi nơi và được chấp nhận, ngày nay tuổi thọ cao là chuyện bình thường. Con người kỳ vọng được bảo vệ về sức khoẻ, tiêm chủng được chấp nhận rộng rãi. Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chết người ngày nay không còn là mối đe doạ với người Đức. Thay vào đó, người ta cảm thấy bị sốc nếu đột ngột bị đe doạ bởi một loại bệnh tật nào đó mà người ta cảm thấy bất lực.

WELT: Ở đây truyền thông có vai trò như thế nào?

Berghoff: Năm 1957 truyền thông tìm mọi cách để trấn an con người. Khi đó chưa có sự cạnh tranh khốc liệt trong giới truyền thông, người ta không phải quyết chiến để dành sự chú ý của dư luận. Ngày nay truyền thông có xu hướng làm chuyện giật gân, gây sợ hãi trong dư luận.

WELT: Với tư cách là nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế, ông đánh giá như thế nào về tác động của toàn cầu hoá?

Berghoff: Sự kết nối toàn cầu tăng lên mạnh mẽ, sự đi lại của con người rộng mở và qua đó thị trường bệnh tật cũng không còn có sự ngăn cách. Đây là kinh nghiệm lâu đời của nhân loại. Thương mại và chết chóc thường song hành cùng nhau, hiểu theo nghĩa đen là cùng ngồi trên một con tầu. Ngày nay các luồng giao thông đã đạt tới tầm vóc khổng lồ. Năm 2018 có 4,3 tỷ lượt người đi máy bay, đạt 8,2 nghìn tỷ kilomet. Ngày nay con virus di chuyển vòng quanh thế giới với tốc độ của máy bay phản lực,  chúng có thể sau một thời gian ngắn tạo ra một sự lây nhiễm bệnh tràn lan ở một loạt nước.

WELT: Liệu có các yếu tố khác chịu sự tác động của con người không, thưa ông?

Berghoff: Nhân loại tự tăng tính dễ bị tổn thương của bản thân mình. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá, con người sống chen chúc, chật chội, sự chung sống với con vật trong một không gian chật hẹp, việc chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, sự tuyệt chủng các loài và biến đổi khí hậu, các yếu tố này có thể có vai trò đối với sự lây nhiễm bệnh.

Từ đại dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm Châu Á từng khiến 2 - 4 triệu người tử vong - Ảnh 5.

Một nhân viên văn phòng trong "diện mạo mới", để tránh lây nhiễm bệnh "cúm châu Á" (1957)Quelle: SSPL via Getty Images

WELT: Biện pháp giãn cách đối với cả xã hội là một biện pháp quyết liệt và gây nhiều tranh cãi. Vấn đề này trong quá khứ được đánh giá như thế nào ?

Berghoff: Cách ly người bệnh có lịch sử lâu đời. Việc cách ly toàn thể xã hội vì lý do phòng bệnh là một điều mới mẻ. Chúng ta đành chấp nhận rủi ro cao về kinh tế và cả về mặt y học. Không loại trừ sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chúng ta chưa rõ tác động của biện pháp này đến các căn bệnh khác như trầm cảm, nỗi lo lắng vì cách li ảnh hưởng đến cuộc sống, sự hoang mang lo sợ dẫn đến tự tử, tất cả những điều đó chúng ta chưa lường được hết.

WELT: ông đánh giá như thế nào về vai trò của y học hồi xưa và hiện nay?

Berghoff: Trong những năm 1950 y học còn ở trong giai đoạn mò mẫm. Ở Đức người ta còn cho rằng bệnh cúm là do vi trùng gây nên. Điều này liên quan đến sự tách biệt với nghiên cứu quốc tế do chủ nghĩa quốc xã gây ra. Đây cũng là lý do vì sao ở Tây Đức không có biện pháp tiêm chủng chống bệnh cúm theo mùa. Ngày nay nghiên cứu y học đã trở thành một mạng lưới trải rộng trên thế giới và có phản ứng vô cùng nhanh nhậy trước những vật gây bệnh mới, chúng được giải mã một cách nhanh chóng. Việc tìm kiếm vắc xin được tiến hành với tốc độ chóng mặt.

WELT: Phải chăng sự hiểu biết rộng rãi trong công chúng về đại dịch cũng góp phần tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ của chúng ta?

Berghoff: Giờ đây chúng ta hiểu, thông qua trao đổi toàn bộ khối gien giữa virus cúm và các Subtyp động vật tạo ra những con virus mới có khả năng gây bệnh rất cao, hệ thống miễn dịch ở con người trở nên bất lực và trước mắt không có khả năng can thiệp bằng các biện pháp dược lý. Quả thật rất đáng lo ngại khi chúng ta biết rằng, thế giới động vật có một kho dự trữ khổng lồ về các virus nguy hiểm chết người đối với con người và chúng luôn đi trước chúng ta một bước. Giờ đây chúng ta hiểu rõ hơn về nguy cơ này so với thời kỳ sau chiến tranh. Điều này giải thích thời kỳ vô lo đã kết thúc.

WELT: Chúng ta rút ra được bài học gì từ "bệnh cúm châu Á" trước đây 63 năm cho ngày nay?

Berghoff: Sự thanh thản, bình tĩnh. Xét về lịch sử thì đại dịch sẽ luôn xẩy ra, nhưng nó cũng sẽ qua đi, ngay cả khi không có hay chỉ có một sự can thiệp ít ỏi. Điều này hoàn toàn không có nghĩa, sự can thiệp là thừa, vì qua đó cứu được rất nhiều nhân mạng. Việc chúng ta biết quý trọng cuộc sống này và không thờ ơ chấp nhận sự đau khổ, riêng điều này đã là một tiến bộ nhân bản thật sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại