Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1)

Thu Thủy |

Vào lúc quan hệ hai bên eo biển đang căng thẳng, thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày càng cứng rắn, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) từ tối 29/5/2020 bắt đầu phát sóng bộ phim tài liệu 10 tập “Pháo kích Kim Môn 1958” liên quan đến cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên eo biển, gây nên sự chú ý.

Nhằm giúp bạn đọc có cách nhìn tương đối đầy đủ về trận pháo kích sau phát triển thành sự kiện kéo dài tới 21 năm này, xin giới thiệu tổng thể nguyên nhân, diễn biến, kết quả của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Quốc hiện đại này dựa trên tư liệu tham khảo của các bên tham chiến.

Chiến dịch đấu pháo kéo dài suốt 21 năm

Bắt đầu từ ngày 23/8/1958, một cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và quân Quốc Dân Đảng Đài Loan; giữa tỉnh Phúc Kiến ở Đại Lục với các đảo Kim Môn, Mã Tổ ở ven biển Hoa Đông do chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan kiểm soát.

Do pháo binh là lực lượng chủ yếu và đấu pháo là chiến thuật chính được sử dụng trong cuộc đối đầu này nên các tài liệu, sách báo gọi đây là "Pháo kích Kim Môn" hoặc "Pháo chiến Kim Môn". Ít ai ngờ trận "pháo chiến" ấy kéo dài dai dẳng tới…21 năm, mãi tới đầu năm 1979 mới chấm dứt.

Sau hơn 60 năm, mới đây nhiều hình ảnh và tư liệu về trận đấu pháo chưa từng có giữa hai bên Eo biển Đài Loan đó mới được các bên dần dần công khai…

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Các đảo Kim Môn (trên) và Tiểu Kim Môn (giữa) chỉ cách Hạ Môn (Phúc Kiến) chưa đầy 2 km (Ảnh: Toutiao).

Lúc đầu, quân đội Đài Loan bị bất ngờ, không kịp đề phòng, sau đó dần dần phục hồi sức chiến đấu, được hải quân Mỹ bảo vệ, khôi phục được việc tiếp tế hậu cần cho Kim Môn; thậm chí được Mỹ tăng viện thêm các khẩu đại pháo cỡ nòng 203 mm và giúp khôi phục tuyến vận tải tiếp tế.

Trong suốt thời gian đấu pháo, các tàu chiến của hải quân và máy bay của không quân hai bên cũng nhiều lần đụng độ nhau.

Đến tháng 10/1958, phía Trung Quốc Đại Lục tuyên bố chấm dứt việc dùng pháo binh phong tỏa, đổi thành "Ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ", giảm dần mật độ pháo kích, quân đội Đài Loan đã bảo vệ đảo Kim Môn thành công.

Quân đội Trung Quốc vẫn duy trì kiểu pháo kích "Ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ" dai dẳng cho đến tận ngày 1/1/1979, khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao thì việc pháo kích Kim Môn mới hoàn toàn chấm dứt.

Cuộc đấu pháo được phía Đại Lục gọi là "Kim Môn pháo chiến", còn Đài Loan gọi là "23/8 pháo chiến" này do phía quân đội Trung Quốc đại lục khai màn, sau đó phía Đài Loan phản kích lại. Thời gian đầu, phía Đại Lục tập trung pháo kích các mục tiêu quân sự; sau đó chuyển sang phong tỏa tuyến vận tải đường biển để bao vây, cô lập đảo Kim Môn.

Theo số liệu do hai bên công bố thì phía Trung Quốc tung vào chiến dịch này lực lượng 215.000 quân, 800 máy bay, 12 tàu phóng lôi, 569 khẩu pháo; phía Đài Loan: 92.000 quân, số lượng pháo không được tiết lộ.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - Ảnh 3.

Nhà cửa trên đảo Kim Môn bị trúng đạn pháo (Ảnh tư liệu).


"Pháo chiến Kim Môn" là một phần của cuộc "Nội chiến Quốc – Cộng lần Hai" và cũng là trận đọ sức lớn cuối cùng về cả hải, lục, không quân giữa quân đội hai bên eo biển Đài Loan. Sau đó các cuộc va chạm chỉ thi thoảng xảy ra trên biển rồi dần dần chấm dứt hẳn.

Bối cảnh diễn ra trận pháo chiến ác liệt

Năm 1949, sau khi thành lập, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mở Chiến dịch Kim Môn nhưng không đánh chiếm được nhóm đảo ven bờ này; quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bảo vệ thành công quyền khống chế Eo biển Đài Loan, rút lực lượng chủ lực còn lại ra đảo Đài Loan.

Năm 1950, Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, để đề phòng Đại Lục thừa cơ tiến công chiếm Đài Loan nên Mỹ đã điều động Hạm đội 7 đến khu vực này răn đe khiến Trung Quốc gặp khó khăn gấp bội nếu tấn công đánh chiếm Đài Loan.

Quân đội hai bên dàn trận đối đầu qua eo biển, tuy luôn trọng thái đối địch căng thẳng nhưng không xảy ra xung đột lớn.

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Trung Quốc lập tức đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ, các sân bay ở khu vực ven biển các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến.

Năm 1955, sau khi rút quân khỏi đảo Đại Trần, phía Đài Loan bị mất hòn đảo cuối cùng ở ven bờ tỉnh Chiết Giang. Trong các năm 1955 và 1956, các tuyến đường sắt, đường bộ và 6 sân bay liên tiếp được Trung Quốc hoàn thành và tiến hành đắp đê lấp biển, xây dựng pháo đài ở các khu vực Thạch Tỉnh, Áo Đầu cận kề đảo Kim Môn.

Năm 1956, Trung Quốc chế tạo thành công máy bay tiêm kích J-5 phỏng chế theo mẫu MiG-17 của Liên Xô. Ngày 18/12/1957, ông Mao Trạch Đông chỉ thị: "Xem xét việc đưa không quân đến Phúc Kiến vào năm 1958". Việc chuẩn bị cho tác chiến đánh Kim Môn và Đài Loan đã cơ bản hoàn tất.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - Ảnh 4.

Hệ thống vật cản chống đổ bộ được phía Đài Loan xây dựng xung quanh đảo Kim Môn (Ảnh tư liệu).

Trung tuần tháng 7/1958, nhóm sĩ quan tự do Iraq làm đảo chính lật đổ hoàng gia, thành lập nước Cộng hòa Iraq và rút khỏi Tổ chức Công ước Trung tâm (CENTO); Mỹ và Anh vội đưa quân tới Lebanon và Jordan, tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng.

Trung Quốc lấy lý do "chi viện cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Trung Đông", tăng cường binh lực ở ven biển, hình thành cục diện tiến công Đài Loan. Ngày 15/7, chính quyền Đài Loan tuyên bố đặt khu vực Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ vào trạng thái khẩn cấp.

Ngày 29/7, Trung Quốc cho biết họ bắn rơi 2, bị thương 1 máy bay của Quốc Dân Đảng Đài Loan. Ngày 31/7, nhà lãnh đạo Khruschev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đến Bắc Kinh hội đàm bí mật với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nhưng nội dung không đề cập đến việc tiến công Kim Môn.

Đảo Kim Môn nằm ở tọa độ 118, 32’ độ Kinh Đông, 24,44’ độ Vĩ Bắc, diện tích 151,65 km2, nằm đối diện các đảo Đại Đăng, Tiểu Đăng do Trung Quốc kiểm soát thuộc Hạ Môn chỉ 1,8 km nhưng cách đảo Đài Loan 220 km.

Trên đảo Kim Môn, quân đội Đài Loan bố trí các trận địa pháo lớn kiểm soát đường vào cảng Hạ Môn, tạo thành mối uy hiếp nghiêm trọng đối với tuyến vận tải biển xung quanh Hạ Môn.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - Ảnh 6.

Từ đảo Kim Môn nhìn sang Hạ Môn rất gần (Ảnh: China Times).

Ngày 23/8, quân đội Trung Quốc bất ngờ tiến công Kim Môn, bắn mấy chục ngàn quả đạn pháo sang hòn đảo này.

Ngày 4/8/1958, các trạm phát thanh tuyến trước của Phúc Kiến bắt đầu phát loa tuyên truyền "Công chiếm Kim Môn, Mã Tổ, dùng vũ lực giải phóng Đài Loan", định dùng chiến tranh tâm lý để làm suy sụp tinh thần của binh lính phòng thủ Kim Môn.

Ngày 5/8, lực lượng lớn hải, lục, không quân Trung Quốc bắt đầu tập kết ở Phúc Kiến; không quân nhanh chóng triển khai về phía Nam, các máy bay ném bom được đưa tới sân bay Lộ Kiều, các máy bay tiêm kích được đưa tới các sân bay ven biển.

Ngày 6/8, "Bộ Quốc phòng" Đài Loan tuyên bố "tình hình Eo biển Đài Loan rất căng thẳng, các khu vực bước vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh". Các ngày từ 18 đến 20/8, Tưởng Kinh Quốc tới thị sát "tiền tuyến Kim Môn, Mã Tổ".

Ngày 20/8, Trung Quốc tập trung các tàu hải quân tại cảng Tam Đô, sẵn sàng tiến công; Tưởng Giới Thạch đi tàu chiến tới Kim Môn kiểm tra việc bố phòng, chỉ thị và động viên binh lính.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - Ảnh 7.

Bộ sưu tập các loại đạn pháo do phía Trung Quốc bắn sang Kim Môn (Ảnh tư liệu).


Về nguyên nhân Trung Quốc khai chiến, cho đến nay vẫn có mấy giả thuyết khác nhau:

Thuyết "Đánh chiếm Kim Môn". Thuyết này căn cứ theo các tuyên bố hoặc hội nghị chính thức của Trung Quốc. Ngày 15/8, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố:

"Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố: cần thiết phải thu hồi các đảo ven biển Kim Môn, Mã Tổ bị quân đội Quốc Dân Đảng chiếm giữ uy hiếp trực tiếp các cảng biển Hạ Môn và Phúc Châu".

Ngày 23/8, ông Mao Trạch Đông tuyên bố tại Hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị: "Chúng ta yêu cầu quân Mỹ rút khỏi Đài Loan, quân Tưởng rút khỏi Kim Môn, Mã Tổ. Nếu không rút, chúng ta sẽ đánh".

Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố: sau khi thu hồi Kim Môn, Mã Tổ sẽ sử dụng phương pháp hòa bình giải phóng Đài Loan và Bành Hồ. Về phía Đài Loan, thì từ tư lệnh lực lượng phòng thủ Kim Môn đến Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Giới Thạch đều cho rằng họ đã đánh bại mưu đồ đánh chiếm Kim Môn của quân đội Trung Quốc.

Giả thuyết chính trị: "Chi viện Trung Đông, kìm chế quân Mỹ". Thuyết này do báo chí chính thống của Trung Quốc đưa ra.

Thuyết "ngăn chặn Đài Loan độc lập", do báo chí Hongkong nêu lên, cho rằng mục đích của cuộc tiến công bằng hỏa lực pháo binh này nhằm mục đích ngăn chặn thế lực đòi Đài Loan độc lập phát triển.

Thuyết "pháo kích Kim Môn làm yên trong nước". Giả thuyết này cho rằng Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Trung Quốc kết quả không như ý muốn, hiệu quả tập thể hóa nông nghiệp không tốt, Mao Trạch Đông đứng trước thách thức của những người khác trong ban lãnh đạo đảng nên tiến hành pháo kích Kim Môn để chuyển hướng sự chú ý sang vấn đề Đài Loan.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại