100 ngày trước khi cấm vận VK Iran được gỡ bỏ: 5 loại "hàng nóng" thừa sức xuất khẩu?

Hoài Giang |

Dự kiến Iran sẽ được LHQ gỡ bỏ cấm vận vũ khí vào ngày 18/10 - khoảng 100 ngày nữa. Khi đó, Tehran có thể sẽ xuất khẩu các loại "hàng nóng" đã từng "thử lửa" trước Mỹ ra thế giới.

Hôm 5/7, hãng tin Mehr News của Iran đăng tải bài viết nhan đề: "What high-tech military equipment can Iran offer world?" (tạm dịch: Iran có thể cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao nào ra thế giới Iran?) của nhà báo Hadi Rezaei.

Trong bối cảnh các nỗ lực của Mỹ nhằm gia hạn cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran nhiều khả năng sẽ không hiệu quả và chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Tehran sẽ được "sổ lồng", nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều, một chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Iran sắp được "tháo gông" khỏi lệnh cấm vận vũ khí

Nghị quyết số 2231 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) quy định rằng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ phải bị gỡ bỏ trong vòng 5 năm sau thời điểm Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015.

Theo Mehr News, thời điểm Iran được "tháo gông" dự kiến sẽ là ngày 18/10/2020, tức là chỉ còn hơn 100 ngày nữa.

Israel và Mỹ đã nỗ lực vận động hành lang và đệ trình lên HĐBA một dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài vô thời hạn cấm vận vũ khí đối với Tehran, hành động được Mehr News bình luận là "cố gắng ngăn Iran quay trở lại thị trường vũ khí thế giới".

Chấm dứt cấm vận nghĩa là Iran có thể bổ sung vũ khí hiện đại cho lực lượng vũ trang của mình sau nhiều năm "thiếu thốn". Tương tự như một số quốc gia Tây Á, Iran sẽ trở thành mục tiêu của "một cuộc cạnh tranh bất tận" để là điểm đến cho vũ khí của các nhà sản xuất lớn trên thế giới.

Ngược lại, khi xem xét tới việc Tehran đã phải nỗ lực trong nhiều năm bị bao vây để có thể tự sản xuất vũ khí và nếu cấm vận được gỡ bỏ, các nhà sản xuất Iran có thể xuất khẩu các vũ khí đã chứng minh sự hiệu quả ra thế giới.

100 ngày trước khi cấm vận VK Iran được gỡ bỏ: 5 loại hàng nóng thừa sức xuất khẩu? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Mehr News).

Dưới đây là các loại vũ khí mà tự sản xuất, được đánh giá cao về tính năng và giá cả mà Iran có thể xuất khẩu trong thời gian tới:

1.Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình

Tên lửa là loại vũ khí quan trọng nhất mà Iran đã tập trung phát triển kể từ khi chiến tranh Iran - Iraq kết thúc (năm 1988).

Ngày nay Iran được biết đến như là một "cường quốc tên lửa" với kho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tiên tiến và lớn nhất thế giới. Quy mô của ngành công nghiệp này cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phòng thủ của các quốc gia khác.

"Mặt hàng" mà Tehran có thể cung cấp vô cùng đa dạng và có thể sẽ thu hút được các khách hàng quốc tế. Chúng đã được "thử lửa" trong các cuộc tập kích vào nhóm khủng bố IS tại Syria hay căn cứ quân sự Ayn al-Assad của Mỹ ở Iraq.

Có thể kể tới một số loại tên lửa đạn đạo "nổi tiếng" bao gồm Shahab, Fateh 110, Qiam, Zelzal, Fateh 313, Zolfaghar, Hormoz, Ghadr, Emad, Sajil, Khorramshahr, Dezful, Fateh Mobin và Raad-500

Đối với tên lửa hành trình, Hoveyzeh, Nasr và Ghasing-3 có thể là các đại diện cho ngành công nghiệp quân sự Iran chiếm thị phần nhất định trong thị trường vũ khí toàn cầu.

Iran khai hỏa tên lửa đạn đạo vào căn cứ Mỹ ở Iraq hôm 8/1/2020.

2. Vũ khí hải quân

Mặc dù Mỹ, Đức và Nga luôn là những nước tiên phong trong ngành công nghiệp vũ khí hải quân, Iran vẫn có một phân khúc "ngách" thu hút người mua bởi giá cả phải chăng và các tính năng đặc biệt của vũ khí.

Đối với Iran, việc thiết kế và chế tạo tàu ngầm còn khá mới mẻ, tuy nhiên các tàu ngầm nội địa như Ghadir và Fateh đều có các năng lực đặc biệt và có thể cạnh tranh với các mẫu tương tự của nước ngoài.

Với các tàu chiến mặt nước, Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc như việc tự đóng các khu trục hạm Sahand, Jamaran và Damavand.

Những khu trục hạm này, ví dụ như Sahand có sức hấp dẫn khá lớn đối với khách hàng quốc tế bởi độ bền, tốc độ cao, khả năng tác chiến trên mặt nước, chống ngầm, phòng không và đặc biệt là mang theo các máy bay trực thăng.

Các tàu vũ trang cao tốc như Zolfaghar, Zuljanah, Seraj và Shahid Nazeri là những "át chủ bài" trong việc phòng thủ bờ biển, được hứa hẹn sẽ tạo ra lợi nhuận lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Iran.

100 ngày trước khi cấm vận VK Iran được gỡ bỏ: 5 loại hàng nóng thừa sức xuất khẩu? - Ảnh 3.

Khoảng 20 tàu cao tốc của IRGC bám theo cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại Eo biển Hozmuz tháng 12/2019.

3. Máy bay không người lái (UAV)

UAV và UAV tấn công (UCAV) là một cơ hội lớn cho Iran sau khi cấm vận vũ khí kết thúc vào tháng 10/2020.

Theo Tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng Không quân - Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC): "Iran là cường quốc không người lái số một trong khu vực và là một trong 4 quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới".

Do các ứng dụng của máy bay không người lái có thể bao gồm nhiều lĩnh vực - không chỉ quân sự, các loại UAV của Iran có thị trường khá rộng lớn cho các nghiên cứu khoa học hay các mục đích khác.

Hàng loạt UAV như Shahed, Mohajer, Ababil, Kaman-12, Khodkar và Karar đều có những năng lực đặc biệt và có thể sẽ trở nên phổ biến trên thị trường vũ khí toàn cầu.

4. Các hệ thống phòng không

Sự phát triển của các tiêm kích tàng hình và UAV đồng nghĩa với tầm quan trọng ngày càng tăng của các hệ thống phòng không và radar. Đây được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Một hệ thống phòng không hiện đại là sự kết hợp của một loạt các khí tài bao gồm các radar tiên tiến có khả năng theo dõi các vật thể bay xâm nhập và các hệ thống tên lửa có trách nhiệm tiêu diệt các mục tiêu thù địch nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ không phận.

Do cấm vận vũ khí, Iran đã buộc phải tự xây dựng năng lực phòng không và may mắn thay, họ đã có thể đạt được thành công trong lĩnh vực này.

Vụ việc tên lửa của hệ thống Khordad-3 bắn rơi UAV trinh sát tối tân của Mỹ năm 2019 đã gây chấn động trên toàn thế giới. Đây là bằng chứng về việc Iran đã phá thế "độc quyền" của Nga và Mỹ trong việc sản xuất các hệ thống phòng không đáng tin cậy.

Iran có một số hệ thống phòng không có thể đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khác trong khu vực. Có thể kể đến Bavar-373, Khordad-3, Tabas, Kamin-2, Sayad và Talash, chúng sẽ là "thành đồng vách sắt" trước nguy cơ xâm nhập của máy bay nước ngoài.

Hệ thống phòng không Khordad-3 của Iran bắn hạ UAV RQ-4A của Mỹ hôm 20/6/2019 (Nguồn Press TV).

5. Vũ khí, khí tài mặt đất

Từ vũ khí hạng nhẹ đến phương tiện cơ giới, xe bọc thép và xe tăng, các loại vũ khí, khí tài cho lục quân là một lĩnh vực quan trọng và không ngừng tăng tưởng trên thị trường vũ khí thế giới.

Iran đã đạt được tiến bộ lớn trong lĩnh vực này bằng các sản phẩm như Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Karrar (được đem ra so sánh với T-90 của Nga) và xe bọc thép chở quân Toofan. Cả hai loại khí tài này đều đã được dân quân Iraq sử dụng để chống lại nhóm khủng bố IS.

Đối với các loại vũ khí hạng nhẹ, Iran đã đạt được những thành tựu quan trọng như súng bắn tỉa Shaher và các loại vũ khí cá nhân và cộng đồng khác có thể được đưa vào xuất khẩu ở các nước lân cận.

Kết luận

Ngành công nghiệp vũ khí đã và vẫn sẽ đem lại cho các quốc gia xuất khẩu lợi nhuận cao trên thị trường thế giới. Sau 40 năm nỗ lực và trau dồi kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Iran đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Vào thời điểm cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Tehran có thể tham gia kinh doanh vũ khí một cách hợp pháp. Đây cũng là cơ hội cho Iran khi xem xét lĩnh vực sản xuất vũ khí cho mục đích xuất khẩu là một ngành kinh doanh và thu lợi nhuận từ nó.

Video giới thiệu xe tăng chủ lực Karrar của Iran

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại