Bác sĩ lý giải hiện tượng chuột rút: Nguyên nhân và cách xử lý

Ngọc Anh |

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Lâm – khoa khám bệnh, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, chuột rút không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng nó có thể ảnh hưởng tới bất động tạm thời.

Nửa đêm nằm khóc vì chuột rút

Chị Nguyễn Hải Anh – 34 tuổi, Hà Nội tâm sự chị thường xuyên bị chuột rút và đã đi khám nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao. Chị Anh được bác sĩ tư vấn nên sử dụng thuốc bổ như magie, canxi nhưng 3 tháng qua tình trạng chuột rút vẫn xuất hiện.

Mỗi lần chuột rút chị Anh chỉ muốn khóc vì cảm giác đau chân không nhấc lên nổi. Đặc biệt vào ban đêm chị rất hay bị chuột rút. Có lúc nửa đêm chị thất thanh khóc vì chuốt rút không co được chân và cảm giác buốt ở trong đùi.

Chị Hoàng Thị Minh Hằng – Xa La, Hà Đông, Hà Nội cũng thường xuyên bị chuột rút. Mỗi lần chuột rút chị không thể nhấc chân đi được thậm chí sang ngày hôm sau chị vẫn có cảm giác đau buốt trong cơ. Chị Hằng kể mỗi lần bị chuột rút chị có thể sờ thấy khối cơ rút nổi lên ngay bên dưới da.

Chị Hằng không tìm được nguyên nhân vì sao bị chuột rút và thi thoảng phải đi tập tễnh vì chuột rút làm co cơ đau bắp chân.

Chuột rút xử lý thế nào?

Theo bác sĩ Lâm, chuột rút không nguy hiểm tới sức khoẻ nhưng lại khiến người bị chuột rút có thể bất động tạm thời, đau cơ bắp.

Bác sĩ Lâm cho biết, chuột rút là do sử dụng quá mức cơ bắp, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản chỉ là giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân gây chuột rút. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân không xác định được.

Bác sĩ lý giải hiện tượng chuột rút: Nguyên nhân và cách xử lý - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.Ảnh minh hoạ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút có thể do thiếu máu nuôi đến cơ bắp: Tình trạng chít hẹp các động mạch cấp máu cho chi dưới (xơ vữa động mạch chi dưới) có thể gây ra các cơn đau giống như chuột rút ở cẳng chân và bàn chân khi bạn vận động. Cơn đau thường sẽ mất đi nhanh chóng sau khi ngừng tập.

Chèn ép dây thần kinh: Chèn ép các dây thần kinh từ tủy sống có thể gây ra các cơn đau như chuột rút ở chi dưới. Cơn đau thường sẽ nặng lên khi đi bộ càng lâu. Đi bộ ở tư thế gập người ví dụ như đang đẩy giỏ xe trong siêu thị có thể làm cải thiện cơn đau.

Người bị chuột rút cũng có thể do thiếu khoáng chất như tình trạng thiếu kali, canxi, magiê trong chế độ ăn có thể đóng góp vào tình trạng chuột rút.

Những người thường xuyên bị chuột rút như người lớn tuổi do họ bị mất một khối lượng cơ nên khi hoạt động quá mức sẽ gây tình trạng chuột rút, khi vận động thể thao làm mất nước. Phụ nữ mang thai cũng có thể thường xuyên bị chuột rút. Người bị tiểu đường, rối loạn thần kinh ngoại biên và các bệnh lý tuyến giáp khác cũng hay bị chuột rút hơn.

Từ các nguyên nhân trên, để phòng ngừa chuột rút, bác sĩ Lâm khuyến cáo mọi người cần tránh để tình trạng bị mất nước xảy ra. Nên uống nhiều nước mỗi ngày. Lượng nước uống bao nhiêu tùy thuộc vào những gì bạn ăn, giới tính, mức độ hoạt động, thời tiết và tình trạng sức khỏe, thuốc bạn đang uống.

Bác sĩ lý giải hiện tượng chuột rút: Nguyên nhân và cách xử lý - Ảnh 2.

Dấu hiệu của chuột rút.

Nước sẽ giúp các cơ bắp co thắt và thư giãn, giữ cho các tế bào cơ không bị thiếu nước và ít bị kích thích hơn. Trong lúc hoạt động, bù lại nước theo từng khoảng đều đặn và tiếp tục uống nước sau khi đã tập xong.

Thường xuyên duỗi cơ trước và sau khi sử dụng bất kỳ nhóm cơ nào trong thời gian thường bị chuột rút ban đêm, hãy duỗi cơ trước khi đi ngủ. 

Tập thể dục nhẹ, ví dụ như đạp xe đạp tại chỗ vài phút trước khi đi ngủ cũng có thể giúp phòng ngừa chuột rút ban đêm.

Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bắp cải, cam, cà chua, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê. 

Nếu có bệnh đái tháo đường, loãng xương, bệnh tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật, thiếu máu cần được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị sớm.

Tuy nhiên, bác sĩ Lâm khuyến cáo, nếu người bị chuột rút thường xuyên gây khó chịu rất nhiều, kèm theo phù chân, đỏ hoặc các sang thương khác ở da, kèm theo yếu cơ, xảy ra thường xuyên… thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại