Iran xây dựng "liên minh thép" giữa vòng vây của Mỹ, Tổng thống Trump đứng ngồi không yên

Tiêu Chiến |

Đối với Iran, để phá được vòng vây của Mỹ thì cách duy nhất là xây dựng "liên minh" với các quốc gia có khả năng đối trọng với Washington, điển hình như Nga.

Liên minh với Nga phá vòng vây của Mỹ

Ngoài thực hiện chính sách "gây sức ép tối đa", chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn liên kết với các đồng minh ở Trung Đông để tăng cường sự kiềm chế chiến lược đối với Iran, điều này gây ra không ít khó khăn cho Tehran trong thời gian qua.

Đối diện với sức ép lớn từ Mỹ, Iran bắt đầu chú ý hơn tới việc xây dựng môi trường an ninh xung quanh mình, và không có cách gì tốt hơn bằng việc thiết lập "liên minh" với các quốc gia có khả năng đối trọng với Washington, điển hình như Nga. Ngoài ra, Tehran cũng chú trọng tới việc cải thiện mối quan hệ với cộng đồng người Hồi giáo Shiite trong khu vực.

Chính sách đối ngoại của Iran hiện tại về cơ bản giúp nước này tháo gỡ những khó khăn hiện tại thông qua các biện pháp ngoại giao và chống trừng phạt từ Mỹ.

Điều này có thể thấy rõ qua cuộc khủng hoảng Syria, Iran đã giữ vững được vị thế của mình, củng cố chỗ dựa chiến lược quan trọng nhất của mình ở Trung Đông, liên tục mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng quân sự ở Syria và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức quân sự theo dòng Shiite.

Iran cũng lần đầu tiên mở ra hành lang chiến lược đi qua Iraq và Syria đến Địa Trung Hải, phát triển và mở rộng hơn nữa các lực lượng đồng minh theo dòng Shiite, khiến các đối thủ cạnh tranh như Saudi Arabia và Israel "đứng ngồi không yên".

Ngoài ra, Iran còn có một biện pháp quan trọng khác để tạo ra một môi trường địa chính trị thuận lợi, đó là ký kết Công ước về địa vị pháp lý của biển Caspi với Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 12/8/2018.

Iran xây dựng liên minh thép giữa vòng vây của Mỹ, Tổng thống Trump đứng ngồi không yên - Ảnh 2.

Năm nhà lãnh đạo Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần thứ 5. Ảnh: RIA Novosti.

Về mặt pháp lý, Công ước này không những đã loại bỏ khả năng Mỹ phát động tấn công quân sự từ bờ biển Caspi vào phía Bắc Iran, thúc đẩy quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế với Nga và các nước Trung Á, mà còn tạo ra một diễn đàn quan trọng cho Iran và các nước ngoài khu vực hợp tác năng lượng, trao đổi kinh tế thương mại và hợp tác an ninh.

Đối diện với áp lực quân sự của Mỹ ở vịnh Persia, tháng 7/2019, Iran và Nga tuyên bố tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương, eo biển Hormuz và vịnh Persia vào cuối năm 2019. Động thái này cho thấy trong tình hình an ninh ngày càng phức tạp ở vịnh Persia hiện nay, hợp tác quân sự Nga-Iran được nâng lên một tầm cao mới.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Đối diện với thế tấn công mạnh mẽ của Mỹ, Iran đã thực hiện cả chính sách ngoại giao cả cứng rắn lẫn mềm dẻo và điểm nổi bật trong đó là tổ hợp lợi ích mang tính giai đoạn giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã được thiết lập vào đúng thời điểm. 

Ba nước đã tăng cường hợp tác trong vấn đề Syria và thiết lập cơ chế đàm phán hòa bình Astana vào đầu năm 2017 (Định dạng Astana), dần trở thành lực lượng giữ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề Syria bằng con đường chính trị. Tháng 02/2019, các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gặp lại nhau ở Sochi (Nga) để bàn về vấn đề Syria. 

Sự kiện trên khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây cảm thấy họ đang bị đẩy ra khỏi "cuộc chơi" Syria và dần mất tiếng nói.

Iran xây dựng liên minh thép giữa vòng vây của Mỹ, Tổng thống Trump đứng ngồi không yên - Ảnh 3.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria ở Sochi (Nga) ngày 14/2/2019. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Mỹ không cam chịu đứng ngoài cuộc nên luôn nhấn mạnh vấn đề Syria cần được giải quyết bằng cơ chế đàm phán hòa bình Geneva do Liên Hợp Quốc giữ chủ đạo, chứ không phải là cơ chế đàm phán hòa bình Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran điều phối.

Tại Hội nghị an ninh Munich 2019, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria James Jeffrey đã kêu gọi phương Tây giành lại quyền chủ đạo, nhấn mạnh phải tìm cách loại bỏ Nga và Iran trong tiến trình giải quyết vấn đề Syria bằng con đường chính trị, nhưng trên thực tế là phương Tây đã không thể "sao chép" mô hình Libya.

Ngoài ra, để tăng cường sự kết nối với các lực lượng theo dòng Shiite trong khu vực nhằm tạo ra khả năng tương tác, tăng thêm sức mạnh trong cuộc đối đầu với phương Tây, Iran đã tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Syria và Iraq.

Đầu năm 2019, Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri đã đến thăm Syria, sau đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến thăm Iran để đáp lễ; đây là lần đầu tiên Bashar al-Assad đến thăm Iran kể từ cuộc khủng hoảng Syria (2011).

Tháng 3/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm Iraq, đây là chuyến thăm đầu tiên sau khi ông trở thành Tổng thống vào năm 2013, hai bên đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về thương mại, vận tải, năng lượng và chống khủng bố, có lợi cho kinh tế và an ninh hai nước. 

Thực hiện các biện pháp chống trừng phạt

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA; áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran đã khiến các cuộc đọ sức chính trị trong nước Iran ngày càng gay gắt và tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và sự sụt giảm sâu giá dầu. Đây chính là các mối đe dọa thực sự mà chính quyền Hồi giáo Iran phải đối diện hiện nay.

Do nền kinh tế Iran chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô, nên Mỹ đe dọa sẽ đưa lượng dầu thô xuất khẩu của Iran về số 0, Iran đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ:

Một là, tìm kiếm hợp tác kinh tế quốc tế. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif lập tức đến thăm Trung Quốc và Nga, đến châu Âu hội đàm với Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini.

Có thể thấy Tehran đã chuẩn bị trước cho tình huống Mỹ rút khỏi JCPOA, cũng như biết phải tìm đến ai để có sự ủng hộ về chính trị, cũng như kinh tế.

Điển hình như việc Tập đoàn Total của Pháp rút khỏi dự án khai thác khí đốt South Pars ở miền Nam Iran (do bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt), Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngay sau đó đã tiếp nhận các dự án liên quan với tổng vốn đầu tư là 4,8 tỷ USD.

Hai là, đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Ví dụ Iran đã lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách thực hiện các giao dịch đổi dầu lấy vật tư với các nước khác, mở rộng xuất khẩu các đơn vị tư nhân và phi dầu mỏ, đồng thời giảm giá bán dầu thô.

Ba là, mở rộng hợp tác tài chính với EU. Khi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ngừng hoạt động thanh toán với Ngân hàng Iran vào tháng 11/2018 , EU và Iran đã lên kế hoạch thiết lập hệ thống mới để thanh toán xuất khẩu.

Iran xây dựng liên minh thép giữa vòng vây của Mỹ, Tổng thống Trump đứng ngồi không yên - Ảnh 4.

Các lệnh cấm vận từ Mỹ tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Iran. Ảnh: dolat.ir.

Tháng 02/2019, Anh, Đức và Pháp tuyên bố thiết lập cơ chế thanh toán thương mại với Iran - công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), sau đó Iran cũng đưa ra cơ chế tương ứng. Hệ thống thanh toán này có trụ sở chính tại Paris và sẽ được mở rộng hơn nữa ở các nước châu Âu.

Iran không phải là đối thủ dễ bị đánh bại

Triển vọng và số phận của cuộc đọ sức chiến lược Mỹ-Iran, về bản chất vẫn là cuộc đọ sức giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương. Việc Mỹ thực hiện chính sách "gây sức ép tối đa" khiến Iran thiệt hại nặng nề, các bên liên quan gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện JCPOA.

Mặc dù, Tổng thống Trump đang chiếm ưu thế trong cuộc đọ sức chiến lược với Tehran, nhưng Iran là một cường quốc Hồi giáo ở Trung Đông, tầng lớp lãnh đạo có nền tảng vững chắc, bản thân người dân Iran từ lâu đã bất mãn với chính sách bá chủ của Mỹ và chuyển sự bất mãn thành sức mạnh hội tụ tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. 

Do đó, Mỹ muốn lật đổ chính quyền hiện tại của Iran không phải là "chuyện dễ".

Trong tương lai gần, khó xảy ra cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông bởi nhiệm vụ ưu tiên số một của cả Mỹ, Iran và các quốc gia khác là tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Hơn nữa, về thời điểm hiện tại, những người theo đạo Hồi vừa bước vào tháng Ramadan, bất cứ hành động quân sự nào chống Iran là chống lại tất cả thế giới Hồi giáo.

Cuộc đọ sức chiến lược Mỹ - Iran vẫn tiếp diễn, thậm chí ngày càng nóng hơn trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 để gia tăng uy tín và hình ảnh của Tổng thống Trump. 

Trong khi, các nước lớn, đặc biệt là Nga vẫn nỗ lực để duy trì JCPOA, không những để bảo vệ các lợi ích ở khu vực, mà còn kiên trì chủ nghĩa đa phương, bảo vệ sự công bằng, chính nghĩa trong quan hệ quốc tế, ủng hộ giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua con đường chính trị và ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại