Chạy đua chi tiêu quân sự: Mỹ vượt mặt Trung Quốc, Đức chịu sức ép lớn

Hồng Anh |

Ngày càng có nhiều tiền bạc được đầu tư vào lĩnh vực quân sự trên thế giới, trong đó Mỹ và Trung Quốc vẫn là các nước dẫn đầu.

Tuy nhiên không có quốc gia nào tăng chi tiêu quốc phòng nhiều như Đức. Chi tiêu quân sự trên toàn cầu đã đạt 1,9 nghìn tỷ USD (tương đương 1,7 nghìn tỷ euro) trong năm 2019, đánh dấu mức chi hàng năm cao nhất kể từ năm 1988.

So với năm 2018, mức chi tiêu này tăng 3,6 %, là tỉ lệ tăng lớn nhất kể từ năm 2010, theo số liệu mới nhất từ Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế (SIPRI). AFP dẫn lời Nan Tian, nhà nghiên cứu của SIPRI, nhận xét: "Chi tiêu quân sự đã đạt đến đỉnh cao nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh".

Đức chịu sức ép lớn

Tại Đức, chi tiêu quân sự tăng 10% lên đến 49,3 tỷ USD – mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong số 15 quốc gia đứng đầu về chi tiêu trong lĩnh vực này.

Chuyên gia Max Mutschler thuộc Trung tâm chuyển đổi quốc tế Bonn (BICC) – một tổ chức nghiên cứu hòa bình và xung đột cho biết: “Đức đã chịu sức ép phải tăng kinh phí quốc phòng kể từ trước thời chính quyền Tổng thống Trump.

Tác động của sức ép này ngày càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, mức chi tiêu của nước này vẫn chưa đạt tới 2% GDP”. Năm 2019, chi tiêu quân sự của Đức lên tới 1,38% GDP.

Trước đó vào năm 2014, tại một Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Wales, các nước thành viên nhất trí dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong thập kỷ tới.

Chưa tính đến các cam kết đối với NATO, nhà nghiên cứu của SIPPRI Diego Lopes da Silva cho rằng, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của Đức một phần là do tình hình địa chính trị ở châu Âu và một lý do khác là bởi “Nga một lần nữa được coi là mối đe dọa ngày càng gia tăng”. Năm 2019, Moscow đã dành gần 4% GDP cho chi tiêu quân sự, lên tới 65,1 tỷ USD.

Theo chuyên gia Silva, không chỉ riêng Đức mà nhiều quốc gia khác trong NATO đang theo dõi sự phát triển của Nga với con mắt cảnh giác.

Trong số 15 quốc gia trên thế giới có ngân sách quốc phòng cao nhất, thì có 6 nước là thành viên của NATO, bao gồm Canada, Pháp, Đức Italy, Anh và Mỹ. Chi tiêu quân sự của những nước này gộp lại chiếm 1 nửa tổng chi tiêu quân sự của thế giới.

Năm 2019, tổng chi tiêu quân sự của 29 nước thành viên trong NATO vào khoảng 1,04 nghìn tỷ USD – nhưng con số này không gây bất ngờ đối với chuyên gia Max Mutschler.

“Chi tiêu quân sự được dựa trên những tình huống xấu nhất”, ông Mutschler cho biết, đồng thời giải thích thêm, trong khi công chúng nhận thấy xung đột kinh tế giữa các quốc gia vẫn luôn ở phía trước thì nguy cơ xung đột quân sự vẫn luôn hiện diện ở phía sau.

Chuyên gia Mutschler nói: “Liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi không biết liệu có xảy ra 1 cuộc xung đột vũ trang hay không. Vì vậy quân đội ở cả 2 nước đang chuẩn bị cho sự kiện này”.

Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc

Theo báo cáo của SIPPRI, năm 2019, Mỹ chịu trách nhiệm gánh 38% chi tiêu quân sự toàn cầu, tương đương 732 tỷ USD. Chỉ riêng mức gia tăng ngân sách trong năm 2018 đã bằng tổng chi tiêu quân sự của Đức trong năm 2019.

Kinh phí nói trên được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có việc trả lương cho khoảng 16.000 nhân viên quân sự bổ sung, cùng với hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, các chuyên gia cũng coi sự gia tăng này là phản ứng đối với Trung Quốc – quốc gia đứng thứ 2 sau Mỹ khi nói đến chi tiêu quân sự.

Ngân sách dành cho quân sự của Bắc Kinh chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 và tăng hơn 5% so với năm 2018, lên đến 261 tỷ USD.

Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự đều đặn kể từ năm 1994 và ngân sách của nước này dành cho quân sự đã tăng 85% kể từ năm 2010. Song xét về tỷ lệ phần trăm theo GDP, khoản chi này vẫn không có sự thay đổi đáng kể và hầu như luôn ở mức 1,9%.

Ấn Độ vượt Saudi Arabia

Tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc, mức chi tiêu quân sự của Ấn Độ cũng gia tăng đáng kể vào năm 2019, tăng khoảng 7% lên đến 71,1 tỷ USD. “Căng thẳng và cạnh tranh với cả Pakistan và Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến chính phủ Ấn Độ tăng chi tiêu quân sự mạnh mẽ", nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman cho hay.

Về phần mình, Saudi Arabia vượt xa các nước Trung Đông khác chi dành 61,9 tỷ USD trong năm 2019, mặc dù con số này giảm 16% so với năm 2018. Con số này là khá ngạc nhiên, theo báo cáo của SIPRI, khi xem xét các hoạt động quân sự của Saudi Arabia tại Yemen và căng thẳng gia tăng giữa nước này với Iran.

Các nền kinh tế mới nổi chi tiêu ít hơn cho quân sự

Chi tiêu quân sự ở các quốc gia khác, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi khá mờ nhạt khi so sánh với các nước trop top đầu. Các nước Nam Mỹ chỉ chi tiêu 53 tỷ USD trong năm 2019, riêng Brazil đã chiếm 1 nửa con số này.

Các quốc gia Đông Nam Á chi tiêu tổng cộng khoảng 41 tỷ USD cho quân sự và toàn bộ lục địa châu Phi chi 42 tỷ USD. Tuy nhiên, mức chi tiêu có nhiều biến động phụ thuộc vào tình hình của mỗi nước. Chẳng hạn Uganda tăng ngân sách quốc phòng lên 52% trong khi Burkina Faso giảm 22%.

Báo cáo của SIPRI cho rằng sở dĩ có sự khác biệt này là bởi tình hình địa chính trị hiện tại ở khu vực châu Phi cận Sahara và việc liệu các quốc gia có trực tiếp can dự vào 1 cuộc xung đột quân sự hay không.

Nhà nghiên cứu Tian nhận xét, nhìn chung "chi tiêu quân sự có tăng tốc trong những năm gần đây", nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược do hậu quả của đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo ông, khi thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc về chi tiêu quân sự so với các lĩnh vực khác như y tế và giáo dục. "Khả năng cao điều này sẽ thực sự tác động tới chi tiêu quân sự", ông Tian nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại