GS Nguyễn Văn Tuấn lý giải nguyên nhân các nước có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 khác nhau

GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc) |

Tỉ lệ tử vong liên quan đến dịch Covid-19 ở Ý cao gấp 42 lần so với tỉ lệ ở Đức. Tại sao có sự khác biệt cao đến thế?

𝐓ỉ 𝐥ệ 𝐭𝐮̛̉ 𝐯𝐨𝐧𝐠

Nếu chỉ tính 10 quốc gia hàng đầu có nhiều ca nhiễm (Trung Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, và Anh) thì tỉ lệ tử vong trung bình là 4,3% (khoảng tin cậy 95% dao động từ 4,2% đến 4,4%). Nhưng mức độ khác biệt về tỉ lệ tử vong rất khác nhau giữa các quốc gia.

GS Nguyễn Văn Tuấn lý giải nguyên nhân các nước có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 khác nhau - Ảnh 2.

Biểu đồ 1: Số ca nhiễm tính đến ngày 19/3/2020 ghi nhận tại 10 nước 'hàng đầu' (phần trên) và tỉ lệ tử vong cho 10 nước (phần dưới). Mức độ khác biệt về nguy cơ tử vong giữa Ý và Đức lên đến 42 lần. Các nước Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ và Hàn Quốc có tỉ lệ tử vong tương đương nhau (khoảng 1%).

Câu hỏi đặt ra là những khác biệt này có ý nghĩa thống kê hay chỉ là dao động... ngẫu nhiên? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải sử dụng đến thống kê học. Tôi sử dụng một phương pháp đơn giản nhất cho phép tính này. Kết quả cho thấy thật sự khác biệt giữa các nước là có ý nghĩa thống kê. Nhưng câu hỏi kế tiếp là nước nào (cụ thể) khác với nước nào?

Bằng phương pháp 'post-hoc test' như trong nghiên cứu genomics, chúng ta thấy các nước như Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc có tỉ lệ tử vong không khác nhau có ý nghĩa thống kê. Nhưng Đức và Ý thì khác nhau về tỉ lệ tử vong, với P < 0.0001.

Chẳng hạn ở Đức, giới chức y tế ghi nhận 12.327 ca nhiễm SARS-CoV-2, nhưng chỉ có 28 người tử vong, với tỉ lệ tử vong là 0,23%. Ở Ý ghi nhận 35.713 ca dương tính, nhưng số ca tử vong lên đến 2.978, tức 8,3%. Tính đến nay, số ca tử vong ở Ý đã cao hơn số ca tử vong bên Trung Quốc. Mức độ khác biệt về nguy cơ tử vong giữa hai nước láng giềng này lên đến 42 lần!

Tại sao có sự khác biệt lớn như thế?

Có người cho rằng lý do Đức có tỉ lệ tử vong thấp là vì họ làm xét nghiệm rất nhiều, do vậy có thể cho ra nhiều kết quả dương tính, mà có lẽ đa phần là những ca nhẹ. Do đó, tỉ lệ tử vong thấp trong điều kiện xét nghiệm nhiều là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, tuy Đức đã làm xét nghiệm cho nhiều người thật (khoảng 12.000 mỗi ngày), nhưng Ý cũng làm xét nghiệm cho rất nhiều người: 148.657 người (tính đến 18/3/2020). Do đó, con số xét nghiệm khó giải thích sự khác biệt về tử vong.

Có lẽ do hệ thống y tế của Đức tốt hơn Ý? Có thể. Nhưng nên nhớ Ý là nước có hệ thống y tế tốt đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới, thậm chí còn cao hơn cả Đức. Do đó, có thể không phải do hệ thống y tế của nước nào tốt hơn có thể giải thích sự khác biệt về tỉ lệ tử vong.

Có thể do gien của người Đức tốt hơn gien của người Ý? Tiếng Anh có chữ 'unlikely' để trả lời cho câu hỏi này (có nghĩa là "không chắc chắn, không khẳng định").

Vậy tại sao có sự khác biệt quá lớn về nguy cơ tử vong giữa các quốc gia? Câu trả lời đơn giản nhất là: KHÔNG BIẾT.

 Đây sẽ là chủ đề cho rất nhiều nghiên cứu trong tương lai. Báo chí gọi là 'mystery' (bí ẩn).

Độ tuổi và bệnh đi kèm

Riêng tôi thì qua phân tích dữ liệu của Trung Quốc trước đây nghi rằng nguyên nhân chính là do khác biệt về độ tuổi và sự phân bố về các bệnh đi kèm rất khác nhau giữa các quốc gia.

GS Nguyễn Văn Tuấn lý giải nguyên nhân các nước có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 khác nhau - Ảnh 4.

Biểu đồ 2: Phân bố số ca tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán ở Ý. Tuổi trung bình lúc tử vong là 79.5. Gần 100% (99%) ca tử vong có những bệnh đi kèm như cao huyết áp (75%), tiểu đường (35%), và bệnh tim mạch (~33%). Nguồn: https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-18/99-of-those-who-died-from-virus-had-other-illness-italy-says

Sau đây là vài con số có thể giải thích cho giả thuyết độ tuổi:

- Theo báo cáo của Viện Richard Koch (Đức), tuổi trung bình của người bị nhiễm là 47, và 80% người bị nhiễm tuổi từ 15 đến 59.

- Còn bên Ý thì tình hình rất khác: tuổi trung bình ở những người bị nhiễm là 63. Tuổi trung bình những người chết là 79,5. Số liệu của Ý còn cho biết 99% ca tử vong có những bệnh đi kèm như cao huyết áp (75%), tiểu đường (35%), và bệnh tim mạch (khoảng 33%).

Như vậy, người bị nhiễm ở Ý có tuổi cao hơn người bị nhiễm ở Đức (63 với 47). Mà, chúng ta biết rằng tuổi càng cao thì nguy cơ tử vong cũng càng cao và điều này có thể giải thích tại sao Ý có số ca tử vong quá cao. Do đó, cao tuổi và bệnh đi kèm là yếu tố nguy cơ tử vong số 1 mà chúng ta phải quan tâm. Bài học là phải kiểm tra và điều trị cả bệnh đi kèm ở những bệnh nhân cao tuổi.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư xuất sắc và Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, và Giáo sư danh dự của Đại học Dược Hà Nội.

Ở Úc, ông là Senior Principal Fellow (chức danh cao nhất trong hệ thống khoa học Úc) và trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Giáo sư Trường Y, Đại học New South Wales (UNSW Sydney) và Giáo sư Y khoa Tiên lượng (Predictive Medicine) thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông đã công bố hơn 300 công trình nghiên cứu trên các tập san nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nature, Science, JAMA, BMJ, Lancet, và New England Journal of Medicine.

Ông là một trong những nhà nghiên cứu y khoa được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông được trao nhiều giải thưởng ở nước ngoài và trong nước về những thành tích khoa học và giáo dục. Năm 2018, ông được bầu làm Fellow của American Society for Bone and Mineral Research (Hiệp hội nghiên cứu xương Hoa Kỳ).

Tham khảo:

[1] https://www.youtube.com/watch?v=biT0_Je3-Dk

[2] https://www.cbc.ca/…/analysis-steven-lewis-why-covid-deadly…

[3] https://www.rki.de/…/…/Situationsberichte/2020-03-19-en.pdf…

[4] https://www.bloomberg.com/…/99-of-those-who-died-from-virus…

[5] https://www.facebook.com/drnguyenvtuan/posts/920264375087547

GS Nguyễn Văn Tuấn lý giải nguyên nhân các nước có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 khác nhau - Ảnh 7.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại