Cơ giới đụng độ "như cơm bữa", Nga tính buộc Mỹ phải muối mặt rút quân khỏi Syria?

Hoài Giang |

Theo các quan chức Mỹ, việc xe cơ giới Nga tích cực "dồn ép" quân đội Mỹ ở Syria và việc trao thưởng cho Taliban ở Afghanistan là một kế hoạch "dài hơi" của Moscow.

Mới đây, trang Politico đăng tải bài phân tích của các tác giả Lara Seligman và Betsy Woodruff Swan nhan đề: "Russians squeeze U.S. troops in Syria amid uproar over Trump’s dealings with Moscow" (tạm dịch: Nga siết chặt vòng vây quanh lính Mỹ ở Syria trong bối cảnh nổ ra tranh luận về "thỏa thuận" giữa Moscow và ông Trump).

Nhằm đem lại cho độc giả góc nhìn độc đáo từ ngay trong lòng nước Mỹ (Politico là một tờ báo có trụ sở ở Virginia, Mỹ) về các cuộc "chạm mặt" nguy hiểm thường xuyên diễn ra giữa lực lượng Nga và Mỹ ở Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Vì sao các đoàn xe quân sự Nga cố tình dồn ép lính Mỹ ở Syria?

Những đoàn xe cơ giới Nga đang thâm nhập vào khu vực do Mỹ kiểm soát ở miền đông Syria là một phần trong những gì mà các quan chức Mỹ miêu tả là "một chiến dịch nhằm đẩy lui người Mỹ khỏi khu vực".

Các vụ đụng độ nguy hiểm gia tăng ở Syria xuất phát từ bối cảnh mất niềm tin sâu sắc giữa "cộng đồng an ninh quốc gia" và chính phủ của Tổng thống Donald Trump về các thỏa thuận với Moscow.

Căng thẳng đã nổ ra vào tuần trước với tiết lộ của tờ The New York Times rằng GRU (tình báo quân sự) của Nga đã cam kết trả tiền thưởng cho các tay súng Taliban nếu sát hại được binh lính Mỹ và đồng minh ở Afghanistan.

Quốc hội Mỹ đã yêu cầu chính quyền của ông Trump đưa ra câu trả lời trong tuần này trong bối cảnh cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tỏ ra giận dữ khi cho rằng chính quyền của ông Trump đã biết về vụ bê bối "tiền thưởng" nhiều tháng nhưng chưa có phản ứng với phía Nga.

Mặc dù ông Trump đã bác bỏ việc ông nhận được thông báo liên quan tới cáo buộc nói trên nhưng một quan chức quốc phòng phương Tây tiết lộ với Politico rằng các tin tức tình báo "vẫn đang được đánh giá" và chỉ trích truyền thông đã hành động quá vội vã.

Việc tiết lộ chương trình tiền thưởng của GRU ở Afghanistan đã nêu bật những vấn đề giữa Mỹ và Nga ở các khu vực khác, bao gồm Syria.

Cơ giới đụng độ như cơm bữa, Nga tính buộc Mỹ phải muối mặt rút quân khỏi Syria? - Ảnh 1.

Các lực lượng Mỹ - Nga và quân chính phủ Syria trong một vụ "đụng độ".

Mỹ và Nga đang hậu thuẫn các phe đối lập trong cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Syria, tuy nhiên trong suốt cuộc chiến cả hai đã duy trì một kênh liên lạc thường xuyên để nhận biết vị trí của nhau trên chiến trường.

Theo 3 cựu quan chức, những năm đầu khi ông Trump nắm quyền, Nhà Trắng thậm chí đã yêu cầu Lầu Năm Góc tăng cường hợp tác với Nga ở Syria và chính điều này đã gây lo ngại cho "cộng đồng an ninh quốc gia" với cáo buộc Moscow đã phạm các tội ác chiến tranh ở Syria.

"Họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi cần phải làm việc với Nga và không được phép phớt lờ họ. Chúng tôi đã làm điều đó, nhưng giới hạn ở việc (giải mã thông tin liên lạc)".

Trong 6 năm kể từ khi Nga tiến hành can thiệp vào Syria (2015) các cuộc đụng độ với Mỹ rất hiếm khi leo thang thành bạo lực ngoại trừ một trận đánh trong vòng 4 giờ vào năm 2018, không kích của Mỹ đã hạ từ 200-300 tay súng thân chính phủ Damascus bao gồm lính đánh thuê Nga.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2020, các chỉ huy Mỹ ở Syria đang phải đối mặt với những cuộc "cọ xát" ngày càng thường xuyên với quân đội Nga. Lực lượng Nga ngày càng áp sát các vị trí của Mỹ ở Deir Ezzor và hai phía "tương tác" gần như hàng ngày.

Mặc dù các cuộc đụng độ diễn ra "không có tiếng súng" nhưng một trong những quan chức Mỹ cho biết Moscow, Damascus và Iran đang cố gắng gây áp lực buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Syria.

Đầu tháng 6/2020, Breaking Defense đưa tin rằng các lực lượng Nga và Mỹ đã có một cuộc đối đầu kéo dài nhiều giờ ở phía đông bắc Syria.

Xe cơ giới Nga - Mỹ đối đầu tại đông bắc Syria hôm 4/6/2020.

Bất đồng quan điểm về Nga, QĐ và Tình báo Mỹ "đối đầu" tổng thống?

Theo tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh, quân đội Nga đang tiến hành xây dựng một căn cứ mới ở miền bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia an ninh Mỹ cho rằng việc GRU trả tiền thưởng cho Taliban và các hoạt động ở Syria phù hợp với một chiến lược lâu dài của Nga nhằm "kiểm tra" sự kiên nhẫn Mỹ ở Trung Đông.

Theo một cựu quan chức quốc phòng Mỹ, cũng giống như ở Syria, Nhà Trắng dưới thời Trump cũng yêu cầu Lầu Năm Góc và các lực lượng tình báo Mỹ hợp tác với Nga ở Afghanistan, đặc biệt là ở miền bắc nước này.

Cũng theo nguồn tin nói trên, các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải "vật lộn" để bác bỏ một đề xuất của chính phủ là để quân đội Nga điều hành các hoạt động chống khủng bố ở miền bắc Afghanistan.

NATO đã có thỏa thuận với Moscow về tuyến hậu cần tới miền bắc Afghanistan qua Nga, Trung Á và Caucasus (Kavkaz), chiếm tới 40% nguồn cung cho các hoạt động ở Afghanistan. Nhưng Nga đã đóng cửa tuyến đường này vào năm 2015.

Cơ giới đụng độ như cơm bữa, Nga tính buộc Mỹ phải muối mặt rút quân khỏi Syria? - Ảnh 3.

NATO đã mất đi tuyến tiếp vận qua trọng ở miền bắc Afghanistan vào năm 2015.

Doug London, cựu sĩ quan CIA và học giả tại Viện Trung Đông (MEI) bình luận:

"Tin tức về chương trình tiền thưởng của Nga cho thấy Moscow hiện đang "làm phép thử" với quyết tâm của Mỹ ở Afghanistan. Cùng với sự thiếu vắng phản ứng của Nhà Trắng, họ sẽ tiếp tục leo thang".

Theo Marc Polymeropoulos, một cựu quan chức CIA: "Ngay từ đầu, ông Trump đã muốn tái thiết lập quan hệ với Nga, trong đó bao gồm việc hợp tác chống khủng bố. Tuy nhiên, Moscow từ chối nỗ lực nói trên".

Theo một quan chức Mỹ, Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo đã bị sốc khi nhận được yêu cầu làm việc với phía Nga tuy nhiên vẫn tỏ ra thận trọng:

"Tôi không nghĩ rằng họ (lực lượng tình báo Mỹ) hoàn toàn tin tưởng vào Nhà Trắng. Nhiều khả năng họ đánh giá ngược lại rằng Nhà Trắng thiếu thông tin và thường không đưa ra những quyết định đúng đắn".

Nói cách khác, Syria là một nơi mà các quan chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã nhiều lần "đối đầu" về mặt quan điểm.

Quân đội Mỹ đã 2 lần trì hoãn lệnh rút khỏi Syria của ông Trump, một lần vào cuối năm 2018 (Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó James Mattis đã phải từ chức) và tháng 10/2019, "tín hiệu" để Thổ tấn công người Kurd.

Các cảnh quay đụng độ nguy hiểm giữa xe bọc thép Nga - Mỹ ở Syria.

Quan chức Mỹ "khiếp vía" khi nhắc tới Nga trước mặt TT Mỹ?

Nhà Trắng duy trì một lực lượng nhỏ ở quốc gia Trung Đông trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần như đã chiến thắng trên phần lớn lãnh thổ đất nước.

Rõ ràng Damascus đang để tâm tới các khu vực do người Kurd kiểm soát nơi hàng trăm lính Mỹ và đồng minh vẫn đang chiến đấu với IS và bảo vệ các mỏ dầu. Chiến thuật này đã dẫn đến một số cuộc xung đột giữa quân đội Mỹ và Nga.

Trở lại Washington, Trump chủ yếu đả kích các phương tiện truyền thông về các báo cáo gần đây về các hành vi của Nga.

Kể từ khi bắt đầu nhậm chức tổng thống, ông Trump đã nhiều các cơ quan tình báo về các vấn đề liên quan đến Nga, bao gồm cả cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Tuy nhiên các thông tin tình báo về hoạt động gây bất lợi cho quân đội và lợi ích ở Syria của Mỹ của Nga vẫn được đệ trình với ông Trump và đôi khi tổng thống Mỹ phản ứng tiêu cực với thông tin.

Trong suốt năm 2017, các nhà soạn thảo tài liệu đã chọn cách không "làm nổi bật" các tài liệu tiêu cực về Nga khi tóm tắt bằng lời với ông Trump. Theo một cựu quan chức:

"Tôi không nhớ có bất cứ điều gì liên quan đến Nga có thể thoải mái thảo luận với tổng thống. Ngay cả ở cấp cao nhất, cấp Nội các, nó sẽ giống như trò bốc thăm để xem ai sẽ phải nêu ra "vấn đề Nga" với ông ấy".

Cơ giới đụng độ như cơm bữa, Nga tính buộc Mỹ phải muối mặt rút quân khỏi Syria? - Ảnh 7.

Ông Trump trong một cuộc họp nội các khi Bộ trưởng Quốc phòng Mattis còn tại vị (từ chức năm 2018).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại