Bom “thông minh” GBU-53/B StormBreaker đáng sợ như thế nào?

Lê Ngọc |

Được tích hợp ba chế độ tìm kiếm mục tiêu cùng những tính năng vượt trội, GBU-53/B được mệnh danh là vũ khí của “luật chơi”.

Bom GBU-53/B StormBreaker

Bom GBU-53/B StormBreaker còn được biết đến với tên gọi Bom Đường kính Nhỏ II (Small Diameter Bomb - SDB II), là một loại bom lượn có điều khiển chính xác, được phóng từ trên không.

Bắt đầu được phát triển ở Mỹ vào năm 2006, SDB khởi đầu được Boeing thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định. Thử nghiệm đầu tiên SDB II được tiến hành ngày 1/5/2009 và một hợp đồng sản xuất loạt nhỏ (Low Rate Initial Production - LRIP) SDB II đã được trao cho Raytheon vào tháng 6/2015.

Bom “thông minh” GBU-53/B StormBreaker đáng sợ như thế nào? - Ảnh 1.

Được tích hợp ba chế độ tìm kiếm mục tiêu GBU-53/B được mệnh danh là vũ khí của “luật chơi”; Nguồn: itresan.com

Bom “thông minh” GBU-53/B StormBreaker nặng 93kg, có chiều dài 176cm, đường kính 15-18cm, trọng lượng đầu đạn 48kg. Nhờ có kích thước nhỏ, vũ khí mới này sẽ giúp tối đa hóa số lượng bom máy bay tấn công có thể mang theo.

Bom có thể được dẫn hướng bởi hệ thống định vị toàn cầu GPS hoặc quán tính INS, có ba chế độ tìm kiếm mục tiêu và lái dẫn - radar bước sóng milimet, hồng ngoại sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh và laser bán chủ động.

StormBreaker phát hiện, phân loại và theo dõi một loạt các mục tiêu, cả đang di chuyển và đứng yên.

Các nhà phát triển vũ khí này đã hoàn thành một loạt các thử nghiệm trong hầm gió và quả bom đã có các khả năng gửi, nhận và xử lý các thông tin liên kết dữ liệu thông qua cả link-16 (mạng liên kết dữ liệu chiến thuật quân sự được sử dụng bởi NATO) và UHF.

Nó có thể xác định và tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa trong mọi điều kiện thời tiết, tầm bay 110km đối với mục tiêu cố định và 72km đối với mục tiêu di chuyển.

Một đầu đạn khoảng 48kg của StormBreaker được thiết kế để nổ mảnh và “phản lực-plasma” để xuyên giáp, rất hiệu quả chống lại bộ binh, xe thiết giáp (bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực MBT), các công trình và tòa nhà không được bảo vệ, cũng như các tàu thuyền tuần tra cỡ lớn và các mục tiêu khác.

Bom cũng có khả năng phân loại mục tiêu - xe tăng, thuyền hoặc các mục tiêu có bánh xe, cũng như có thể được lập trình để chỉ tấn công vào các xe tăng trong một đoàn xe với các phương tiện khác nhau di chuyển xuôi ngược.

Việc tìm kiếm bằng ba chế độ cung cấp một loạt các tùy chọn hướng dẫn và nhắm mục tiêu thường không được sử dụng cùng lúc trong một hệ thống.

Radar sóng milimet cung cấp cho bom khả năng điều hướng trong thời tiết bất lợi, điều kiện mà các hệ thống dẫn đường khác có thể gặp phải trong vấn đề tiếp cận hoặc xác định mục tiêu. Hướng dẫn bằng ảnh hồng ngoại cho phép vũ khí theo dõi và tinh chỉnh theo dấu hiệu nhiệt, như nhiệt độ động cơ, của xe địch.

Với công nghệ laser bán chủ động, vũ khí có thể được dẫn đến một điểm chính xác bằng cách sử dụng thiết bị laser hoặc đèn chiếu laser chiếu từ trên không hoặc mặt đất.

Trong giai đoạn đầu, radar sóng milimet được bật lên; sau đó, liên kết dữ liệu cung cấp cho nó một gợi ý và cho đầu tìm biết khu vực để mở và sục tìm; tiếp theo, vũ khí có thể bật hồng ngoại IR, sử dụng công nghệ tầm nhiệt để tấn công mục tiêu.

StormBreaker đáng sợ như thế nào?

Các vũ khí được điều khiển bằng GPS và laser như Vũ khí Tấn công Trực tiếp của Liên quân (Joint Direct Attack Munitions) đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên, chúng chủ yếu được thiết kế để sử dụng chống lại các mục tiêu cố định hoặc đứng yên.

Không quân hiện đang sử dụng một loại bom dẫn đường bằng laser có tên GBU-54 có thể tấn công các mục tiêu đang di chuyển, StormBreaker mới sẽ có thể thực hiện điều tương tự ở cự ly xa hơn và trong mọi điều kiện thời tiết.

Bom “thông minh” GBU-53/B StormBreaker đáng sợ như thế nào? - Ảnh 3.

Có thể tấn công các mục tiêu di động, StormBreaker sẽ là khắc tinh của xe tăng; Nguồn: i1.wp.com


Bom “thông minh” StormBreaker, thường được gọi là vũ khí săn tăng thông minh, tự động phát hiện và phân loại các mục tiêu cơ động di chuyển trong tình huống tầm nhìn kém do tối trời, thời tiết xấu, khói hoặc bụi do máy bay trực thăng gây ra. GBU-53/B được tích hợp các thiết bị cảm biến dẫn đường đa phương thức cực hiện đại có xác suất sai số vòng tròn (Circular Error Probable - CEP) khi tấn công mục tiêu không quá 1,5m.

Trong quá trình thử nghiệm, bom GBU-53/B có xác suất đánh trúng mục tiêu 90%.

Bom “thông minh” GBU-53/B có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 72,5km, kể cả khi mục tiêu đang vận động với vận tốc 80km/h. Bom lượn StormBreaker có kích thước nhỏ cho phép sử dụng ít chiến đấu cơ hơn mà vẫn tiêu diệt cùng số lượng mục tiêu cũng như vũ khí lớn hơn thì cần nhiều chiến đấu cơ để tấn công.

Giá thành của bom GBU-53/B kinh tế hơn nhiều so với các dòng tên lửa không đối đất hiện có của Không quân Mỹ.

Theo janes.com, F/A-18E/F là loại máy bay chiến đấu thứ hai của Mỹ sử dụng StormBreaker, sau F-15E Strike Eagle. Khi trang bị GBU-53/B, tiêm kích F/A-18E/F có thể khai hỏa mà không cần tiến vào vùng tác chiến của phòng không đối phương.

Vì vậy, sẽ tăng độ an toàn cho chiến đấu cơ nhưng vẫn đảm bảo được khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu. Ngoài ra, quả bom được chế tạo với một liên kết dữ liệu hai băng tần hai chiều, cho phép nó thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh vị trí mục tiêu khác nhau trong khi đang bay.

StormBreaker có trọng lượng nhẹ hơn hầu hết các loại bom khác và 8 quả có thể nằm gọn bên trong tiêm kích F-35.

Nếu bom được bố trí trong khoang vũ khí trong thân máy bay và không được gắn bên ngoài, chiếc máy bay có thể thành công trong việc giữ lại các thuộc tính tàng hình của nó bởi vì hình dạng hoặc đường viền của vũ khí sẽ không thể nhìn thấy trước radar của đối phương.

Bom “thông minh” GBU-53/B StormBreaker đáng sợ như thế nào? - Ảnh 5.

F-15E Strike Eagle là máy bay tấn công đa năng đầu tiên được tích hợp thành công SDB II; Nguồn: weaponews.com


Không làm giảm các hoạt động khác của Hải quân, SDB II sẽ tương thích với các hoạt động của phương tiện mang, bao gồm khả năng ít nhất năm mươi lần chuyển trên băng tải và bốn mươi chín lần hạ cánh; có thể được vận chuyển, lưu trữ, chuẩn bị, tải lên và tải xuống; và có khả năng hoạt động trong môi trường nhiễu điện từ (Electromagnetic Interference - EMI), tương thích điện từ (Electromagnetic Compatibility - EMC), ngâm/rửa container, môi trường có muối, môi trường có khả năng nổ, sốc cơ học, tiếng ồn, rung, ô nhiễm lỏng, ăn mòn, nấm, độ ẩm, và môi trường mưa của máy bay mang và tàu.

Theo globalsecurity.org, SDB II là chương trình Acquisition Category (ACAT) đang được Không quân và Hải quân Mỹ quan tâm.

Trước mắt, Không quân muốn tích hợp SDB II cho F-1 5E còn Hải quân - F-35B, F35C; và sau đó là các máy bay F-16, F/A-18E/F, F-22A, F-35A; B-1B, B-2, B-52, A-10, MQ-9 và AC-130. Theo tính toán, tổng cộng 28 GBU-53/B có thể được F-15E Strike Eagle mang theo.

F-22 Raptor hoặc F-35 Lightning II (thậm chí là STOVL F-35B) có thể mang trong khoang vũ khí tám quả bom cùng với hai tên lửa AIM-120 AMRAAM.

Chiến đấu cơ F-35 sẽ không thể sử dụng bom cho đến khi nhận được gói nâng cấp Block 4 vào năm 2022, khi đó, có thể mang theo tổng cộng 24 quả bom, gồm 8 quả bên trong và 16 quả bên ngoài. Mỹ có kế hoạch dự kiến chi 2,79 tỷ USD để sản xuất 17.000 bom SDB II, gồm - 12.000 quả cho Không quân và 5.000 quả cho Hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại