Vì sao sau hơn nửa thế kỷ, 'pháo đài bay' B-52 vẫn chưa ngừng cất cánh?

Anh Minh |

Vì sao ra đời hơn nửa thế kỷ, vì sao trong khi các máy bay ném bom hiện đại hơn và “trẻ” hơn đã về hưu, mà Mỹ vẫn tin dùng oanh tạc cơ B-52? Và cứ mỗi khi cần dằn mặt nước nào đó, Washington lại cho B-52 cất cánh?

Trong suốt một thế kỷ qua, kể từ khi máy bay nói chung và máy bay quân sự nói riêng ra đời, chiến đấu cơ không ngừng tiến hóa, ngày càng hiện đại và phức tạp.

Trong giai đoạn 1952-1962, hãng chế tạo máy bay Boeing đã sản xuất hơn 700 chiếc B-52. Như đã nói ở trên, không quân Mỹ dự kiến sẽ vận hành B-52 cho đến những năm 2050, tức là 100 năm sau khi nó ra đời. Chưa từng có máy bay nào trên thế giới bay “dai” đến thế.

Để so sánh, hãy xem xét hai loại máy bay ném bom hậu duệ của B-52, ra đời sau nó tới 30 năm. Oanh tác cơ B-1 Lancer và B-2 Spirit, bắt đầu cất cánh trong những năm 1980 và cả hai máy bay này ‘đã đi làm muộn hơn nhưng lại về hưu sớm hơn”: chúng đều được lên kế hoạch cho về vườn vào đầu thập niên 2030, sớm hơn so với dự kiến ban đầu cả thập kỷ, theo tạp chí Không lực của Mỹ.

Tàu con thoi của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) “nghỉ hưu” năm 2011 sau 30 năm hoạt động. Máy bay trinh sát SR-71 Blackbird, ngôi sao trong chiến tranh lạnh, từng bay do thám trên bầu trời Liên Xô nhiều lần, đã được cho nghỉ sau 24 năm bay lượn.

Là chiếc máy bay phục vụ lâu nhất trong quân đội Mỹ, oanh tạc cơ, "pháo đài bay" B-52 đã chứng tỏ khi nói về độ bền bỉ, càng đơn giản càng tốt.

"Tôi không phải là một kỹ sư, nhưng tôi phải nói với anh rằng những nhà sản xuất đúng là đã tạo ra một chiếc máy bay quá bền", trung tướng không quân Mỹ Thomas A. Bussiere nói với phóng viên Task & Purpose.

Tướng Bussiere lãnh đạo không đoàn số 8 Không quân Mỹ, chịu trách nhiệm về hoạt động của phi đội pháo đài bay B-52. Ông sinh năm 1963, sau khi chiếc B-52 cuối cùng đã được bàn giao cho Không quân Mỹ.

Ban đầu, được thiết kế với nhiệm vụ là máy bay ném bom hạt nhân của quân đội Mỹ, các máy bay B-52 sau này được giao nhiệm vụ mới với sự ra đời của các vũ khí dẫn đường bằng GPS (GPS: hệ thống định vị toàn cầu): đó là nhiệm vụ hỗ trợ không lực tầm gần (close air support).

Vì sao sau hơn nửa thế kỷ, pháo đài bay B-52 vẫn chưa ngừng cất cánh? - Ảnh 2.

Một pháo đài bay B-52 tham chiến ở Việt Nam


B-52 đã hỗ trợ tác chiến với lục quân Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Khi làm nhiệm vụ này, mỗi chiếc B-52 có thể mang theo 35 tấn bom và tên lửa.

Mặc dù các máy bay B-52 vẫn không ngừng được nâng cấp, trang bị mới các thiết bị hiện đại, công nghệ chủ chốt của máy bay này vẫn là những thứ ra đời từ những năm 1950 và 1960, điều này khiến nó hoàn toàn khác so với các máy bay mới nhất của Không quân Mỹ, tướng Bussiere nói với Task & Purpose.

“Về cơ bản, chúng tôi đang làm việc với các phiên bản B-52 ra đời từ những năm 1960 nhưng đã có những cải tiến, giống như mọi hệ thống vũ khí khác”, tướng Bussiere nói. “Có điều, loại máy bay này phục vụ rất lâu rồi và còn tiếp tục phục vụ thêm một thời gian dài nữa, và đó là thực tế rất ấn tượng”.

Theo lời tướng Bussiere, một trong những chìa khóa giải thích sự bền bỉ của pháo đài bay B-52 là máy bay này tạo ra ít lực G hơn so với các máy bay tiêm kích, vốn được sinh ra để “kéo cần lái và ngoặt gấp”. (Gia tốc được đo bằng đơn vị lực trọng trường, gọi tắt theo tiếng Anh là lực G (gravity – trọng lực).

Bình thường trên mặt đất, mọi người chịu lực trọng trường tác dụng lên là 1G. Khi bay lượn vòng, bổ nhào, lực G tối đa mà phi công có thể phải chịu đựng đạt 7,5 đến 8G, khi phóng ghế dù thậm chí vượt quá 10G, quá giới hạn chịu đựng của một phi công có thể lực dồi dào và được huấn luyện tốt).

Thêm nữa, nhiều máy bay ném bom này đã trải qua nhiều năm trực chiến với Bộ Tư lệnh không quân chiến lược, vì thế chúng không thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến thuật.

Nhưng mặc dù đã “có tuổi” máy bay B-52 vẫn được trông đợi tiếp tục gánh vác các nhiệm vụ hạt nhân cùng với loại oanh tạc cơ mới nhất của Không quân Mỹ là B-21 Raider.

B-21 là dự án máy bay ném bom thế hệ mới nhất của Mỹ, tuy nhiên cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ hình ảnh chính thức nào của loại oanh tạc cơ tàng hình này được công bố. Mặc dù vậy, các thông tin nói rằng Không quân Mỹ dự kiến mua 100 máy bay ném bom B-21 và chúng theo dự kiến bắt đầu cất cánh từ giữa thập niên 2020.

Một trong những lý do vì sao B-52 “sống thọ” hơn các máy bay B-2 Spirit ra đời sau 30 năm là bởi chính phủ Mỹ được nói là đã có quyết định “thảm họa” khi chỉ mua 20 thay vì 132 chiếc B-2 như kế hoạch ban đầu, theo lời tướng không quân về hưu David Deptula, viện trưởng viện nghiên cứu không gian Mitchell.

Với sự phát triển của các tiêm kích bảo vệ và hệ thống phòng không, các pháo đài bay B-52 có thể khai hỏa, tấn công trong các cuộc đối đầu công ước hay đối đầu hạt nhân từ xa, không phải đưa nó vào vùng nguy hiểm, tướng Bussiere nói.

Các oanh tạc cơ B-1 Lancer đã chứng minh hiệu quả của chiến thuật này trong cuộc tấn công ngày 13/4/2019 nhằm vào các lực lượng của Syria khi chúng phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu trong khi vẫn chưa đi vào không phận nước này.

Các máy bay B-52 còn chứng tỏ được giá trị rất lớn của nó đối với các chỉ huy quân sự Mỹ ở Iraq, Syria và Afghanistan bởi nó mang được rất nhiều nhiên liệu và hàng chục tấn vũ khí, có thể bay nhiều giờ, hỗ trợ hỏa lực cho lục quân Mỹ và đồng minh rất hiệu quả, giúp họ không phải tiếp cận quá gần vùng nguy hiểm cho đến khi các nguy cơ giảm bớt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại