"Sóng thần nghiệt ngã": Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ

Trang Ly |

Trong các xe kéo, lều và container vận chuyển quanh thành phố New York chỉ có thể chứa rất nhiều thi thể mà thôi...

Tính đến 11 giờ ngày 27/4/2020, trên toàn thế giới có tổng 2.994.958 ca mắc Covid-19. Số người tử vong lên đến 206.997 người. Cũng theo thống kê của Worldometers, Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 đứng đầu thế giới, với 987.322 ca mắc, số người tử vong tính đến ngày 27/4/2020 là 55.415 người.

Một ngày trước đó, tờ New York Times (Mỹ) cung cấp hình ảnh bản đồ những ca mắc virus chủng Corona mới khắp nước Mỹ cũng như danh sách các bang/thành phố có ca nhiễm và số người tử vong lớn nhất nước (xem hình ảnh bên dưới).

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 1.

Bản đồ các điểm nóng dịch bệnh Covid-19 tại khắp các bang/thành phố ở Mỹ. Nguồn: New York Times lấy các số liệu từ các báo cáo các bang và bệnh viện.

Trong số đó, thành phố New York là "điểm nóng" của đại dịch Covid-19 đang hoành hành nước Mỹ với gần 300.000 ca mắc, gần 17.000 người tử vong.

Khi đội ngũ bác sĩ Mỹ đang làm việc bất kể ngày đêm để cứu sống những người nhiễm virus, thì nhân viên tại các nhà tang lễ ở New York City(1) cũng âm thầm thực hiện công việc cô đơn nhất của mình...

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 2.

Cho đến khoảng một tháng trước, Patrick Kearns - 50 tuổi, Giám đốc thế hệ thứ tư của Nhà tang lễ Leo F. Kearns, quận Queens, NYC chưa bao giờ từ chối một khách hàng nào trong suốt 25 năm làm giám đốc, nhưng điều đó đã thay đổi khi thành phố New York trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 ở Mỹ.

"Trung bình một tháng, Nhà tang lễ Leo F. Kearns xử lý 35 đến 40 trường hợp. Nhưng đến nửa cuối tháng 3/2020, như một cơn sóng thần ập đến, chúng tôi phải xử lý gần gấp đôi trường hợp, đỉnh điểm là trong tháng 4 này, chỉ riêng Nhà tang lễ Leo F. Kearns đã phải xử lý khoảng 200 người tử vong vì mắc bệnh Covid-19.

Chúng tôi làm việc không lúc nào ngơi. Mọi việc quá tải thực sự. Trong khi xử lý các thi thể, chúng tôi còn phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ phía thân nhân người chết. Ngay cả ban đêm, tôi cũng phải trả lời đến 30 cuộc gọi khác nhau." - Patrick Kearns nói khi mái tóc rối bù không kịp vuốt vì bận rộn.

Đây chắc chắn không phải là công việc kinh doanh mà Patrick Kearns mong muốn. Hẳn nhiên.

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 3.

Dữ liệu Popular Mechanics thu thập năm 2017 cho thấy, trung bình một ngày, có 149 người chết ở thành phố New York. Nhưng từ khi trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 này, con virus gây bệnh viêm phổi cấp đang giết chết 200, 300 hoặc 400 mỗi ngày. Chỉ trong 3 ngày vào đầu tháng 4/2020, mức tăng đột biến hàng ngày vượt quá con số 500. Trong khoảng sáu tuần, virus chủng Corona mới đã giết chết ít nhất 9.900 người ở thành phố New York, số đó không bao gồm những người chết tại nhà hoặc ở nhà dưỡng lão mà không nhận được xét nghiệm Coronavirus.

Trong số những nỗ lực giảm tải công việc cho nhà tang lễ, Giám đốc Patrick Kearns đã buộc phải rút quảng cáo của công ty trên Google.

Quan chức thành phố cho phép các nhà tang lễ khác của NYC hoạt động thâu đêm. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã triển khai 85 xe đầu kéo đông lạnh trên toàn thành phố New York để giữ thi thể. Văn phòng Giám đốc y tế thành phố New York sử dụng những chiếc xe tải này để cung cấp 15 ngày lưu trữ thi thể, nhưng nếu gia đình không thể nhận thi thể trong thời gian đó (vì lý do an toàn), người chết sau đó sẽ được tạm thời chôn cất tại ngôi mộ tập thể của thành phố trên Đảo Hart (đông bắc quận Bronx, NYC).

Trong hơn 150 năm, New York City đã sử dụng hòn đảo không có người ở này để chôn cất những thi thể không có người nhận, cùng với những người thuộc gia đình không có khả năng chi trả cho đám tang. Hòn đảo Hart chứa hơn một triệu hài cốt người, nhưng tất cả không có bia mộ. Tất cả đều vô danh.

Giám đốc Patrick Kearns không muốn nhìn thấy các thi thể bị đưa đến Đảo Hart, vì vậy vào đầu tháng Tư, ông đã mua container lạnh, cao (reefer container) có thể chứa 30 thi thể để thân nhân người chết có thể nhận diện và tiến hành chôn cất hoặc hỏa táng, để người chết không bị chôn dưới những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh.

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 4.

Đây là những gì thường xảy ra khi ai đó chết tại bệnh viện: Gia đình gọi nhà tang lễ, và trong vài giờ, nhân viên nhà tang lễ đến để thu gom người quá cố. Nhờ dịch vụ tang lễ gọn nhẹ, nhà xác bệnh viện điển hình bố trí cho chỉ 10 hoặc 12 thi thể.

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 5.

Tại nhà tang lễ, thi thể sẽ được ướp xác để chôn cất hoặc chuyển đến kho lạnh để chờ hỏa táng. Một cơ thể ướp xác sẽ kéo dài ít nhất hai tuần mà không bị phân hủy. Nhưng trong khoảng thời gian nghiệt ngã này phần lớn thi thể được chôn cất hoặc hỏa táng trong vòng ba ngày, cũng bởi vì nhà tang lễ thường không được trang bị để lưu trữ xác chết lâu dài.

Thực tế, chỉ có 4 nhà tang lễ tại thành phố New York: Hai ở Queens, một ở Bronx và một ở Brooklyn. Mỗi nhân viên nhà tang lễ trong số họ có thể xử lý khoảng 20 thi thể mỗi ngày.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở New York, nhiều nghĩa trang buộc phải rút ngắn quy trình để nhân viên của họ có thể duy trì sự giãn cách xã hội. Ví dụ, sẽ bỏ qua khâu có thân nhân đến dự tang lễ. Nếu có thì số lượng ít ỏi, chỉ khoảng 10 người ngồi trong căn phòng nhỏ có các chiếc ghế định sẵn, cách nhau 2 mét.

Điều rủi ro nhất cho các nhân viên nhà tang lễ đó là nguy cơ dịch cơ thể từ phổi, chảy ra từ miệng và mũi của người chết có khả năng đe dọa lây nhiễm, vì các nhà nghiên cứu ở Thái Lan gần đây đã báo cáo việc truyền Covid-19 đầu tiên từ một người chết sang vật chủ còn sống, Popular Mechanics cho biết.

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 6.

Để giảm thiểu rủi ro, các nhân viên nhà tang tễ đang tuân theo các phác đồ phòng ngừa được thiết lập để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lao. Họ phải đang đeo mặt nạ N95, cộng với bộ quần áo bảo hộ hoặc tạp dề Tyvek - được làm từ các sợi polyetylen mật độ cao ngăn chặn vi khuẩn và chống mài mòn.

Khi mở túi đựng xác, nhân viên ướp xác sẽ phun thuốc vào mắt, mũi và cổ họng của người chết bằng chất khử trùng ướp xác có chứa cồn có tên là Dis-Spray. Sau đó, họ sẽ nhét bông vào các lỗ trên thi thể (mũi, tai, miệng...) để ngăn chặn dịch có thể chảy ra.

Sóng thần nghiệt ngã: Những nấm mồ lạnh lẽo, vô danh tại tâm dịch Covid-19 Mỹ - Ảnh 7.

Thành phố New York những ngày giãn cách xã hội. Ảnh chụp tại quảng trường ở quận Manhattan, NYC. Photo: Bryan Derballa / The New York Times

Từ khi New York City trở thành tâm dịch của Mỹ, Giám đốc Nhà tang lễ Leo F. Kearns - Patrick Kearns - sụt cân nhanh chóng. Tháng 3/2020, ông nặng 68 kg, hiện tại chỉ còn hơn 60 kg. Chiếc áo trắng rộng đi trông thấy.

"Mọi người vẫn đang chết với tốc độ cao hơn nhiều so với thông thường. Trong các xe kéo, lều và container vận chuyển quanh thành phố New York chỉ có thể chứa rất nhiều thi thể mà thôi. Tôi không biết mình đang làm gì lúc này nữa.

Tôi thậm chí không biết đã mua (đầu tư) những gì... nào container lạnh để giữ xác được lâu hơn có thể, nào máy biến áp hàng nghìn đô la, nào những ngày ăn vội miếng bánh sandwich, và cả những đêm trắng nghe điện của thân nhân người chết... Đây không phải là một cuộc chiến thì còn có thể gọi nó là gì nữa?" - Patrick Kearns nói vội rồi chạy ra một xe xác mới...

Tường giải:

(1) New York City viết tắt là NYC, phân biệt với bang New York - viết tắt là NYS.

Bài viết sử dụng nguồn: New York Times, Popular Mechanics, Worldometers

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại