Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì 'mất mặt', quá mức lại 'mất mạng'

SONG HY |

Iran có nhiều cách để đáp trả Mỹ, nhưng khả năng leo thang tới một cuộc chiến tổng lực giữa 2 nước là không cao.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ở mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979.

Không lâu sau khi Lầu Năm Góc xác nhận quân đội Mỹ không kích tiêu diệt Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds theo chỉ thị của Tổng thống Trump, Iran thề sẽ đáp trả.

Nhưng không rõ Iran sẽ báo thù khi nào và bằng cách nào. Dưới đây là một số lựa chọn của Tehran:

Sức mạnh quân sự

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Trump đều khẳng định họ không ngán đối thủ nhưng không ai cho thấy họ hứng thú với một cuộc chiến tổng lực.

Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì mất mặt, quá mức lại mất mạng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ không kích Tướng Qassem Soleimani. (Ảnh: Twitter)

Tuy nhiên theo Reuters, không thể loại trừ khả năng đối đầu quân sự. Trong trường hợp đó, ông Khamenei sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Nếu ông kêu gọi kiềm chế, nhiều người sẽ chỉ trích vị lãnh tụ tối cao của Iran e sợ Mỹ.

Nhiều chuyên gia tin rằng 2 bên sẽ tiếp tục đưa nhau vào cuộc giao tranh nhỏ, cục bộ thay vì cùng dắt tay nhau vào chiến tranh toàn diện đầy rủi ro.

Theo ông Karim Sadjadpour, chuyên gia chính trị Iran, ông Khamenei cần phải rất cẩn trọng với cách thức phản ứng của mình trong một thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

"Phản ứng yếu kém thì có nguy cơ mất mặt, nhưng phản ứng quá mức lại có nguy cơ mất mạng. Ông Khamenei đang là đối thủ quốc tế có ảnh hướng nhất đối với Tổng thống Trump trong năm 2020", ông Sadjadpour cho hay.

Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ hồi tháng 12, sức mạnh quân sự của Iran dựa vào 3 nòng cốt chính là chương trình tên lửa đạn đạo, lực lượng hải quân có thể đe dọa hàng hải ở vùng Vịnh giàu dầu mỏ và các lực lượng dân quân ở các nước như Syria, Iraq và Lebanon.

Iran cũng không ít lần khoe rằng họ có tên lửa dẫn đường chính xác, tên lửa hành trình và máy bay không người lái có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở vùng Vịnh và tiếp cận đối thủ của Iran cũng là đồng minh của Mỹ là Isreal.

Một trong số vũ khí đáng gờm nhất mà Tehran đang nắm trong tay là tên lửa đạn đạo Shahab tầm bắn 2.000 km có thể mang theo nhiều đầu đạn.

Để trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, Tehran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể tấn công vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và Biển Đỏ - tuyến vận chuyển dầu mỏ và thương mại toàn cầu nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải qua Kênh đào Suez.

Phong tỏa eo biển Hormuz

Một cuộc đối đầu quân sự hoặc các động thái gia tăng căng thẳng có thể ngặn dòng chảy dầu lưu thông qua eo biển Hormuz, nơi hơn 1/5 nguồn cung dầu lửa toàn cầu hàng năm phải đi qua.

Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì mất mặt, quá mức lại mất mạng - Ảnh 2.

Iran là một trong những quốc gia nằm bên eo biển Hormuz. (Ảnh: Bloomberg/CNBC)

Sự gián đoạn này dù trong một thời gian ngắn có thể ảnh hưởng tới Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Iran không thể đơn phương phong tỏa eo biển này vì một phần của nó nằm trong vùng lãnh hải của Oman. Nhưng các tàu đi qua vùng biển Iran sẽ rơi vào tầm giám sát của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Giới chức Mỹ từng cảnh báo rằng việc đóng cửa Hormuz là động thái vượt lằn ranh đỏ và Washington sẽ có động thái mạnh tay để mở lại nó.

Tehran cũng có thể sử dụng tên lửa và máy bay không người lái, thủy lôi, tàu cao tốc và bệ phóng tên lửa ở vùng Vịnh để đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Trong những năm gần đây, các cuộc đối đầu giữa hải quân Iran và quân đội Mỹ ở vùng Vịnh vẫn đang âm ỉ diễn ra.

Cậy nhờ lực lượng ủy nhiệm

Việc Washington tiêu diệt Tướng Soleimani có thể gây nguy hiểm cho các lực lượng Mỹ đóng quân tại Trung Đông. Iran chủ yếu dựa vào các chiến thuật bất đối xứng và lực lượng của mình để chống lại các vũ khí tinh vi hơn của Mỹ.

Iran nhiều năm qua liên tục chuyển giao máy bay không người lái cho các đồng minh. Lực lượng Houthis do Tehran hậu thuẫn từng sử dụng tên lửa và máy bay không người lái do Iran sản xuất để tấn công các mục tiêu ở Ả-rập Xê-út, đối thủ chính của Tehran trong khu vực.

Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn cũng từng sử dụng súng cối và tên lửa để tấn công các căn cứ có lực lượng quân đội Mỹ đồn trú.

"Họ có thể tấn công Israel hoặc Ả-rập Xê-út bằng các lực lượng ủy nhiệm của mình như Hezbollah ở Lebanon hoặc Houthis ở Yemen. Ả-rập Xê-út từng cho thấy họ dễ bị tổn thương như thế nào trước các đòn tấn công của Iran hoặc các lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Họ cũng có thể đâm vào yết hầu Israel thông qua việc cung cấp tiền và đạn dược cho các nhóm khủng bố ở biên giới Israel, điều mà ông Soleimani từng làm rất thành công khi còn sống", Behnam Ben Taleblu, chuyên gia từ Tổ chức Bảo vệ Dân chủ có trụ sở ở Washington bình luận.

Câu giờ

Theo ông Ali Alfoneh, thành viên cao cấp tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả-rập ở Washington, khả năng Iran lập tức đưa ra phản ứng đáp trả là rất nhỏ.

Ông này tin rằng Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả thù cho cái chết ở Soleimani, nhưng họ vẫn đang kiên nhẫn tính kế.

Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì mất mặt, quá mức lại mất mạng - Ảnh 3.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh: Getty)

Trong khi đó, ông Philip Smyth, một chuyên gia về quan hệ Mỹ và Trung Đông tại Trường Đại học Washington nhận định Iran từ lâu vốn đã kiên nhẫn và họ sẽ lên kế hoạch đáp trả theo thời gian biểu của mình.

"Luôn có khả năng họ không làm gì cả để chờ đợi tới một thời điểm thích hợp. Họ hiểu rằng chúng ta, toàn bộ phương Tây thường tập trung chú ý vào một vấn đề gì đó nhưng không kéo dài. Cách Iran phản ứng phụ thuộc vào những gì họ muốn làm và hiệu quả mà họ muốn phát huy vì lợi ích chiến lược lớn hơn", ông này phân tích.

Theo ông Karim Sadjadpour, một chuyên gia Trung Đông thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, đòn đáp trả khả dĩ nhất với Iran hiện nay là phát động các cuộc tấn công ủy nhiệm chống lại các lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực và thậm chí tên toàn cầu. Iran có một lịch sử lâu dài về các cuộc tấn công như vậy ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Chính sách không đối đầu

Các nhà lãnh đạo Iran trong quá khứ luôn cố giữ cánh cửa ngoại giao mở để đạt được các mục tiêu của mình, đặc biệt là khi nền kinh tế nước này đang bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Người Iran và Mỹ từng có những cái bắt tay trong quá khứ ở Afghanistan, Iraq và những nơi khác. Họ có lợi ích chung và kẻ thù chung. Một cuộc đối đầu quân sự sẽ gây tốn kém cho cả 2 bên. Nhưng ngoại giao có thể giải quyết được nhiều vấn đề và đó là một lựa chọn", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giai cấp cao trong khu vực cho hay.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammaed al-Halbousi mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm căng thẳng tại Iraq cũng như trong khu vực. Đây được xem là một lời gợi mở của một cánh cửa ngoại giao.

Trong khi nhiều người dự đoán về kịch bản Thế chiến III, 40 năm qua chứng minh rằng những gì quan trọng nhất với Iran là sự sống còn của họ.

"Tehran có thể không đủ khả năng cho một cuộc chiến toàn diện với Mỹ trong khi phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế khó khăn và sự hỗn loạn nội bộ, đặc biệt là khi không có Soleimani", ông Sadadadour cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại