Israel đột phá với vũ khí "viễn tưởng" phòng thủ tên lửa: Iron Dome có thành đồ bỏ xó?

Trịnh Ngọc Tiến |

Vũ khí mới có thể mang lại cho Israel khả năng phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn, vừa giúp giải quyết bài toán chênh lệch chi phí, vừa mang tới nguồn dự trữ đánh chặn gần như vô tận.

Đột phá trong chế tạo vũ khí laser

Vào ngày 8/1, Bộ Quốc phòng Israel đã công bố bước đột phá trong việc phát triển vũ khí laser để ngăn chặn các mối đe dọa từ trên không.

Dấu mốc công nghệ này hứa hẹn sẽ tăng cường cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp của Israel một phương tiện đánh chặn hiệu quả và cung cấp một cơ hội khác cho việc hợp tác nghiên cứu-phát triển lĩnh vực laser quân sự giữa Mỹ và Israel.

Israel đột phá với vũ khí viễn tưởng phòng thủ tên lửa: Iron Dome có thành đồ bỏ xó? - Ảnh 1.

Hệ thống Iron Dome đánh chặn rocket phóng đi từ Dải Gaza. Trong tương lai, hệ thống vũ khí laser sẽ kết hợp với Iron Dome tạo thành một hệ thống đánh chặn hoàn hảo và kinh tế.

Trước đó, năm 2006, Ủy ban quốc phòng của Israel đã khuyến nghị phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Vòm Sắt (Iron Dome) để phòng thủ tên lửa tầm ngắn, đồng thời cũng khuyến nghị các nhà khoa học Israel tiếp tục nghiên cứu và phát triển (R&D) nguồn laser trạng thái rắn cho cùng mục đích.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Israel vào ngày 8/1 cho thấy sự tiên quyết của khuyến nghị đó. Trong thời gian qua, các nhà khoa học và các đối tác công nghệ của Chính phủ Israel đã tập trung nguồn lực để phát triển nguồn laser trạng thái rắn, có khả năng tạo ra chùm tia kết hợp, dựa trên một số mô-đun laser nhỏ hơn, có công suất đủ mạnh để đánh chặn tên lửa đang bay.

Bước đột phá chính liên quan đến sức mạnh và độ chính xác của chùm tia laser đó là khi Bộ Quốc phòng Israel (MoD) thông báo rằng thiết bị của họ đã có thể phá hủy mục tiêu đang bay và tập trung được chùm tia từ xa.

Sau thông báo của mình, MoD đã đưa ra 3 chương trình phát triển laser quân sự phối hợp với các đối tác công nghệ của Israel. Hai chương trình đầu tiên tập trung vào việc sản xuất một thiết bị laser trên mặt đất, hoạt động như một phần bổ sung cho hệ thống Iron Dome và một thiết bị laser gắn trên xe để bảo vệ các lực lượng di chuyển.

Chương trình thứ ba, có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển một phiên bản có thể bảo vệ các khu vực lớn hơn trước sự uy hiếp của các mối đe dọa từ trên không.

Thiếu tướng Yaniv Rotem, người đứng đầu các dự án nghiên cứu và phát triển quân sự của Bộ Quốc phòng Israel dự báo, có thể Israel sẽ đạt được bước đột phá trong việc tạo ra súng laser ngay trong năm nay.

Để minh chứng cho lời nói của mình, Rotem muốn khẳng định đây là một vũ khí thực thụ, chứ không còn ở trên dự án.

Ông cũng nhấn mạnh công nghệ này có thể cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn, mặc dù kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm cũng như chế tạo các thiết bị quang học, cơ học và nguồn phát laser rất đắt đỏ. Tuy nhiên, chi phí cho một lần bắn laser là không đáng kể.

Do đó, một khi được đưa vào hoạt động, khả năng này có thể giúp giải quyết bài toán chênh lệch về chi phí. Ví dụ, hiện nay Israel đang phải sử dụng các loại tên lửa rất đắt tiền của hệ thống Iron Dome để đánh chặn tên lửa không điều khiển hoặc đạn súng cối rất rẻ tiền của lực lượng du kích Hezbollah, phóng từ lãnh thổ Liban vào Israel.

Ngoài ra, công nghệ laser này có thể cung cấp cho Israel một nguồn dự trữ đánh chặn gần như vô tận cho một số nhiệm vụ nhất định, miễn là các lực lượng quân sự được cung cấp đủ nguồn điện.

Vẫn chưa có thể áp dụng đại trà

Mặc dù có những lợi thế đáng kể nhưng trái với một số báo cáo công khai ban đầu, thực tế kỹ thuật laser hiện tại cũng có một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, công nghệ laser sẽ không có khả năng phá hủy mục tiêu ở tốc độ ánh sáng, mặc dù chùm tia laser sẽ tiếp cận mục tiêu với tốc độ ánh sáng, di chuyển đến mục tiêu nhanh hơn nhiều so với tên lửa đánh chặn động học truyền thống.

Tuy nhiên, nguồn tia laser nó sẽ cần "ở lại" mục tiêu trong vài giây thì mới có thể phá hủy được nó. Lượng thời gian cần thiết "ở lại" sẽ phụ thuộc vào các điều kiện như khoảng cách, công suất chùm tia, điều kiện khí quyển, bản chất của mục tiêu và vị trí chính xác của tia laser trên mục tiêu.

Thứ hai, một hệ thống laser không thể một lúc tiêu diệt được nhiều mục tiêu như các hệ thống đánh chặn truyền thống.

Một hệ thống Iron Dome trong một thời điểm có thể theo dõi và phóng một hoặc nhiều tên lửa đánh chặn để ngăn chặn một hoặc nhiều mục tiêu đang bắn đến. Song, một nguồn tia laser có thể chỉ có thể tiêu diệt một mục tiêu tại một thời điểm. Do vậy, để đối phó với nhiều mục tiêu một lúc, phải có nhiều nguồn laser bắn lên.

Tất nhiên, người ta có thể sử dụng nhiều nguồn tia nhưng thiết bị cần thiết để tạo ra nhiều nguồn tia laser sẽ tốn kém nhiều kinh phí. Do đó, công nghệ laser này, ít nhất là cho đến nay, chưa phù hợp để chống lại các cuộc tiến công ồ ạt bằng tên lửa của đối phương.

Do những thách thức liên quan đến chi phí, trọng lượng và khả năng cơ động, việc ứng dụng trước mắt đạt tính hiệu quả và tiết kiệm nhất của công nghệ mới này là kết hợp giữa vũ khí laser với hệ thống Iron Dome.

Nếu được thực hiện thành công, công nghệ này sẽ tăng cả khả năng và hiệu suất của hệ thống Iron Dome - cho phép Quân đội Israel sử dụng các hệ thống Iron Dome đắt tiền hiệu quả hơn, khi nào dùng Iron Dome và khi nào dùng súng laser.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đạt được tiến bộ trong công nghệ vũ khí laser. Các quân chủng Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến đã bắt đầu thử nghiệm vũ khí laser để tiêu diệt máy bay không người lái.

Israel đột phá với vũ khí viễn tưởng phòng thủ tên lửa: Iron Dome có thành đồ bỏ xó? - Ảnh 2.

Một thí nghiệm vũ khí laser tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ

Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công một hệ thống laser có khả năng bắn hạ tên lửa, thiết bị được thiết kế để có thể gắn trên máy bay. Hiện nay công nghệ hiện tại cho nguồn laser bị giới hạn ở mức độ từ 50-150 kilowatt, nguồn công suất này chỉ có khả năng phá hủy máy bay không người lái và một số tên lửa chiến thuật.

Việc Israel kết hợp hệ thống laser với hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp Iron Dome có thể liên quan đến Quân đội Mỹ, vì Quân đội Mỹ đã nhận được hai hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome và Israel thường xuyên chia sẻ công nghệ quân sự với đồng minh Mỹ.

Bước tiếp theo trong công nghệ vũ khí laser là tăng công suất súng laser để có thể phá hủy được các mối đe dọa cao hơn, hiện có trong kho vũ khí của quân đội Nga, Trung Quốc và Iran. Nếu quá khứ là mở đầu, thì tương lai sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Khi các công nghệ dường như mãi mãi là khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực, điều quan trọng là Mỹ và Israel phải đưa được các ứng dụng này trước các đối thủ của họ. Với khả năng tài chính và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực laser, rõ ràng Mỹ và Israel có thể thực hiện vấn đề đó tốt nhất cùng nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại