Nghịch lý của Philipines: "Xuất khẩu" y tá đi nhiều nước, bản thân lại lâm vào tình trạng khủng hoảng y tá mùa Covid

Thu Ngọc |

Theo số liệu của chính phủ Philippines, từ 2012 đến 2016, mỗi năm, Philippines đào tạo khoảng 26.000 y tá chuyên nghiệp, trong đó, khoảng 18.500 người sẽ ra nước ngoài làm việc.

"Xuất khẩu" y tá

Đất nước Philippines vẫn được nổi tiếng với năng lực đào tạo y tá chuyên môn cao và sau đó những nhân viên này sẽ đi nước ngoài làm việc.

Từ 2012 đến 2016, mỗi năm, Philippines đào tạo khoảng 26.000 y tá chuyên nghiệp, trong đó, khoảng 18.500 người sẽ ra nước ngoài làm việc.

Mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn là lý do chính khiến các y tá và bác sĩ Philippines tiếp tục ra nước ngoài làm việc.

Cô Paquiz, một y tá cho biết, các bệnh viện tư và công lớn có thể trả mức lương khởi điểm khoảng 25.000 peso (493 USD) một tháng, nhưng ở các tỉnh, mức lương có thể chỉ trong khoảng 3.000 - 6.000 peso. Một y tá ở nước ngoài có thể kiếm được mức lương gấp 5 lần so với mức lương cao nhất, đặc biệt là ở Mỹ và Ả Rập Saudi.

Anh Juan Mikko Cumbe, 28 tuổi, đến từ tỉnh Nueva Ecija phía bắc Manila, cho biết mức lương cao hơn và khối lượng công việc ít hơn là những lý do khiến anh chuyển đến Singapore làm việc.

Sau khi ở đây 5 năm, anh thấy mình may mắn khi chỉ làm việc theo ca 8 tiếng trong khi các đồng nghiệp cũ của anh ở trong nước thường xuyên làm việc 12 giờ/ ngày. Đôi khi họ phải làm việc 24 giờ liên tục vì không có người thay ca.

Thiếu hụt y tá mùa Covid-19

Tuy nhiên, quốc gia này đang trong tình trạng thiếu y tá nghiêm trọng khi số ca nhiễm virus Corona chủng mới và tử vong tăng đột biến.

Kể từ ngày 1/4, số người tử vong ở nước này do dịch Covid-19 đã tăng gần gấp 5 lần và các trường hợp được xác nhận dương tính đã tăng gấp 3. Tình trạng dịch COVID-19 lan nhanh khiến cho Tổng thống Rodrigo Duterte áp đặt lệnh phong tỏa trên đảo chính Luzon cho đến ít nhất ngày 30 /4.

Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Philippines Inc, ước tính đất nước vạn đảo đang thiếu hụt 23.000 y tá. Trong khi đó, chỉ riêng tại Mỹ đã có khoảng 150.000 y tá người Philippines đang làm việc. Bà Gemma Borilla, 55 tuổi, đến từ đảo Bulacan phía bắc thủ đô Manila, có con gái đang làm y tá tại Ả Rập Saudi nói: "Tôi luôn luôn nghĩ về 1 điều. Thực tế là con gái tôi đang làm y tá ở một vùng đất xa lạ, trong khi ngay tại quê nhà lại đang rất cần sự cống hiến của con".

Vào ngày 2/4 vừa qua, tổng thống Philippines đã cấm hoạt động xuất ngoại của các nhân viên y tế để tăng cường năng lực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở trong nước. Do vấp phải sự phản đối của các quan chức ngoại giao hàng đầu, chính phủ đã nới lỏng lệnh cấm và vẫn cho phép những nhân viên vẫn còn trong thời hạn hiệu lực hợp đồng lao động có thể xuất ngoại.

Vào đầu năm nay, khi virus Corona chủng mới bắt đầu lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc, tổng thống Duterte đã ban hành một đạo luật tăng lương hàng năm cho tất cả nhân viên chính phủ trong đó có y tá cho đến năm 2023.

Bộ Y tế Philippines bắt đầu một chương trình tuyển dụng khẩn cấp cho các cơ sở y tế công và tư nhân được chỉ định để điều trị các trường hợp mắc Covid-19. Điều luật mới này cam kết tăng lương 20% so với mức lương cơ bản do chính phủ quy định, trợ cấp nhập viện, trợ cấp buồng bệnh và ăn uống, và thậm chí là khoản phí hỗ trợ lên tới 1 triệu Peso (19.734 USD) trong trường hợp tử vong.

Người ta ước tính rằng Philippines sẽ cần thêm 15.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe cho các cơ sở điều trị Covid-19. Phát ngôn viên Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire ngày hôm qua cho biết nước này tới hiện tại mới tuyển dụng được 700 người.

Trong lúc này, theo ông Rustico Jimenez, chủ tịch hiệp hội của 900 bệnh viện tư nhân, một số bệnh viện đang cố gắng bù đắp việc thiếu nhân sự bằng cách yêu cầu các y tá kéo dài ca làm việc và thuê các sinh viên tốt nghiệp trường điều dưỡng làm nhân viên chăm sóc tạm thời trong khi đợi họ hoàn thành bài kiểm tra cấp phép hành nghề.

Không chỉ y tá, số lượng bác sĩ tại Philippines cũng khá hạn chế. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ tại nước này là 6 bác sĩ cho mỗi 10.000 người, một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Đông Nam Á. Theo ông Angara, do có sự thiếu hụt này nên 7/10 người Philippines tử vong mà không được nhân viên y tế thăm khám.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Giáo dục đại học Philippines, từ số lượng sinh viên tốt nghiệp các khóa học y tế khoảng 128.000 người vào năm 2009, đến năm 2018 con số này đã giảm 2/3. Điều này xuất phát từ việc người Philippines sau khi biết được hạn chế của ngành y đã đăng kí học ít đi.

"Tôi hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ tạo áp lực cho chính phủ phải cải thiện điều kiện làm việc của các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch", cô Paquiz nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại