Thế lực vô hình dẫn đường cho Iran phát triển tên lửa khiến Mỹ-Israel lo sợ

Lâm Vy |

Không chỉ sao chép một số mẫu tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, Iran có vẻ còn đang áp dụng các chiến thuật mà Bắc Kinh phát triển để vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Đài Loan.

Những đột phá của Iran trong lĩnh vực tên lửa

Theo Strategy Page, đầu năm 2019, Iran đã tiết lộ một loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mới tên là Dezful, có tầm bắn 1.000km. Tehran cũng đồng thời tuyên bố họ sản xuất phần lớn tên lửa ở các nhà máy ngầm dưới lòng đất để tránh các vụ không kích.

Dezful đã hoàn thành các bài thử nghiệm và được đưa vào trang bị của Iran cuối năm 2019. Nó có vẻ là bản nâng cấp của tên lửa Zolfaghar (ra mắt đầu năm 2016), có tầm bắn 750km. Cuối năm 2018, ít nhất 1 tên lửa Zolfaghar đã được bắn đi từ Iran để tấn công các mục tiêu IS ở Syria. Sự kiện này đã xác nhận tầm bắn 750km của nó.

Thế lực vô hình dẫn đường cho Iran phát triển tên lửa khiến Mỹ-Israel lo sợ - Ảnh 1.

Tên lửa Dezful của Iran. Ảnh: Defense Post

Những nỗ lực của Israel và Mỹ nhằm khai thác được nhiều thông tin hơn về hoạt động của tên lửa Zolfaghar tại Syria đã cho thấy tên lửa này không đạt được độ chính xác như Iran tuyên bố. Kết quả điều tra sâu hơn còn phát hiện ra rằng nó không đáng tin cậy cho lắm. Hiện chưa rõ Iran có bao nhiêu tên lửa Zolfaghar, nhất là vì tên lửa này còn khó sản xuất.

Năm 2017, người ta phát hiện thấy tên lửa Zolfaghar có kích cỡ tương tự tên lửa Fateh-313 mà Iran đã chế tạo trước đó (tầm bắn 500km), và phần thân của Zolfaghar không được làm từ thép như các mẫu tên lửa cũ, mà làm từ sợi carbon nhẹ hơn nhiều. Điều đó đã giúp tăng 40% tầm bắn cho tên lửa.

Ban đầu, cả tên lửa Fateh-313 và Zolfaghar được cho là đã gia tăng tầm bắn nhờ sử dụng các motor rocket nhiên liệu rắn với kích cỡ lớn hơn và công suất cao hơn. Iran đã nhanh chóng chuyển từ các loại rocket nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn nhưng họ vẫn khó làm chủ được công nghệ.

Thế lực vô hình dẫn đường cho Iran phát triển tên lửa khiến Mỹ-Israel lo sợ - Ảnh 2.

Tên lửa Zolfaghar. Ảnh: missiledefenseadvocacy.org

Mỹ đã bắt đầu quá trình chuyển đổi này từ những năm 1950 và họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sản xuất được các tên lửa nhiên liệu rắn đáng tin cậy và hiệu quả. Biết được chính xác tỷ lệ hỗn hợp và kỹ thuật sản xuất là việc không hề dễ dàng.

Các motor rocket nhiên liệu rắn có chi phí duy trì thấp hơn và thu ngắn quá trình chuẩn bị cho tên lửa xuống còn chưa đầy 30 phút (một số loại tên lửa nhiên liệu lỏng như Scud phải mất tới vài giờ chuẩn bị).

Iran đã đầu tư nhiều công sức phát triển các motor rocket nhiên liệu rắn chất lượng cao hơn. Không mấy ai để ý tới những gì họ đã làm với các vật liệu sợi carbon. Iran còn được cho là đã nhập khẩu nhiều công nghệ liên quan tới các hệ thống dẫn đường.

Điều đó khiến Tehran mong mỏi được được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, bởi các loại rocket nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường phụ thuộc rất nhiều vào những sản phẩm nhập khẩu.

Những thiết bị này có thể được nhập lậu nhưng chi phí của chúng đắt đỏ hơn nhiều. Các biện pháp trừng phạt đã làm giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ của Iran trong khi đó là nguồn ngoại tệ chủ lực mà nước này cần có để chi trả cho các loại hàng hóa nhập khẩu hoặc nhập lậu.

Các bản sao của tên lửa Trung Quốc

Strategy Page cho hay, Iran bắt đầu chuyển sang dùng nhiên liệu rắn vào năm 2002, khởi đầu với tên lửa Fateh 110. Đây là bản sao của tên lửa đạn đạo DF-11 Trung Quốc (từ những năm 1980, tầm bắn 300km, đầu đạn 800kg).

Các phiên bản tiếp theo của Fateh cũng theo tiến trình phát triển của dòng DF-11/15 của Trung Quốc, bao gồm cải tiến tăng cường hệ thống dẫn đường GPS (của Mỹ hoặc Trung Quốc) nhằm bổ trợ cho hệ thống dẫn đường quán tính.

Thế lực vô hình dẫn đường cho Iran phát triển tên lửa khiến Mỹ-Israel lo sợ - Ảnh 3.
Thế lực vô hình dẫn đường cho Iran phát triển tên lửa khiến Mỹ-Israel lo sợ - Ảnh 4.

Tên lửa Fateh-110 của Iran (trên) và DF-11 của Trung Quốc (dưới). Ảnh: sinodefence

Iran có vẻ còn đang áp dụng các chiến thuật tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc phát triển để vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Đài Loan trong những giờ đầu của cuộc chiến tranh (nếu có).

Chiến thuật này đòi hỏi sử dụng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Con số tăng từ 200 tên lửa vào năm 2000 lên 800 vào năm 2004 và 1.300 vào năm 2008. Phần lớn trong đó là các tên lửa DF-11 và DF-15.

Khoảng cách từ bờ biển Trung Quốc, qua eo biển Đài Loan, tới các mục tiêu ở Đài Loan là khoảng 200-300km. Khoảng cách từ Iran tới các mục tiêu then chốt ở Saudi Arabia hoặc các quốc gia dầu mỏ Ả Rập khác cũng tương tự.

Các tên lửa Trung Quốc sẽ dùng đầu đạn nổ mạnh hoặc đầu đạn bom chùm – chúng, về cơ bản, là loại bom thả từ máy bay nhưng khi bắn từ tên lửa, chúng trở nên khó đánh chặn hơn.

Vì lý do đó, Đài Loan đang đầu tư vào một hệ thống phòng thủ có khả năng vô hiệu hóa phần lớn các tên lửa của Trung Quốc, và các quốc gia Ả Rập nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran cũng đang tiến hành điều tương tự.

Nếu được sử dụng, có lẽ 75% tên lửa Iran sẽ đánh trúng mục tiêu định sẵn. Số còn lại sẽ gặp trục trặc về hệ thống đẩy hoặc hệ thống dẫn đường. Mỗi tên lửa tương đương với nửa tấn hoặc một tấn bom máy bay.

Năm 2011, Iran tuyên bố đã phát triển một loại tên lửa chống tàu tên lửa Khalij Fars (có tầm bắn 300km) dựa trên mẫu Fateh 110. Tuyên bố này hàm ý rằng Iran đã phát triển một loại tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các con tàu đang di chuyển trên biển.

Trung Quốc cũng tuyên bố phát triển công nghệ này, với tên lửa DF-21D. Song, cho đến này, chưa có bên nào chứng minh được tên lửa chống tàu của họ thực sự có hiệu quả.

Một vấn đề nữa, đó là không có bằng chứng nào cho thấy Iran đã phát triển các hệ thống dẫn đường chính xác và đáng tin cậy cho những tên lửa này, và cho tới nay, vẫn chưa có tên lửa nào được sử dụng trong thực chiến.

Israel đã tiến hành nhiều hoạt động tình báo để có được thông tin về các loại tên lửa đạn đạo của Iran. Tel Aviv không công bố về những gì họ đã phát hiện được nhằm giữ bí mật các nguồn tin và phương thức khai thác của mình.

Tuy nhiên, một số nguồn tin rò rỉ đã cho thấy việc kiểm soát chất lượng đối với các loại tên lửa tiên tiến hơn của Iran, như Zolfaghar và Dezful rất thất thường và chúng thậm chí rất khó sản xuất với số lượng lớn.

Các nguồn tin này còn cho biết thêm rằng, hàng trăm cuộc không kích của Israel nhằm vào những lô tên lửa Iran vận chuyển tới Syria và Lebanon đã phá hủy rất nhiều tên lửa Fateh 110, cùng các bộ kit nâng cấp cho những loại tên lửa thế hệ cũ hơn và có tầm bắn ngắn hơn.

Bên cạnh đó, Israel đã ra mắt hệ thống phòng không David’s Sling vào năm 2016, có thể đánh chặn hiệu quả hơn các loại rocket có dẫn đường của Iran. Trong quá trình phát triển kéo dài hơn 1 thập kỷ, David’s Sling được thiết kế để trở thành bản nâng cấp của các tổ hợp Patriot (Mỹ chế tạo) mà Israel hiện có trong biên chế.

Strategy Page nhận định, nếu Israel có thể phá hủy được số lượng đủ lớn các loại rocket dẫn đường, cũng như tên lửa đạn đạo mà Iran đang/đã vận chuyển tới Syria và Lebanon thì khi chiến tranh nổ ra, hệ thống phòng thủ David’s Sling có thể xử lý những tên lửa mà các cuộc không kích của Tel Aviv đã bỏ lỡ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại