Vì sao các nhà ngoại giao Trung Quốc mạnh miệng trên Twitter được gọi là "chiến lang"?

Phạm Thu Hương |

Trung Quốc được cho là đang thực thi chiến lược ngoại giao mới, và các nhà lãnh đạo đặt cho nó cái tên thể hiện đúng tính chất quyết liệt của những "chiến binh sói".

"Chiến lang", hay "chiến binh sói", là cụm từ hiện được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng như các báo cáo của phương Tây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 24/5, trong khuôn khổ kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc - gồm các hội nghị toàn quốc của Quốc hội và Chính hiệp, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ đẩy lùi "những lời lăng mạ, vu khống".

Trả lời một câu hỏi từ CNN, ông Vương nói: "Chúng tôi chưa bao giờ muốn xảy ra chiến tranh cũng như không muốn bắt nạt các nước khác. Nhưng chúng tôi có những nguyên tắc và sự quyết tâm riêng của mình. Chúng tôi sẽ đáp trả lại bất kỳ sự xúc phạm nào, kiên quyết bảo vệ danh dự và nhân phẩm quốc gia, và sẽ bác bỏ mọi sự vu khống vô căn cứ".

Ngoại giao "chiến lang" có nghĩa là gì?

Không như những đại sứ Trung Quốc nổi tiếng ôn hòa trong nhiều thập kỉ qua, "chiến lang" đại diện cho một phong cách ngoại giao hoàn toàn khác.

Thay vì những lời tuyên bố dài dòng, các quan chức Trung Quốc này đang dùng Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để đáp trả trực tiếp bất kỳ lời chỉ trích nào về Trung Quốc.

Trên thực tế, "Chiến lang" là tựa đề của loạt phim hành động cực kỳ thành công ở Trung Quốc, trong đó các nhân vật chính chiến đấu với kẻ thù trong và ngoài nước để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.

Bộ phim đầu tiên được phát hành vào năm 2015 và có doanh thu phòng vé là hơn 76 triệu USD (545 triệu nhân dân tệ). Năm 2017, phần 2 của bộ phim nhanh chóng được ra mắt và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất của Trung Quốc tại thời điểm đó.

"Chiến lang 2" kể về nhóm binh sĩ thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA) được cử đến một quốc gia châu Phi để giải cứu công dân. Câu nói gắn liền với bộ phim là, "Dù có cách xa hàng ngàn dặm, bất cứ ai xúc phạm Trung Quốc sẽ phải trả giá".

Vì sao các nhà ngoại giao Trung Quốc mạnh miệng trên Twitter được gọi là chiến lang? - Ảnh 2.

Một cảnh trong bộ phim Chiến lang 2 của Trung Quốc, đạt thành công lớn trong doanh thu phòng vé năm 2017 (Ảnh: Getty Images)

So sánh giữa loạt phim với các nhà ngoại giao của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7/2019, khi Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan Triệu Lập Kiên bắt đầu phản ứng mạnh mẽ nhằm vào chính phủ Mỹ trên Twitter.

Trong loạt tweet gây tranh cãi, ông Triệu - hiện nay là phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc - tuyên bố Mỹ không có quyền chỉ trích Trung Quốc về vi phạm nhân quyền trong khi chính Mỹ đang gặp vấn đề về phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng thu nhập và bạo lực súng đạn.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới bắt đầu làm theo cách của ông Triệu.

Bà Hoa Xuân Oánh, cấp trên của ông Triệu Lập Kiên, hoạt động trên Twitter từ tháng 10/2019 và thường xuyên phản bác những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc trên tài khoản Twitter hiện có gần 500.000 người theo dõi của mình.

Bà Hoa tweet hôm 24/5, giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung lao dốc vì bất đồng trong đại dịch Covid-19: "Một số chính trị gia phớt lờ các sự thật cơ bản, bịa đặt vô số lời nói dối và thuyết âm mưu liên quan đến Trung Quốc".

Theo CNN, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh là một "chiến lang" sắc sảo khác. Ông thường xuyên sử dụng Twitter để đáp trả những chỉ trích ở châu Âu.

Hôm 25/5, khi phát biểu với truyền thông quốc gia, ông Lưu nói rằng thuật ngữ "chiến binh sói" là sự hiểu sai về "chính sách đối ngoại hòa bình" của Trung Quốc. Dù vậy, ông Lưu khẳng định trong một số thời điểm sự quyết liệt là điều cần thiết.

"Ở đâu có 'sói', ở đó có chiến binh," Đại sứ Lưu viết trên Twitter.

Vì sao các nhà ngoại giao Trung Quốc mạnh miệng trên Twitter được gọi là chiến lang? - Ảnh 4.

Ông Triệu Lập Kiên, nhà ngoại giao Trung Quốc tiên phong sử dụng Twitter để đáp trả những công kích từ phương Tây (Ảnh: Chinanews)

Trung Quốc băn khoăn về định hình ngoại giao "chiến lang"

Bất chấp những bình luận của Ngoại trưởng Vương Nghị và các nhà ngoại giao Trung Quốc khác, dường như ban lãnh đạo và truyền thông nhà nước vẫn chưa có thái độ rõ ràng trong việc có nên chấp nhận hoàn toàn thuật ngữ "chiến lang" hay không.

Vào tháng Tư, Thời báo Hoàn Cầu đăng câu chuyện ca ngợi các nhà ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc vì đã chiến đấu với phương Tây. Một tháng sau, vào ngày 24/5, sau những bình luận của Ngoại trưởng Vương Nghị, bài xã luận của Hoàn Cầu tuyên bố rằng chính Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách đối ngoại "chiến lang".

Richard McGregor, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nói rằng hiện đang có một cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc về chính sách đối ngoại của nước này nên có mức độ mạnh mẽ như thế nào.

"Rõ ràng có những luồng ý kiến khác nhau về cách Trung Quốc nên tiến hành ngoại giao," ông nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại