PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu 3 luận điểm bác bỏ tin đồn 'số ca tiềm ẩn lớn hơn số ca nhiễm'

PGS.TS Nguyễn Huy Nga |

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nói rằng số ca nhiễm tiềm ẩn có thể lớn hơn rất nhiều ca nhiễm hiện nay là chưa có căn cứ chắc chắn, vì những lý do sau đây.

Mới đây, trên group Covid-19: Bình Tĩnh Sống vừa đăng tải bài viết của PGS.TS Nguyễn Huy Nga giải đáp về việc số ca nhiễm virus có thể còn tiềm ẩn trong xã hội, điều này có đúng không? Chúng tôi xin phép trích đăng bài viết này để quý vị độc giả có được nhận định chính xác.

Mới đây có thông tin cho hay khoảng 50% ca lây nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội là không có biểu hiện triệu chứng, chỉ đến khi xét nghiệm mới được phát hiện. Như vậy nhiều khả năng ngoài xã hội vẫn còn nhiều trường hợp chưa bệnh nhân đã nhiễm bệnh mà chưa được phát hiện. Điều này có hay không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu 3 luận điểm bác bỏ tin đồn số ca tiềm ẩn lớn hơn số ca nhiễm - Ảnh 2.

Về nguyên tắc suy đoán dịch tễ học, trong tình trạng mất dấu F0 của các chùm ca bệnh gần đây thì có thể có những người dương tính với vi rút Corona gây dịch COVID-19 đang hiện diện trong cộng đồng. Tuy nhiên nói rằng số ca nhiễm tiềm ẩn có thể lớn hơn rất nhiều ca nhiễm hiện nay là chưa có căn cứ chắc chắn vì:

1. Các xét nghiệm trong cộng đồng thời gian vừa qua với hàng chục ngàn người không phát hiện các ca dương tính ngẫu nhiên, mà chỉ phát hiện các ca nghi ngờ có liên quan dịch tễ tới Bệnh viện Bạch Mai và các chùm ca bệnh.

2. Các cuộc khảo sát trong cộng đồng vừa qua ở Hà Nội bằng xét nghiệm tìm kháng thể IgM và IgG đã không phát hiện ra những người đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

(Kháng thể IgM được tạo ra như là phản ứng đầu tiên của cơ thể đối với nhiễm khuẩn mới hoặc kháng nguyên "không do bản thân cơ thể tạo ra" mới, cung cấp sự bảo vệ ngắn hạn. Các IgM tăng trong vài tuần và sau đó giảm dần khi sự sản xuất IgG bắt đầu.

Kháng thể IgG đặc hiệu được tạo ra trong quá trình nhiễm khuẩn ban đầu hoặc do sự tiếp xúc với các kháng nguyên khác, tăng vài tuần sau khi bắt đầu, sau đó giảm dần và ổn định – PV)

3. Nếu thực sự có rất nhiều người bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, như giả thiết, thì chắc chắn đã có bùng phát nhiều ở quy mô gia đình hoặc các nhóm người. Khi bùng phát như vậy thì những người cao tuổi, có bệnh nền đã bị viêm phổi và tử vong. Trong trường hợp đó thì tỷ lệ tử vong do viêm phổi trong cộng đồng tăng lên và người ta đã phát hiện được rồi.

Để tìm được những người này và khoanh vùng dịch tễ khu vực họ sinh sống, đi lại thì chỉ có thể xét nghiệm hàng loạt. Còn để dự báo số lượng người mang SARS-CoV-2, nhưng bề ngoài không có biểu hiện thì phải tổ chức một cuộc điều tra dịch tễ cộng đồng được thiết kế có mục đích là phát hiện tỷ lệ những người nhiễm không triệu chứng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu 3 luận điểm bác bỏ tin đồn số ca tiềm ẩn lớn hơn số ca nhiễm - Ảnh 3.

Gần đây một số ổ dịch liên tiếp được phát hiện như Hạ Lôi, khu công nghiệp Samsung, theo đó là số F1, F2 lên tới hơn 1000 người. Có hai kịch bản có thể xảy ra:

1. Nếu những người tiếp xúc không tuân thủ các khuyên cáo của Bộ Y tế là giãn cách trên 2 mét với người khác, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh cá nhân tốt thì dịch sẽ bùng phát như ở các nước châu Âu.

Trong trường hợp này chúng ta sẽ rất khó để kiểm soát được dịch.

2. Nếu những người tiếp xúc F1, F2 thực hiện đúng các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế thì không có sự bùng phát mạnh.

Do vừa qua chúng ta đã thực hiện cách ly xã hội theo các hướng dẫn của Bộ Y tế và tuân thủ tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi nghiêng về kịch bản này hơn. Hy vọng chúng ta kiểm soát được dịch nếu như có sự lây lan lẻ tẻ xảy ra.

Tuy nhiên, rất khó để nói sau ngày 22/4 chúng ta có thể chấm dứt thực hiện cách ly xã hội hay không, vì điều này còn phụ thuộc vào tình hình dịch tễ tuần này. Hà Nội và vài tỉnh tiếp giáp Hà Nội có thể còn phải tiếp tục cách ly xã hội nếu như xuất hiện các ổ dịch mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại