Hậu quả khôn lường của việc dùng cà phê thụt tháo đại tràng 'chữa ung thư'

Nhóm Y học cộng đồng |

Những gì được biết chắc chắn là việc thụt tháo có khả năng gây nguy hiểm. Quyết định có thử làm hay không là một lựa chọn cá nhân của chính bạn sau khi thảo luận với bác sĩ.

Năm ngoái, trên trang facebook của một số người bắt đầu chia sẻ về phương pháp thụt tháo cà phê. Theo họ, mục đích của phương pháp này là làm sạch đại tràng, rửa sạch toàn bộ chất cặn bã ứ đọng lâu năm trong các nếp gấp của ruột già, khiến bộ phận này sạch sẽ hoàn toàn.

Cũng theo các nhóm tôn sùng trường phái này, thụt tháo cà phê thường xuyên không những giúp não bộ hoạt động mạnh mẽ hơn mà còn có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh, từ cao huyết áp đến ung thư.

Tin đồn…

Thụt tháo ruột bằng cà phê là một thủ thuật được dùng trong y học thay thế để làm sạch ruột bằng cách pha một hỗn hợp cà phê rồi đưa vào đại tràng thông qua trực tràng.

Thụt tháo cà phê hữu cơ có nguồn gốc từ các bác sĩ Đức, vào những năm đầu thế kỷ 20, khi họ tìm kiếm một phương pháp điều trị ung thư.

Max Gerson - một bác sĩ người Mỹ gốc Đức, tin rằng có thể giải độc cơ thể và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể tự chữa lành bằng chế độ ăn uống các loại thực vật hữu cơ, nước ép thô và thụt tháo cà phê hữu cơ. Quy trình nghiêm ngặt của ông được gọi là liệu pháp Gerson. Chính nhờ liệu pháp Gerson mà thủ thuật này được biết đến rộng rãi hơn.

Hậu quả khôn lường của việc dùng cà phê thụt tháo đại tràng chữa ung thư - Ảnh 2.

Một minh họa thụt tháo đại tràng được lan truyền trên mạng.

Thụt tháo cà phê được cho là kích thích ống dẫn mật nở ra, cho phép gan tiết mật. Bên cạnh đó chúng còn kích thích sự sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa giải độc với kỳ vọng làm cơ thể khỏe hơn.

Đối với một số người người, lợi ích được kỳ vọng của thụt tháo cà phê còn có thể là tạo nhiều nhu động ruột và giúp "thanh lọc ruột". Nếu bạn bị táo bón, điều này có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm.

Những người ủng hộ thụt tháo cà phê còn hay nói về một số lợi ích khác như:

- Tăng cường khả năng miễn dịch.

- Tăng năng lượng.

- Ngăn chặn sự phát triển của nấm men.

- Điều trị các bệnh tự miễn.

- Loại bỏ ký sinh trùng đường tiêu hóa.

- Loại bỏ kim loại nặng ra khỏi cơ thể.

- Điều trị trầm cảm.

- Điều trị ung thư.

Những thông tin nói trên đầy hứa hẹn, phải không?

Tuy nhiên có một số điều bạn cần biết trước khi thử làm sạch ruột bằng thụt tháo cà phê.

Sự thật...

Những tuyên bố hay kỳ vọng nói trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Hiện tại, ngoài một bài giảng của bác sĩ Max Gerson tại California năm 1956 nói về kinh nghiệm 30 năm thực hành lâm sàng của ông thì có rất ít bằng chứng khoa học về hiệu quả của thủ thuật này trong điều trị các loại bệnh.

Năm 2010, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã thực hiện một bài đánh giá thủ thuật này, nhưng không tìm được bằng chứng nào cho thấy nó có ích cho bệnh nhân ung thư.

Năm 2007, tại Anh cũng đã có một nghiên cứu thực hiện trên 6 bệnh nhân, cho ra kết quả là thụt tháo cà phê có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về mặt cảm xúc và làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau. Nhưng số lượng bệnh nhân ở nghiên cứu kể trên rất nhỏ nên không nói lên được điều gì.

Một bài đánh giá khác được thực hiện vào năm 2014 xem xét 13 chế độ ăn trị ung thư, trong đó có các liệu pháp của Max Gerson. Các tác giả đã xem xét toàn bộ những bài báo cáo trước đây về liệu pháp này nhưng vẫn không tìm ra được bằng chứng nào cho thấy nó có hiệu quả cả.

Các bằng chứng còn lại ủng hộ hay chống lại việc sử dụng thủ thuật này chủ yếu là thông qua truyền miệng.

Y học chính thống nói gì?

Trong y học chính thống, làm sạch ruột được coi là không cần thiết vì hệ tiêu hóa của cơ thể có khả năng tự loại bỏ chất thải, độc tố và vi khuẩn.

Có một số lý thuyết cho rằng chất thải đại tràng độc hại với cơ thể và có thể dẫn đến hiện tượng tự nhiễm độc. Nhưng, theo bài báo được công bố trên Tạp chí Bệnh viện Đa khoa Lancaster năm 2014 thì không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho lý thuyết này.

Những ai có thể thụt tháo cà phê?

Thụt tháo cà phê có thể được sử dụng như một giải pháp để thay thế cho thuốc nhuận tràng trong quá trình làm sạch ruột chuẩn bị cho nội soi.

Một nghiên cứu được công bố trên tờ Nghiên cứu Dinh dưỡng lâm sàng vào năm 2014 kết luận thụt tháo bằng cà phê là một cách có thể chuẩn bị ruột mà không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm trước khi sử dụng thường xuyên.

Ngoài ra, hiện tại chưa có bất kỳ hướng dẫn y tế chính thức nào về đối tượng cần thụt tháo cà phê cả.

Rủi ro và cảnh báo

Bên cạnh tác dụng nói trên, bạn nên quan tâm về các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện thụt tháo.

Nhóm tác giả thuộc Tổ chức Y học cộng đồng

Biên soạn: Nguyễn Thị Thanh Thư

Hiệu đính: BS. Lê Duy Minh, BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, đã có báo cáo về ba trường hợp tử vong dường như có liên quan đến việc thụt tháo cà phê. Trong đó, một trường hợp chưa xác định nguyên nhân, có thể do nhiễm vi khuẩn. Hai trường hợp còn lại do mất cân bằng điện giải.

Theo một bức thư gửi cho biên tập viên được công bố trên Tạp chí Gastroenterology của Mỹ, thụt cà phê là nguyên nhân gây ra viêm ruột (viêm đại tràng và trực tràng) ở một phụ nữ Hàn Quốc.

Các tác giả kết luận thụt tháo cà phê là rủi ro và cần xem xét kỹ trước khi sử dụng như một giải pháp điều trị thay thế.

Thụt tháo cà phê cũng sẽ gây rắc rối nếu bạn dị ứng với caffeine hoặc đang dùng các thuốc tương tác với caffeine.

Thật ngạc nhiên khi trái với các công dụng thần kỳ của thụt tháo cà phê như những người hâm mộ tin theo, các trường hợp cụ thể lại cho thấy việc làm sạch ruột theo cách này cũng có thể gây ra:

- Bỏng trực tràng.

- Buồn nôn.

- Nôn.

- Chuột rút.

- Đầy hơi.

- Mất nước.

- Thủng ruột.

- Nhiễm trùng do thiết bị tiệt trùng không đúng cách.

Lưu ý: 

Y học chính thống không ủng hộ việc thụt tháo bằng cà phê. Trong khi nhiều người tuyên bố việc thụt tháo này cải thiện sức khỏe mà không kèm theo bất kỳ tác dụng phụ xấu nào, hiện không có số liệu chính xác nào được đưa ra. Vì thế, rất khó xác định được liệu có bao nhiêu phần trăm người thử đã có trải nghiệm tích cực hay tiêu cực.

Những gì được biết chắc chắn là việc thụt tháo có khả năng gây nguy hiểm. Quyết định có thử làm hay không là một lựa chọn cá nhân của chính bạn sau khi thảo luận với bác sĩ.

Nếu bạn chọn thụt tháo bằng cà phê và gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, hãy nhờ trợ giúp y tế khẩn cấp. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm đau dữ dội, buồn nôn kéo dài, nôn mửa, tiêu chảy hay chảy máu trực tràng.

Cặp đôi "nghiện" thụt tháo bằng cà phê

trina-nghien-thut-thao-1591772576008966007856

Trina-người phụ nữ Mỹ nghiện thụt tháo cà phê đến nỗi mất 5 giờ mỗi ngày vào việc thụt tháo, khiến nhiều năm nay không thể đi du lịch hay xa nhà dài ngày. Ảnh: ABC News.

Một cặp vợ chồng ở Florida (Hoa Kỳ), tên là Mike và Trina nghiện thụt tháo bằng cà phê đến mức phải họ phải thụt tháo ít nhất bốn lần mỗi ngày. Theo ABC News, Trina thừa nhận có ngày đã thụt tháo tới 10 lần,

"Tôi yêu cảm giác nó mang lại", Trina nói với ABC News. "Nó khiến tôi thấy hưng phấn." Cả cô và Mike đều làm việc này tại nhà – nếu không thì tần suất đã không nhiều như thế.

"Tôi có rất nhiều vấn đề về dạ dày, các vấn đề về tiêu hóa với thận và gan", Trina nói với ABC News. "Tôi bắt đầu nghiên cứu và biết về thụt tháo bằng cà phê, sau đó tôi thực sự bắt đầu cảm thấy lợi ích của nó. Lần đầu tiên tôi cảm thấy như mình đang sống lại sau nhiều năm."

Tuy nhiên, với các bằng chứng y học như trong bài viết, các bác sĩ thấy rằng khi thụt tháo thường xuyên - như Mike và Trina – cuối cùng đại tràng và trực tràng có thể mất khả năng tạo ra nhu động ruột thích hợp, khiến người sử dụng phải sống hoàn toàn phụ thuộc vào việc thụt tháo!

Tài liệu tham khảo

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/751079/

https://pdfs.semanticscholar.org/cd09/3323ef9bee5443603d72246d8fff575eaedf.pdf?_ga=2.82361363.409056375.1591533821-267513062.1591533821

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/complementary-alternative-therapies/individual-therapies/gerson

https://www.healthline.com/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại