Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng, chưa từng có

Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn phòng không 377 |

1 tiếng "kít", quả đạn phóng lên như một "mũi tên xanh" tuyệt đẹp, lao tới mục tiêu làm chiếc máy bay CH-47 nổ tung. 18 sĩ quan Mỹ và rất nhiều sỹ quan cấp tá VNCH đã thiệt mạng.

LTS: Đồng chí Đại tá Ngô Mậu Chiến - nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377 - là cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi. Trong những năm chiến tranh, đồng chí Ngô Mậu Chiến là xạ thủ tên lửa A72 tham gia chiến đấu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Đại tá Ngô Mậu Chiến đã gửi cho chúng tôi những dòng ký ức đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh ấy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

---------

Kỳ 1: Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là "A7 trượt"... quyết phục thù

---------

Kỳ 2: Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng - Chưa từng có

"A7 trượt" quyết phục thù

Ở mặt trận Đồng bằng Sông Cửu Long, các loại máy bay Mỹ và VNCH thả sức làm mưa làm gió: F5 và A37 bổ nhào ném bom. Trực thăng từng đàn 8 - 10 chiếc bay rất thấp, súng AK có thể bắn được nhưng tên lửa A72 và 12 ly 7 không được bắn sợ lộ đội hình ém quân.

Nhiều đêm tôi nằm trằn trọc suy nghĩ mình phải đánh thắng để lấy lại niềm tin và uy tín. Tôi đề xuất với Ban pháo tiền phương của Bộ tư lệnh "R" cho tên lửa A72 đi phục kích. Đồng chí Huỳnh Công Thanh - Tham mưu phó "R" tiền phương đồng ý.

Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng, chưa từng có - Ảnh 1.

Tác giả Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377

Tôi tổ chức họp Trung đội phổ biến và giao nhiệm vụ rồi nói: "Đây là điều kiện và thời cơ để chúng ta lập công. Hơn 1 tháng vừa rồi, chúng ta tham gia 3 trận, bắn hết 4 quả đạn mà chưa rơi chiếc máy bay nào… Thật xấu hổ khi bộ binh gọi ta là "A7 trượt"!

Bây giờ đã được thay đạn mới, cấp trên đồng ý cho ta đi đánh phục kích. Đi phục kích ta cố gắng chọn vị trí tốt, khi máy bay chưa tới thì phải luyện tập. Khi có mục tiêu thì nhớ là "ngon" ta mới đánh và đã đánh là phải chắc thắng!".

Tôi tổ chức 2 tổ 3 người đi đánh phục kích. Mỗi tổ mang 1 cơ cấu phóng, 2 quả đạn tên lửa A72 và 2 súng AK, do du kích địa phương dẫn đường.

Ngày hôm sau bắt đầu có máy bay OV10 trinh sát vào đường bay của tổ đồng chí Bùi Anh Tuấn phục kích. Thời tiết lúc này khá đẹp, mưa vừa xong, trời trong xanh. Đồng chí Bùi Anh Tuấn phóng quả tên lửa lên đã bám sát mục tiêu và tiêu diệt chiếc OV10 rơi tại chỗ.

Chúng tôi sung sướng vô cùng! Ngay lập tức, cấp trên gửi điện khen. Còn quân và dân ta trong khu vực chứng kiến cảnh máy bay Mỹ - VNCH bị tên lửa A72 của ta bắn tan xác trên bầu trời mà chúng cứ làm mưa làm gió bao lâu nay thì vô cùng hả hê, sung sướng!

Từ trận thắng đó, chúng tôi rút kinh nghiệm và tiếp tục chiến đấu theo hướng là phục kích trên các đường bay, nhưng phải hết sức giữ bí mật vì nếu lộ ra thì bị máy bay trực thăng của chúng sẽ đổ chụp bắt sống.

Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng, chưa từng có - Ảnh 2.

Trực thăng Mỹ - VNCH bay hàng đàn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phát bắn thần kỳ, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng

Cuộc chiến đấu cứ tiếp diễn như vậy và sau hơn 1 năm, Trung đội chúng tôi bắn rơi 6 máy bay địch. Trong đó có nhiều trận đánh bắn rơi máy bay địch rất có ý nghĩa như trận bắn rơi chiếc trực thăng vận tải CH-47 "cần cẩu bay hai chèo" khi Hiệp định Paris bị Mỹ lật lọng không chịu ký.

Tôi nhớ lại hôm đó tôi được Ban pháo tiền phương giao nhiệm vụ: "Theo thông báo của trên, Hiệp định Paris về Việt Nam sẽ được ký tắt vào tối hôm nay ngày 30/10/1972. Tuy nhiên, rất có thể chúng sẽ lật lọng. Các đồng chí A72 cho triển khai tác chiến sẵn sàng đánh địch khi chúng có hành động bất thường…".

Nhận nhiệm vụ, tôi tổ chức 3 tổ chiến đấu đi phục kích, trong đó có tổ gồm tôi cùng đồng chí Bùi Anh Tuấn và đồng chí Tặng (y tá kiêm liên lạc của Trung đội). Gần hết ngày mà chưa có máy bay nào bay qua.

Hôm ấy trời mưa nhưng khi chúng tôi chuẩn bị rút quân thì trời hết mưa. Vài phút sau bỗng xuất hiện 1 chiếc máy bay trực thăng vận tải CH-47 bay từ Mỹ Tho về hướng Cần Thơ. Tôi cho đồng chí Tuấn chuẩn bị chiến đấu.

Khi chiếc CH-47 bay qua, độ cao khoảng 1.000m, đồng chí Tuấn bắt được mục tiêu khoảng 5 giây thì máy bay bay qua đám mây trắng nhưng vẫn thấy. Tôi nhắc Tuấn hạ ống phóng đến chỗ trời xanh, máy bay qua đám mây Tuấn nâng ống phóng ngắm tiếp 2 giây nữa thì còi kêu, đèn sáng.

Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng, chưa từng có - Ảnh 4.

Trực thăng vận tải CH-47 được Mỹ sử dụng ồ ạt ở Việt Nam.

Chúng tôi mừng lắm và ngay lập tức tôi nhắc Tuấn bình tĩnh bóp cò. 1 tiếng "kít", quả đạn phóng lên như một "mũi tên xanh" tuyệt đẹp, lao tới mục tiêu làm máy bay nổ tung. Cánh quạt sau rơi ra còn thân và cánh quạt trước lao xuống cánh đồng Sáu Não, huyện Cai Lậy Nam.

Nhân dân gần đó biết chúng tôi vừa bắn rơi máy bay địch đã đến chúc mừng... Nhưng tôi cho anh em thu xếp khí tài, rút quân nhanh, vừa đi vừa chạy mà lòng đầy tự hào, phấn khích!

Chúng tôi vừa rút đi chừng 5 phút thì 5 chiếc máy bay từ căn cứ Bình Đức bay tới phóng rocket xung quanh khu vực máy bay rơi. Khoảng 30 phút sau thì chúng đổ quân xuống đào, cẩu đầu và thân máy bay lên để lấy xác chết.

Bầu trời cánh đồng Sáu Não đêm ấy pháo sáng như ban ngày. Ít ngày sau, chúng tôi được thông báo của cấp trên cho biết trong chiếc máy bay CH-47 bị bắn rơi ấy có 18 sĩ quan Mỹ và rất nhiều sỹ quan cấp tá VNCH, tổng cộng là 40 tên.

Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam: Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng, chưa từng có - Ảnh 5.

Anh hùng Nguyễn Văn Toản (bên phải) với tên lửa A72 từng bắn rơi máy bay không người lái Mỹ.

Chúng bị tiêu diệt khi đang trên đường bay về Cần Thơ dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam Cộng hoà ngày 01/11/1972. Với chiến công đó, cấp trên đề nghị tặng Huân chương Chiến công cho đồng chí Bùi Anh Tuấn.

Trước đó, Bùi Anh Tuấn cũng đã bắn rơi 2 máy bay trực thăng địch bằng 1 quả đạn A72. Đây là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của tên lửa phòng không Việt Nam.

Một sự kiện đáng nhớ nữa là, chiều ngày 26/1/1973, chúng tôi được giao nhiệm vụ triển khai hết lực lượng tác chiến vì ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực.

Ngay chiều hôm đó, Trung đội tôi bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát L19 khi nó đang bay thấp để tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định.

Ngày hôm sau là 27/1/1973, Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực, hai bên ngừng bắn. Tôi và một số anh em trên đường về lại chỗ trú quân, nhân tiện chúng tôi đi qua chỗ chiếc máy bay L19 bị bắn rơi hôm qua.

Nhưng chúng tôi vừa đi qua chỗ chiếc máy bay rơi hơn 100m thì 3 chiếc trực thăng UH-1A bay đến quần đảo trên bầu trời.

Chúng tôi đang ở giữa cánh đồng trống trải chỉ có các bờ ruộng nên anh em cứ lăn từ bờ ruộng bên này qua bờ ruộng bên kia theo chiều ngược lại của máy bay.

Ngước lên nhìn chúng tôi thấy mỗi trực thăng đều có 2 tên lính ở 2 bên cửa máy bay lăm lăm 2 khẩu súng đại liên chĩa xuống dưới. Lát sau, một chiếc hạ xuống chỗ máy bay L19 rơi để lấy xác tên phi công rồi cả tốp bay đi.

May mà cả hai bên đều không nổ súng và chúng tôi lành lặn trở về trong sự chào đón mừng rỡ của bà con nhân dân trong ấp!

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại