Chuyên gia ung thư: Các ông bà lang băm rất lộng hành; vì sao bệnh nhân ung thư dễ tin tưởng lang băm?

Xuân Hoài |

Chẩn đoán ung thư làm người ta sợ hãi một phần vì quá trình điều trị ung thư có thể có tác động phụ nặng nề. Vì thế nhiều bệnh nhân ung thư tìm các phương pháp điều trị thay thế.

Jutta Hübner (57tuổi) là bác sỹ nội khoa, huyết học và nội ung thư. Ngoài ra bà còn là chuyên gia về y học tạm trị (Palliativmedizin), Chirotherapie và liệu pháp chữa trị tự nhiên. Hübner là giáo sư về ung thư tích hợp (integrative Onkologie) tại Bệnh viện đại học Jena và hiện là người điều phối bảng hướng dẫn về liệu pháp bổ sung đối với bệnh ung thư

Với nhiều người khi bị chẩn đoán ung thư thế giới như bị sụp đổ. Người ta không những chỉ sợ căn bệnh này mà đôi khi còn sợ trước những tác động phụ kinh khủng trong quá trình hoá trị hay xạ trị. Nhiều người mong muốn có một phương pháp thay thế nhẹ nhàng hơn hoặc chí ít cũng có hỗ trợ tự nhiên trong trị liệu.

Từ đó nảy nòi ra những kẻ lợi dụng tình huống bi đát này để thu hàng nghìn Euro cho những ca điều trị vô bổ.

Bà Jutta Hübner là giáo sư về ung thư học tích hợp (integrative Onkologie) tại Bệnh viện trường đại học Jena. Trả lời phỏng vấn của báo WELT bà giải thích, tại sao các liệu pháp đắt tiền lại đặc biệt đáng ngờ và tại sao những bác sỹ và thày lang bất lương hầu như không sợ hậu quả về việc họ làm.

WELT: Bà hiện đang phối hợp bảng hướng dẫn các phương pháp thay thế , bổ sung trong điều trị ung thư. Tại sao lại cần thiết phải làm việc này?

Jutta Hübner: Y học bổ sung và thay thế thường hay được vận dụng trong điều trị bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên điều này thường xảy ra trên cơ sở thiếu thông tin đáng tin cậy, mà hay xuất phát từ cảm tính. Nhiều thầy (bà) lang hay bản thân người bệnh không dựa vào hướng dẫn của cơ quan y tế, thông tin thiếu cơ sở và có khi chỉ đọc tin trên mạng internet. Từ đây có thể xẩy ra nhiều rủi ro, vì y học thay thế cũng có thể gây hại đáng kể đối với người bệnh. 

Trong bảng hướng dẫn lần đầu tiên chúng tôi công bố một cái nhìn tổng quan, cái gì có cơ sở khoa học và hữu ích và những rủi ro tiềm ẩn trong các phương pháp điều trị. Cho đến nay đây là lần đầu tiên vấn đề này được đề cập tương đối toàn diện, đầy đủ. Điều này cực kỳ quan trọng, đối với bản thân người bệnh cũng như đối với sự tư vấn của thầy thuốc.

WELT: Tại sao đối với ung thư phương pháp thay thế lại được ngưỡng mộ như vậy?

Hübner: Điều này người ta có thể hiểu được nếu đặt mình vào vị trí và tình thế của người bệnh. Sau khi được chẩn đoán "ung thư" ngay lập tức nổi lên suy nghĩ: "Đây là một căn bệnh hiểm nghèo thường dẫn đến tử vong". Trong bối cảnh đó người ta sẽ tìm mọi cách chữa trị với hy vọng sức khoẻ sẽ được bình phục. 

Chúng ta cần thành thật thừa nhận, bệnh ung thư có thể chữa được, nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Vì thế, nhất là khi tiên lượng không mấy khách quan, việc đầu tiên người ta nghĩ tới là: "Liệu còn cách gì khác không?" Đây là lúc, như người ta thường nói "có bệnh vái tứ phương".

Chuyên gia ung thư: Các ông bà lang băm rất lộng hành; vì sao bệnh nhân ung thư dễ tin tưởng lang băm? - Ảnh 2.

Cây tầm gửi - loại thảo dược được "đồn đoán" có tác dụng chữa ung thư

WELT: Nhưng không phải chỉ vì tuyệt vọng người ta mới tìm đến các biện pháp thay thế.

Hübner: Có một nhóm bệnh nhân khác. Ở nhóm bệnh nhân này cách điều trị thông thường thực ra ổn. Nhưng các liệu pháp điều trị rất hiệu quả như hoá trị hay xạ trị thường gây tác động phụ. Người bệnh ở đây trông mong vào liệu pháp bổ sung để làm cho cả quá trình điều trị dễ chịu hơn và hạn chế các tác động phụ. Nhiều người bệnh muốn chủ động, tích cực tham gia vào quá trình điều trị, họ muốn tự quyết định đối với số phận của mình.

WELT: Bà cho phép đi sâu vào một số liệu pháp bổ sung được ưa chuộng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi thí dụ liệu pháp vi lượng đồng căn (Homöopathie). Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Hübner: Vi lượng đồng căn hoàn toàn không mất gì trong điều trị bệnh ung thư. Ung thư là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta phải khẳng định rõ ràng trong các viên (Globuli) hoàn toàn không có chất hữu hiệu. 

Cho bệnh nhân ung thư dùng giả dược là một việc làm hoàn toàn không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy vi lượng đồng căn có thể ngăn ngừa các tác động phụ trong điều trị bệnh ung thư theo các liệu pháp thông thường. Cho dù hiệu ứng giả dược đôi khi giảm khó chịu chủ quan nhưng đó cũng chỉ là thiếu trung thực khi coi đây là thuốc chữa bệnh thật. 

Đối với việc điều trị bệnh hiểm nghèo thì sự trung thực và niềm tin là vô cùng quan trọng. Homöopathie huỷ hoại niềm tin giữa thầy thuốc và người bệnh.

WELT: Homöopathie cũng có thể làm tăng tổn thương – thí dụ nó trì hoãn liệu pháp chữa trị có hiệu quả.

Hübner: Khi tư vấn hoặc làm việc trong phòng khám chúng tôi chứng kiến những ví dụ bi thảm, vì khoảng thời gian cho đến điều trị bắt đầu có hiệu quả là một yếu tố có ý nghĩa quyết định. Nếu trong khoảng thời gian này lại áp dụng các liệu pháp không có hiệu quả như Homöopathie thì nhiều khi gây hậu quả chết người.

WELT: Bản thân bà đã phải đối mặt với những bệnh nhân như vậy chưa?

Hübner: Rất tiếc là có.

WELT: Với bệnh ung thư y học nhân học cũng được ưa chuộng – một hướng đi, dựa vào Rudolf Steiner, người sáng lập sư phạm -Waldorf. Ở đây cây mistel, một loại cây tầm gửi, có vai trò to lớn. Điều này nói lên cái gì?

Hübner: Trong y học nhân học người ta áp dụng một loạt liệu pháp điều trị khác nhau. Từ những vụ mà tôi đã trải nghiệm qua thực tế thì các liệu pháp này luôn đi cùng với một liệu pháp đã từng được ứng dụng trong điều trị – do đó ở đây tôi không thấy có nguy cơ gì lớn. 

Cách đây ít tháng trong quá trình làm bản hướng dẫn chúng tôi đã làm hai bản tổng quan, thu thập những gì liên quan đến cây tầm gửi. Nhưng trong các nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, tiếc rằng lại nhận thấy những loại thuốc tầm gửi cũng như các giả dược không mang lại lợi ích sống còn nào cho người bệnh. Ở các nghiên cứu này chúng tôi cũng không phát hiện được bằng chứng về ảnh hưởng tích cực đến các tác động phụ trong liệu pháp hoá trị và xạ trị.

WELT: Vậy chuyện với hạt mơ thì như thế nào? Có tin đồn, một hoạt chất trong hạt mơ có tác dụng diệt tế bào ung thư.

Hübner: Câu chuyện với hạt mơ đã gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân của chúng tôi, vì cái chất Amygdalin đó giải phóng axit hydrocyanic trong cơ thể. Thực ra đây là chuyện cũ rích. Nhưng nó lại là một ví dụ điển hình cho thấy, như ở trong trường hợp này các giải thích giả khoa học nhằm kiếm chác như thế nào. Thử nghiệm trên tế bào riêng lẻ đã được áp dụng một cách đơn giản vào toàn bộ cơ quan trong cơ thể. Điều này đối với người ngoại đạo – và cả với một vài bác sỹ – cũng không dễ dàng nhận ra những lời giải thích này là hoàn toàn sai.

WELT: Có một liệu pháp cũng hay được đề cập: y học chỉnh hình phân tử (orthomolekulare Medizin) dùng vitamin liều cao để diệt ung thư.

Hübner: Không có bằng chứng nào đáng tin cậy nào về việc y học chỉnh hình phân tử có thể chữa trị được bệnh ung thư. Chúng ta đều biết việc đưa vào cơ thể người bệnh một lượng vitamin và khoáng chất đầy đủ là vô cùng quan trọng với người bệnh. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cung cấp cho người bệnh, trừ một số ngoại lệ, đầy đủ chất dinh dưỡng. 

 Trong một số trường hợp chúng tôi thay đổi liều lượng có mục đích nhằm cung cấp cho cơ thể người bệnh một liều lượng thuốc nhất định đê bảo đảm cơ thể có đầy đủ chất đó. Ở đây Vitamin D có một vai trò đặc biệt, vì chúng tôi biết, một số bệnh nhân thiếu chất này. 

Tương tự như vậy là chất vi lượng Selen. Việc cung cấp vitamin liều cao hoàn toàn không liên quan gì đến y học chỉnh hình phân tử. Người ta đặt nhiều hy vọng vào liệu pháp này nhưng cho đến nay chưa thu được kết quả tích cực. Cũng cần nhớ rằng, ngay cả vitamin liều quá cao cũng có thể gây ra tác động phụ và thậm chí nó làm suy giảm tác động của thuốc chống ung thư đích thực.

WELT: Các liệu pháp thay thế này có thể vô cùng tốn kém. Liệu đàng sau nó có sự trục lợi về tài chính?

Hübner: Tôi tin rằng, ở một số nhà điều trị thích quảng bá cho liệu pháp thay thế thì chuyện tiền bạc đóng vai trò chính yếu. "Y học truyền khẩu", tức các cuộc tư vấn cặn kẽ về điều trị trong hệ thống y tế nước ta lại hầu như không được trả thù lao. Tôi thậm chí muốn đi xa hơn và khẳng định rằng: một cơ sở y tế, muốn tư vấn và điều trị cho bệnh nhân ung thư một cách trung thực về liệu pháp thay thế thì khó có thể tồn tại về kinh tế trong hệ thống của chúng ta. 

Điều này dẫn đến tình trạng, có những bác sỹ, ban đầu muốn thực sự trung thực và tử tế nhưng rồi qua thực tế bỗng nổi lên câu hỏi: "Vậy ta lấy đâu ra tiền cho các buổi tư vấn như thế này?" Và từ đó dẫn đến tình trạng xuống cấp, người ta có xu hướng giới thiệu ngày càng nhiều hơn về các liệu pháp thay thế đáng ngờ và đắt đỏ mà người bệnh phải tự thanh toán. 

Thực ra đây là một sự điên rồ – chúng ta cần giảm mạnh kinh tế hoá trong lĩnh vực y học và trong công tác đào tạo ở trường y cần nêu cao y đức và tư duy khoa học.

Chuyên gia ung thư: Các ông bà lang băm rất lộng hành; vì sao bệnh nhân ung thư dễ tin tưởng lang băm? - Ảnh 3.

Lời đồn "hạt mơ chứa hoạt chất có thể tiêu diệt được tế bào ung thư" thậm chí đã gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

WELT: Trong điều trị bổ sung đối với bệnh ung thư những tiếp cận nào đã được chúng minh một cách khoa học?

Hübner: Với tôi thì y học bổ sung bắt đầu từ chủ đề về lối sống: Điều gì người bệnh có thể tự làm được để hỗ trợ cho sức khoẻ của bản thân mình? 

Về vấn đề này chúng tôi đề cập tới chế độ dinh dưỡng cân đối, về hoạt động thể chất hay hạn chế tối đa hút thuốc lá hay sử dụng chất có cồn – đó là những vấn đề cơ bản. Sau đó chúng ta xem xét một cách tổng quát trong trường hợp nào thì áp dụng liệu pháp bổ sung là có thể có lợi. 

Ở đây có thể là liệu pháp thư giãn- và thiền định như Yoga, thái cực quyền hay khí công. Cạnh đó có thể sử dụng thảo dược vì một số cây thuốc có tác dụng giảm đau cho người bệnh trong quá trình điều trị. Tuy nhiên khi dùng thảo dược phải chú ý đến sự tương tác đối với các loại thuốc khác.

WELT: Những tiếp cận nào trong liệu pháp tự nhiên và thực phẩm chức năng nào có nhiều hứa hẹn trong điều trị ung thư?

Hübner: Bên cạnh vấn đề cân bằng chúng tôi hướng nhiều tới việc sử dụng axit béo - Omega-3, vì thực phẩm chức năng này có tác dụng hạn chế viêm và tác động tích cực đến kết cấu cơ bắp cũng như sự suy sụp thể chất. Đối với các sản phẩm dược liệu chúng tôi muốn nhấn mạnh đến gừng – trà gừng giúp người bệnh cảm thấy đễ chịu trong quá trình điều trị ung thư. Trong điều trị bằng dược liệu chúng ta có một loạt hoạt chất có tác dụng bổ trợ đối với người bệnh.

WELT: Người bệnh và thân nhân của họ làm thế nào để nhận biết các liệu pháp nghiêm túc, đúng đắn với những lời đồn thổi nhảm nhí, mê tín dị đoan?

Hübner: Điều này hoàn toàn không đơn giản, bởi một số thứ được trình bày, diễn giải rất khôn khéo và nghe tưởng chừng như rất nghiêm túc và đúng đắn. 

Tuy nhiên có một số đặc điểm để người ta phải nghi ngờ. Thí dụ khi người ta khuyên không điều trị bằng các liệu pháp chính thống, đã được kiểm chứng và khẳng định chỉ có liệu pháp của họ mới chắc chắn khỏi bệnh. Thường khi thuyết giảng hết lời cho các liệu pháp của mình người ta còn lồng ghép cả thuyết âm mưu, phản đối "y học chính thống" cũng như sản phẩm của ngành công nghiệp dược phẩm. 

Sự lừa dối trí trá cũng thể hiện qua cách quảng cáo, nào là hàng trăm người đã khỏi bệnh hoặc phương pháp này không có phản ứng phụ vv… Phải khẳng định, mọi liệu pháp có hiệu quả ít nhiều đều có tác động phụ. 

Khi người ta đề cập đến điểm sau đây thì nhất thiết phải rung chuông báo động: khi trong bản cam kết ghi người bệnh đã được giải thích tuy nhiên vẫn yêu cầu phương pháp trị liệu này, mặc dù phương pháp đó chưa được khoa học công nhận. Trong trường hợp tồi tệ nhất thì điều này giống như người ta tự ký vào bản án tử hình với bản thân mình – mà không thể chống lại về phương diện pháp lý. 

Vấn đề cuối cùng là giá cả. Mọi liệu pháp, nếu bình quân phải chi quá 1 Euro cho một ngày đều là đáng ngờ.

WELT: Tôi từng đọc, có một số nhà điều trị ràng buộc bệnh nhân của mình cùng chịu trách nhiệu với bệnh tình, tại sao lại như vậy?

Hübner: Những câu như "bạn đã áp dụng chế độ ăn uống không đúng" hoặc "bạn đã chịu đựng quá lâu với mối quan hệ căng thẳng kéo dài" đây là những chiêu nhằm ràng buộc người bệnh với nhà điều trị và đây cũng chỉ là một mô hình giải thích giả hiệu. Xét cho cùng đó cũng chỉ là các chiêu quảng cáo bán hàng. 

Gặp những trường hợp như vậy nhất thiết phải hết sức cảnh giác. Một chiêu nữa là đổ lỗi cho người khác, thí dụ, khẳng định, liệu pháp thay thế không đạt được hiệu quả là do người bệnh không làm đúng theo chỉ dẫn. Gặp trường hợp như vậy thì nên cắt đứt luôn quan hệ và tìm người chữa trị khác.

WELT: Tại sao một số người trong ngành chăm sóc sức khoẻ lại có thể coi thường đạo đức nghề nghiệp đến như vậy?

Hübner: Tôi nghĩ ở đây có hai nhóm người khác nhau. Một nhóm thì bất chấp tất cả, sẵn sàng làm mọi chuyện, miễn sinh lời. Nhóm thư hai đông hơn nhiều, những người này thực sự tin những việc họ làm là đúng, liệu pháp mà họ thực hiện có hiệu quả và vì vậy họ không thấy có vấn đề về đạo đức khi ngửa tay nhận tiền.

WELT: Đúng ra khi qua điều trị mà bị tổn hại, người ta có thể thực hiện các biện pháp pháp lý. Nhưng trong thực tế điều này cũng không đơn giản.

Hübner: Đó chính là lý do tại sao trong lĩnh vực điều trị ung thư bạn có thể là lang băm mà không hề hay hấn gì cả. Khi người bệnh sớm nhận ra liệu pháp điều trị không hiệu quả họ sẽ ngừng và kiếm nhà trị liệu khác. Còn nếu không sớm phát hiện thì phần còn lại của cuộc sống thường rất ngắn ngủi và không bõ công để mà kiện tụng nơi pháp đình. Còn trong trường hợp hồ nghi, thí dụ hợp đồng điều trị đã ký, nhưng hầu như không có kết quả mà nguy cơ tổn thất tài chính rất lớn. Trong trường hợp như vậy nhiều bệnh nhân cảm thấy xấu hổ vì nhẹ dạ cả tin nên bị lừa, vì vậy họ cũng không muốn làm to chuyện.

WELT: Nhưng người ta có thể khiếu nại với hiệp hội thày thuốc hữu quan. Làm như vậy chí ít cũng làm cho người bác sỹ bị tai tiếng về nghề nghiệp và tránh không để các bệnh nhân khác bị lừa bịp trong tương lai.

Hübner: Đúng là như vậy, điều đó nên làm. Tôi cũng mong đợi nhiều hơn từ hiệp hội thầy thuốc.

WELT: Ý của bà là sao?

Hübner: Cho đến nay tôi chưa hề chứng kiến một trường hợp khiếu nại nào mà được xử lý đến nơi đến chốn.

WELT: Điều này nghe chừng không hay cho lắm.

Hübner: Phải, tiếc rằng nó lại như thế. Các ông bà lang băm ở Đức thực sự rất lộng hành, tự tung tự tác. Ơ đây người bệnh chỉ biết dựa vào bản thân mình, tự bảo vệ mình thông qua thu thập các nguồn thông tin bổ ích. 

Thực ra đây là một vấn đề nan giải– đáng ra phải có các tổ chức khác đứng ra ngăn chặn những kẻ xấu này. Cho đến nay một số cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hành động đúng đắn, kịp thời.

WELT: Tại sao bà lại đi đến lĩnh vực đặc biệt này?

Hübner: Tôi đặc biệt quan tâm đến chủ đề này, ngay từ khi còn là trợ lý bác sỹ thời trẻ, khi đó tôi đã nhận thấy sự băn khoăn, lo lắng của người bệnh. Mình có thể làm gì để hỗ trợ quá trình điều trị? Có loại cây thuốc nào tốt đối với bệnh tình của mình? Chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư thế nào là hợp lý ? Đó là những câu hỏi hầu như xuất hiện hàng ngày. 

Tuy nhiên hầu như không có thông tin về những vấn đề đó – đấy là điều mà tôi muốn thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại