Virus Vũ Hán có dễ lây lan ở Việt Nam hay không?

BS Trương Hoàng Hưng (Texas Tech University, Texas, Hoa Kỳ) |

Thời gian gần đây trên MXH chia sẻ thông tin không cần quá lo lắng về việc virus corona sẽ lây lan ở Việt Nam vì virus này ở nhiệt độ trên 25 độ C sẽ không phát triển.

Tôi viết bài này để giải thích rõ hơn về tính lây lan của Corona virus nói chung và sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến việc này.

Điều thứ nhất, cần nói rõ là các thông tin khoa học trong bài này đều là dựa trên các nghiên cứu về virus corona đã gây ra dịch SARS năm 2003. Còn về virus VH 2019-nCov thì vì quá mới, chúng ta chưa có đủ nghiên cứu để hiểu rõ 2019-nCov, nên dùng thông tin của virus SARS để gán cho nó.

Thông tin này có chính xác với 2019-nCov hay không thì còn chờ thời gian trả lời. Cho nên chúng ta đừng quá chủ quan với thông tin về virus SARS và tưởng con 2019-ncov cũng giống vậy.

Thứ nhất nhiệt độ trên 20-25C thì virus không phát triển là một phát biểu sai lầm. Virus 2019-ncov không phát triển bên ngoài môi trường ký chủ (động vật hay người) mà sẽ bất hoạt sau một thời gian dài hay ngắn tùy theo điều kiện môi trường. Nhưng trong môi trường ký chủ con người tới 37C thì nó vẫn phát triển tốt.

Virus Vũ Hán có dễ lây lan ở Việt Nam hay không? - Ảnh 1.

Virus corona là loại zoonotic, có nghĩa là sống ở cơ thể động vật chứ không phải người. Tuy nhiên, đôi khi virus này có thể bị biến đổi và có khả năng mới là sống trong cơ thể người. Lúc này chúng sẽ lây lan sang cơ thể người và gây bệnh, đó là một loại virus hoàn toàn mới với cơ thể người.

Nếu chỉ dừng ở đây thì cũng không có gì lo ngại, chúng sẽ gây bệnh ở những người có tiếp xúc trực tiếp với động vật có mang virus này, gây một bệnh dịch quy mô nhỏ và dễ tiêu diệt, chỉ cần tiêu diệt nguồn virus, điều trị cách ly những người mắc bệnh là sẽ dập tắt được dịch.

Nhưng nếu con virus mới này có khả năng lây nhiễm từ người sang người thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và nghiêm trọng hơn. Vì bệnh dịch sẽ lan rộng và nguồn bệnh sẽ khó kiểm soát hơn, đó là chuyện xảy ra với con 2019-nCoV này.

Lây từ người sang người

Virus corona lây nhiễm từ người sang người theo các con đường chính:

- Trực tiếp qua các giọt chất tiết cực nhỏ (droplets) từ đường hô hấp của người bệnh, mỗi lần người bệnh ho hay hắt hơi, hàng chục ngàn các giọt nhỏ li ti này sẽ bay lơ lửng trong môi trường xung quanh khiến người xung quanh hít phải trong phạm vi 3-6 feet (6 feet là cỡ chiều cao của một người trưởng thành khá cao).

Ngoài ra, các giọt chất tiết này có thể bám vào quần áo, đồ vật xung quanh và trở thành con đường thứ hai. Cho nên phải ho, hắt hơi đúng cách (che bằng khuỷu tay hay khăn giấy và rửa tay)

- Gián tiếp qua tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh qua đồ vật, môi trường xung quanh. Ví dụ, như người bệnh lấy tay che miệng khi ho hay hắt hơi, bàn tay đầy mầm bệnh đó cầm lấy tay nắm cửa và để lại một tay nắm cửa đầy virus trên đó.

Sau đó, người kế tiếp và kế tiếp nữa nắm lấy tay nắm cửa, đem virus để lên tay mình, sau đó cho vào miệng, chùi lên mắt, chăm sóc con cái, gieo rắc mầm bệnh cho mình và cả người xung quanh.

Vì vậy rửa tay là phương pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả nhất.

- SARS đã được ghi nhận là có trong phân, nên có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiêu hoá.

Trong các con đường lây nhiễm trên, con đường thứ nhất ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, người bệnh vừa hắt hơi thì người ngồi kế có nguy cơ lây bệnh. Vì vậy, nó sự lây lan của virus sẽ không phụ thuộc vào trời nóng hay lạnh, khô hay ẩm.

Con đường thứ hai sẽ bị tác động bởi môi trường rõ ràng hơn. Đó là vì mức độ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với đồ vật trong môi trường tùy thuộc vào việc con virus sống được bao lâu trong môi trường đó, sống càng lâu, càng dai dẳng thì khả năng lây nhiễm càng cao.

Khả năng tồn tại của corona SARS trong môi trường

Trong các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường càng lạnh và càng khô (độ ẩm thấp) thì virus càng sống lâu.

Nhiệt độ 4 độ C thì virus sống hơn 1 tháng trong môi trường.

Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50% thì virus sống khỏe tới 5 ngày, sau đó sẽ giảm từ từ. Xin chú ý đây là nhiệt độ và độ ẩm điển hình của một căn phòng có điều hòa nhiệt độ.

Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, cho dù độ ẩm tới 80-90% thì virus cũng có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày.

Chỉ khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90% thì virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ, độ ẩm đạt tới 95% thì còn giảm nhanh hơn nữa

Nhiệt độ đạt tới 56 độ C thì virus bị tiêu diệt sau 15 phút, nhưng chúng ta cũng thành khó sống với nhiệt độ này.

Điều này giải thích những xứ không quá nóng và có độ ẩm thấp như: Singapore, Hong Kong thì dễ có dịch hơn các vùng nóng và ẩm như Thailand, Indo, Malaisia.

Điều này cũng giải thích sự lây lan của SARS cũng dễ dàng hơn ở Singapore trong môi trường bệnh viện do điều hòa không khí.

Còn mùa đông ở Mỹ và Canada thì con này sẽ sống dai kinh khủng.

Như vậy con virus SARS khá bền vững và sống khá tốt trong môi trường.

Hà Nội hôm nay 12 độ C, độ ẩm 76%, con SARS sẽ sống tốt trong 4-5 ngày bên ngoài cơ thể.

TPHCM hôm nay 24 độ C, độ ẩm 91%, con SARS sẽ sống tốt khoảng 1 ngày.

Như vậy ai nói nhiệt độ 20-25 độ C thì virus chết là nói bừa, nhiệt độ cỡ Hà Nội hôm nay con này sống 4-5 ngày là bình thường.

Xin nhắc lại đây là số liệu từ con virus SARS, hiện tại chưa có số liệu từ con 2019-nCoV, mà con mới này theo tình hình thì cũng sống dai không kém gì virus SARS.

Người đang ủ bệnh có lây nhiễm không?

Vài ngày trước khi trả lời câu hỏi này thì tôi nói là chưa biết vì virus này quá mới.

Tuy nhiên hôm nay khi ông Ma, người đứng đầu hội đồng y khoa quốc gia Trung Quốc phát biểu rằng, người nhiễm virus này có khả năng lây nhiễm trước khi có triệu chứng, tức là trong thời kỳ ủ bệnh.

Phát biểu này gây nên nhiều nghi ngờ và lo ngại.

Nghi ngờ là ông này không đưa ra số liệu hay bằng chứng cho phát biểu này.

Lo ngại là nếu lời phát biểu này chính xác, thì con virus lần này khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với con SARS lần trước, và các phương pháp cô lập virus và phòng dịch hiện nay không có tác dụng đáng kể.

Điều này có nghĩa là:

Năm người phát hiện nhiễm virus ở Mỹ có thể đã gieo rắc mầm bệnh trên đường tới Mỹ, dù chưa có triệu chứng.

Hai người Trung Quốc phát hiện bệnh ở TP.HCM có thể lây nhiễm bệnh trong suốt hành trình ở Việt Nam.

Tất cả những người từ Vũ Hán đều có thể là nguồn lây bệnh dù chưa có triệu chứng.

Nên nếu ông Ma nói sự thật thì đây là một điểm quan trọng làm thay đổi chiến lược cô lập và phòng chống dịch, nó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Chúng ta cũng đừng quá hoảng sợ, cứ bình tĩnh tránh đám đông nếu không quá cần thiết, nhất là đám đông Trung Quốc, nếu phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang, rửa tay rửa tay và rửa tay.

Links tham khảo:

https://aem.asm.org/content/76/9/2712

https://www.hindawi.com/journals/av/2011/734690/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại