Chủ tịch Uỷ ban Tiêm chủng RKI (Đức): Nếu có vắc xin SARS-CoV-2, ai sẽ được tiêm trước?

Nguyễn Xuân Hoài (dịch từ Spiegel.de) |

Một câu hỏi lớn đã được đặt ra trên Tạp chí Der Spiegel nổi tiếng của Đức về vắc-xin chống Covid-19. Chủ tịch Uỷ ban Tiêm chủng của RKI (Đức) - GS Thomas Mertens trò chuyện về vấn đề này.

Không thể "làm đại đi xem thế nào!"

SPIEGEL: Thưa ông Mertens, cả thế giới chờ đợi vắc-xin chống SARS-CoV-2, để chúng ta yên tâm trở lại với cuộc sống bình thường hàng ngày. Hiện nay các nhà chế tạo trên thế giới đang có một cuộc chạy đua để tạo ra vắc-xin. Còn bao lâu nữa mới có thuốc, thưa ông?

GS Mertens: Sẽ lâu hơn sự trông đợi của một số người lạc quan. Tôi có thể hiểu được sự nôn nóng hiện nay cũng như nỗ lực muốn thúc đẩy nhanh nhất có thể sự phát triển này. 

Nhưng các vị hãy tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra khi có một số người muốn tiêm chủng cho hàng tỷ người mà không biết thật chắc chắn vắc-xin sẽ phát huy đầy đủ tác dụng mà ta mong muốn và không gây tổn hại nào. 

Chúng ta không thể tiêm chủng theo kiểu làm đại đi để xem thế nào!

SPIEGEL: Chính giới, nền kinh tế, xã hội và cuối cùng là cuộc sống của tất cả chúng ta phụ thuộc vào vắc-xin này, vậy tại sao sự phát triển không thể tiến hành nhanh hơn được?

GS Mertens: Để một loại vắc-xin được công nhận phải tiến hành một loạt thí nghiệm trong phòng, sau đó là thí nghiệm lâm sàng, để xem thuốc có công hiệu với bệnh hay không, liệu có chấp nhận được không, và trong trường hợp nhiễm trùng liệu nó có dẫn đến một quá trình nguy hiểm hơn hay không. Tất cả các xét nghiệm này đều đòi hỏi phải có thời gian.

Người ta còn phải xem, liệu những người tham gia thí nghiệm đã tạo ra đủ kháng thể và tế bào đặc chủng T chưa hoặc có tác dụng phụ hay không - và sau nữa là, trường hợp bị nhiễm trùng họ có khoẻ mạnh được không.

Cho đến khi vắc-xin được phê duyệt phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng qua ba giai đoạn. Để Viện Paul-Ehrlich đồng ý cho một vắc-xin tiềm năng vào thử nghiệm lâm sàng đối với con người thì nhà sản xuất phải trưng ra các dữ liệu rằng các chất này đã được thử nghiệm tiền lâm sàng đầy đủ - thí dụ thử nghiệm trên động vật.

Chủ tịch Uỷ ban Tiêm chủng RKI (Đức): Nếu có vắc xin SARS-CoV-2, ai sẽ được tiêm trước? - Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Mertens, 70 tuổi, là bác sỹ, nhà virus học và Chủ tịch Uỷ ban thường trực về tiêm chủng (Stiko) thuộc Viện Robert Koch (RKI), CHLB Đức. Cạnh đó ông còn là giám đốc chuyên môn bệnh viện trường đại học Ulm.

Bước I: Vắc-xin sẽ được đưa vào một nhóm nhỏ người tình nguyện khoẻ mạnh. Phải quan sát xem thuốc có đạt được mục tiêu mong muốn trong cơ thể hay không và trong quá trình đó không xẩy ra phản ứng phụ cấp tính.

Bước II: Chỉ khi nào bước một thành công, thì trong bước II vắc-xin sẽ được đưa cho một nhóm người đông hơn thuộc nhóm đối tượng rủi ro. Trong trường hợp của Covid-19 đó là những người nhiều tuổi, có bệnh nền. Trong giai đoạn này sẽ thử nghiệm hiệu lực của thuốc trong việc phòng chống bệnh và thử nghiệm về liều lượng thích hợp.

Bước III: Sau đó vắc-xin sẽ được thử nghiệm ở một nhóm tình nguyện có tính đại diện – giai đoạn này sẽ tiêm chung cho tới 10.000 người. Trong bước III sẽ xác định hiệu quả, độ an toàn và liều lượng. Tránh các kết quả không mong muốn như do tiêm chủng mà bị bệnh nặng.

Có thể rút ngắn một phần quy trình ra đời vắc-xin

SPIEGEL: Nghiên cứu lâm sàng diễn ra trong ba giai đoạn. Người ta có thể đơn giản cắt bỏ giai đoạn ba được không, điều này đã được nhà nghiên cứu người Thuỵ sỹ Martin Bachmann đề xuất, và tiến hành tiêm chủng đại trà trực tiếp trong dân chúng luôn?

GS Mertens: Người ta cần hết sức thận trọng với đề nghị của mình. Bước III là để kiểm tra tác dụng của thuốc: tức là vắc-xin có thực sự bảo vệ được không khi những người tham gia thí nghiệm đã bị lây nhiễm virus. 

Người ta không thể cố ý gây lây nhiễm cho người tham gia thí nghiệm. Họ sẽ được tiêm chủng sau đó vận động hoàn toàn bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Theo giõi xác suất thống kê suốt thời gian lây nhiễm. Người ta so sánh kết quả với nhóm đối chứng, tức không tiêm chủng và xem tình trạng sức khoẻ của người được tiêm phòng.

SPIEGEL: Điều này làm cho cụm từ "phương pháp nhanh" có vẻ chỉ là trò hề?

GS Mertens: Không hẳn. Trong quy trình có một số công đoạn người ta có thể rút gọn rõ rệt: thí dụ toàn bộ công việc có tính giấy tờ xoay quanh thủ tục cấp phép. Riêng khâu này có thể rút gọn cả tháng trời. 

Cũng có thể nghĩ đến việc bước I và II tiến hành song song qua đó rút ngắn được thời gian. Nhưng chúng ta không thể đơn giản không tiến hành đầy đủ các bước khảo sát chỉ vì sự thúc bách về thời gian.

SPIEGEL: Ngay cả khi vắc-xin đã được phê duyệt người ta không thể cùng một lúc tiêm chủng cho 80 triệu dân Đức. Ông sẽ quyết định thế nào, ai được làm trước?

GS Mertens: Về điều này tôi không nói được gì nhiều. Tình huống khi chúng ta đã có vắc-xin khác với tình hình lúc này.

SPIEGEL: Nhưng Stiko luôn tư vấn và khuyến nghị về tiêm chủng. Ông xúc tiến điều này như thế nào?

GS Mertens: Trước hết cần phải xem mục đích đề ra là gì: Đầu tiên là nhằm bảo vệ nhóm có độ rủi ro cao và hệ thống y tế. Ngoài ra người ta muốn với vac xin đạt được tác động tích cực đối với toàn bộ tiến trình đại dịch. 

Như vậy điều này có nghĩa là đầu tiên sẽ tiêm chủng cho nhóm có nguy cơ cao và thứ đến là nhân viên trong bộ máy y tế. Sau đó là những ai sẽ phải dựa vào mô hình tính toán, chúng sẽ cho chúng ta biết hiệu ứng tốt nhất để ngăn ngừa lây lan

SPIEGEL: Nhân đây ông có thể giới thiệu Uỷ ban thường trực về tiêm chủng (Stiko) là gì vậy, thưa ông?

GS Mertens: Stiko là một Hội đồng chuyên gia tự nguyện và độc lập, trực thuộc Viện Robert Koch. Hội đồng tư vấn trên cơ sở những hiểu biết về khoa học, về chính sách y tế đối với những loại tiêm chủng cần thiết cũng như về các bệnh truyền nhiễm ở Đức.

Để phê chuẩn một loại vắc-xin người ta quan tâm đến các yếu tố như hiệu lực của thuốc, độ an toàn và chất lượng dược phẩm, trong khi đó Stiko dựa trên các kết quả của việc phê chuẩn phân tích mối quan hệ giữa lợi ích và nguy cơ cá nhân, vấn đề dịch tễ học trên bình diện dân số cả nước và hiệu ứng của chiến lược tiêm chủng trên diện rộng đối với nước Đức.

Khuyến nghị tiêm chủng công cộng của Stiko phục vụ các bang và là cơ sở để khuyến nghị tiêm chủng. 

Stiko không có nhiệm vụ tính toán hiệu quả kinh tế , điều này được ghi trong Luật chống bệnh truyền nhiễm.

Stiko được đề nghị soạn thảo khuyến nghị về trình tự tiêm chủng trong nhân dân sau khi vac xin tiêm phòng Sars-CoV-2 được phê chuẩn.

Sự khác biệt giàu nghèo

SPIEGEL: Ý của giáo sư là có sự khác nhau giữa những người sống ở nơi dân cư đông đúc có nhiều tiềm ẩn lây nhiễm bệnh so với những người ở nông thôn vắng vẻ?

GS Mertens: Đúng thế. Một người ở New York bị lây nhiễm thì trong thời gian đó tất nhiên có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và gây lây nhiễm sang những người đó so với một người sống ở Băng đảo (Grönland). Khi không có đủ vắc-xin thì việc phân loại ưu tiên là nhất thiết phải làm.

SPIEGEL: Hội đồng quản trị tập đoàn dược phẩm Sanofi đã làm rõ trong tuần này, họ sẽ ưu tiên những ai, khi loại vắc-xin đó được phát triển và sản xuất ở Mỹ: đó là để tiêm chủng cho người Mỹ. Như vậy có được không, tiêm chủng trước tiên cho người dân các nước công nghiệp và sau đó mới đến lượt các nước đang phát triển và các nước mới nổi?

GS Mertens: Khi có vắc-xin thì đáng ra phải dùng nó ở những nơi có thể tránh được thảm hoạ về y tế nhất, điều này là đương nhiên.

SPIEGEL: Trong những tháng tới có thể các nước châu Phi sẽ bị đại dịch này tàn phá. Vậy thì đáng lý là phải gửi các thùng vắc-xin đến các nơi đó?

GS Mertens: Tiếc rằng không phải khi nào sự việc cũng được giải quyết trên cơ sở đạo lý. Ngay giữa các nước châu Âu với nhau, khi cần giúp đỡ lẫn nhau, khi bản thân các nước đều chịu áp lực, thì sự nhường nhịn cũng đã khó.

SPIEGEL: Để tránh được vấn đề giàu nghèo thì phải sản xuất được một lượng lớn vắc-xin. Muốn thế thì chỉ có thể thực hiện được đối với thuốc tiêm chủng-RNA, Đức cũng đang trong quá trình thử nghiệm loại thuốc này. Tuy nhiên cho đến nay trên thế giới chưa có loại thuốc tiêm chủng-RNA được công nhận. Độ rủi ro của loại vắc-xin này như thế nào, thưa giáo sư?

GS Mertens: RNA vắc-xin là một công nghệ tương đối mới. Việc cho đến nay chưa có vắc-xin RNA được công nhận, không nhất thiết là do công nghệ này không tốt, mà nó lệ thuộc vào nhiều yếu tố.

SPIEGEL: Vào tiền phải không, thưa ông?

GS Mertens: Kể cả tiền. Phải có ai đó chi tiền cho nghiên cứu và thực hiện công nghệ mới này chứ. Nhưng mà nói chung người ta thích ở lại với công nghệ đã quen thuộc, nhất là khi người ta biết công nghệ này là chắc chắn.

SPIEGEL: Giá như trước đây người ta biết sẽ có đại dịch và tiến hành nghiên cứu về vắc-xin RNA thì hay biết mấy?

GS Mertens: Người ta có nghiên cứu, chỉ có điều chưa tới giai đoạn nghiên cứu lâm sàng ở người. Chính vì thế điều rất quan trọng là không được bỏ qua khâu kiểm tra về an toàn.

* Theo spiegel.de

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại