Lý do bế tắc ở “chảo lửa” Idlib, Syria nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thể trông mong vào sự giúp đỡ của Mỹ và NATO

Vũ Thu Hương |

Dù NATO công khai lên án các cuộc không kích của chính quyền ông Assad ở Idlib, Syria và hối thúc Syria tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thể mong đợi liên minh quân sự NATO này kích hoạt điều khoản 5, cơ chế phản ứng quân sự.

Theo National Interest, lệnh ngừng bắn đã bắt đầu ở tỉnh Idlib của Syria sau khi một thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp của ông, Tổng thống Nga Putin ở Moscow hôm 5/3.

Cuộc xung đột ở Idlib leo thang sau khi lực lượng quân đội Syria, dưới sự hậu thuẫn của Nga đã làm thiệt mạng ít nhất 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 2. Đáp trả, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO đã yêu cầu ủy ban Bắc Đại Tây Dương hỗ trợ.

Tuy nhiên, dù NATO công khai lên án các cuộc không kích của chính quyền ông Assad và hối thúc cả Nga và Syria tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thể mong đợi liên minh quân sự này kích hoạt điều khoản 5, cơ chế phản ứng quân sự.

Phản ứng của NATO

Trở lại hồi tháng 10/2019, khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc không kích vào phía Bắc Syria, cả EU và NATO đều hối thúc Ankara kiềm chế và tránh hành động đơn phương có thể dẫn đến sự bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, tổ chức này vẫn lên án cuộc tấn công hồi cuối tháng 2 nhằm vào các nhóm quân của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib sau khi Ankara viện đến điều khoản 4 của tổ chức này.

Theo điều 4, bất cứ đồng minh nào trong tổ chức cũng đều có quyền đề đạt lên ủy ban sự trợ giúp khi thấy sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của nước mình bị đe đọa.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, NATO mới chỉ sử dụng điều khoản 4 này 6 lần và Thổ Nhĩ Kỳ là nước 5 lần "kích hoạt" điều khoản này. Một trong những lần Ankara viện đến điều khoản này là vào năm 2012, sau khi lực lượng Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ankara và khiến 5 thường dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Các đồng minh NATO khi đó đã đồng ý tăng cường hệ thống phòng không để giúp Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ dân cũng như lãnh thổ đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh với Ankara. Nhưng, các đồng minh khi đó cũng không hề thảo luận về khả năng kích hoạt điều 5 mà theo đó sẽ tiến hành cuộc tấn công vũ trang nhằm bảo vệ đồng minh.

Lý do bế tắc ở “chảo lửa” Idlib, Syria nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thể trông mong vào sự giúp đỡ của Mỹ và NATO - Ảnh 2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và nhà lãnh đạo Nga Putin

Phản ứng của NATO trước cuộc tấn công gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ tương tự hồi năm 2012: cũng chỉ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Ankara về mặt chính trị, các đồng minh đồng ý tăng cường hệ thống phòng không để giúp Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ đất nước.

Kể từ năm 2015, NATO đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp hệ thống phòng không, tăng cường sự hiện diện hàng hải cũng như sự chia sẻ thông tin giữa các đồng minh. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận được hơn 5 tỷ USD từ NATO nhằm cải thiện các cơ sở quân sự.

Điều gì chi phối điều khoản 5?

Trong suốt lịch sử 71 năm của mình, NATO mới chỉ kích hoạt điều 5 một lần duy nhất khi phản ứng trước vụ tấn công khủng bố hôm 11/9 ở Mỹ. Bất cứ yêu cầu kích hoạt điều 5 nào cũng đều cần có sự đồng thuận của tất cả 29 quốc gia.

Phạm vi kích hoạt điều 5 được giới hạn theo những quy định của điều 6, trong đó có quy định cụ thể về nơi xảy ra các cuộc tấn công đe dọa.

Cụ thể, điều 5 chỉ áp dụng khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào khu vực nằm ở lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cùng các lực lượng, tàu và máy bay của các thành viên NATO ở biển Địa Trung Hải. Điều 5 không được áp dụng với các trường hợp khi xảy ra cuộc tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở lãnh thổ Syria.

Điều này có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ không thể trông cậy đến điều 5 với sự leo thang căng thẳng ở Idlib. Chỉ khi các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ từ trong Syria hoặc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công ở ngay trên lãnh thổ nước mình hay trên biển Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể viện dẫn Điều 5.

Sự hạn chế của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong vài năm qua, sự gắn kết của liên minh quân sự NATO đã suy yếu, phần do sự thiếu tin tưởng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên của liên minh, phần do sự khác biệt ngày càng lớn trong chiến lược giữa các đồng minh.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước còn lại của NATO bắt nguồn từ một cuộc đảo chính thất bại chống lại chính phủ của ông Erdogan năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể hy vọng vào sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ. Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu thiết lập khu vực cấm bay ở Bắc Syria nhưng điều này cũng không được Mỹ hay NATO quan tâm một cách nghiêm túc vì điều này có thể gây xung đột với lực lượng không quân Nga.

Washington đã không đáp lời chính thức với yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng không Patriot tới biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đặc biệt tỏ ra ngần ngại trong việc hỗ trợ quân sự cho Ankara kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga hồi năm 2017.

Hệ thống vũ khí của Nga được cho là không tương thích với hệ thống phòng không của NATO và cũng gây nguy cơ cho chương trình sản xuất máy bay thế hệ thứ 5 do Mỹ dẫn đầu mà Ankara đã phải rút lui.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại