Đánh chìm tàu, nã bom căn cứ là có thể hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD? Trung Quốc cần "tỉnh mộng"

QS |

Bắc Kinh cần một chiến lược tốt hơn nếu muốn hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-Thái Bình Dương.

Loại bỏ Mỹ không hề dễ dàng

Nhiều nhà quan sát tin rằng Trung quốc đang xây dựng quân đội, đặc biệt là hải quân, để xuyên phá vào các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, “hất cẳng” Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, các động thái bành trướng quân đội của Trung Quốc trong khu vực được xem là mối đe dọa lớn đối với an ninh và các lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, theo tờ Foreign Policy, có một vấn đề lớn về ngôn ngữ được sử dụng ở đây.

Các cụm từ như “đẩy Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương”, “bành trướng quân sự của Trung Quốc ở châu Á” hay “xuyên phá hai chuỗi đảo” đều tạo ra hình ảnh của một “quá trình vật chất” liên quan tới việc Trung Quốc gây ra áp lực quân sự cho binh lính và các căn cứ Mỹ tại châu Á-TBD, cho tới khi họ không còn có thể kháng cự và buộc phải rời đi.

Trên thực tế, cả mục tiêu và quá trình ở đây đều có sự khác biệt, và nếu các nhà chiến lược Mỹ không điều chỉnh lại cách họ nghĩ về điều đó, thì họ có thể sẽ đi tới những kết luận nguy hiểm.

Đây không phải là một kết quả “vật chất”, mà là một kết quả mang tính chính trị. Nó không chỉ đề cập tới các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Mỹ không có các căn cứ quân sự thường trực ở Philippines nhưng do hiệp ước bảo vệ lẫn nhau giữa hai phía, lực lượng Mỹ sẽ phải bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công.

Mục đích của Trung Quốc không phải chỉ nhằm loại bỏ lực lượng và thiết bị Mỹ trong khu vực, mà thậm chí là ngăn các đợt triển khai xoay vòng, hoặc các cuộc diễn tập chung của Mỹ tại châu Á-TBD.

Họ muốn hạn chế hoặc loại bỏ tầm ảnh hưởng của Washington đối với các quốc gia trong khu vực, thông qua việc hủy bỏ hiệp ước quốc phòng giữa các phía và Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó cam kết Mỹ sẽ ủng hộ sự phòng vệ của hòn đảo này.

Điều này không có nghĩa Trung Quốc đang tìm cách tách bỏ hoàn toàn Mỹ với các quốc gia châu Á-TBD: họ vẫn thấy chấp nhận được nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động thương mại, hoặc các công ty Mỹ đầu tư vào khu vực này.

Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc là kiềm chế sức ảnh hưởng của Washington tới mức mà nước này sẽ không tìm cách thử thuyết phục hoặc thậm chí không thể thuyết phục chính phủ các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực tiến hành các biện pháp chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như ngăn cấm công nghệ thế hệ 5 của Huawei.

Sẽ có lợi cho Bắc Kinh một chút nếu lực lượng Mỹ rời khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng hiệp ước giữa các phía vẫn có hiệu lực.

Chỉ cần Washington vẫn là đối tác chính của hai nước này, chính phủ Mỹ vẫn có đủ khả năng thuyết phục Tokyo và Seoul tiến hành các biện pháp chống Trung Quốc, ví dụ như hạn chế các công ty công nghệ của Trung Quốc mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ngay cả khi sự cam đoan của lực lượng Mỹ - đóng vai trò như “dây bẫy” chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh - không còn nữa.

Tại cả Bắc Kinh và Washington, vẫn có những ý kiến tin rằng, nếu Trung Quốc thiết lập được ưu thế quân sự vượt Mỹ trong khu vực, thì Bắc Kinh sẽ có khả năng hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa ưu thế quân sự thành sức ảnh hưởng về mặt chính trị khó nhằn hơn nhiều so với bề ngoài.

Đánh chìm tàu, nã bom căn cứ là có thể hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD? Trung Quốc cần tỉnh mộng - Ảnh 1.

Quân đội Trung Quốc biểu dương lực lượng trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh. Ảnh: Getty

Các đồng minh sẽ không bỏ rơi Washington

Hãy tưởng tượng đây là năm 2025, quân đội Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn và xông xáo hơn, trong khi Mỹ không thể bắt kịp họ ở châu Á-TBD. Nhiều tổ chức tư vấn và chuyên gia cảnh báo rằng cán cân quân sự đã nghiêng về phía Trung Quốc và trong trường hợp nổ ra chiến tranh, có khả năng Trung Quốc sẽ thắng thế.

Nhưng liệu các đồng minh của Mỹ, từ Seoul tới Canberra, có quyết định bỏ rơi Mỹ và kết liên minh với thế lực bá quyền đang trỗi dậy, đáp ứng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Hoa Đông như Senkaku/Điếu Ngư? Hay liệu họ sẽ sát cánh bên Mỹ, tăng cường năng lực quân đội và củng cố các liên minh quân sự khác?

Các đồng minh của Mỹ và cả những quốc gia trung lập ở châu Á-TBD đều lo ngại sức mạnh ngày càng gia tăng và những yêu sách địa-chính trị của Trung Quốc. Điều này đang xảy ra ngay cả khi cán cân sức mạnh vẫn nghiêng về phía Washington.

Nếu Trung Quốc trở nên mạnh hơn thì họ sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn. Những quốc gia nhỏ bé, nếu phải chiến đấu một mình, sẽ có thể phải chấp nhận bất cứ yêu sách nào của Bắc Kinh, và họ sẽ không có cơ hội chiến thắng nếu nổ ra một cuộc xung đột quân sự song phương.

Dù có yếu hơn đi nữa thì Mỹ vẫn sẽ là hy vọng duy nhất của những nước này trong một môi trường địa-chính trị bất lợi như vậy. Một Trung Quốc hung hăng hơn cũng sẽ thúc đẩy chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế chống lại họ. Các hành động bành trướng quân sự không thể giúp Bắc Kinh đạt được những mục tiêu của mình.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải rời khỏi khu vực châu Á-TBD theo 2 kịch bản: Một là Trung Quốc lấn lướt sự hiện diện của Mỹ trong khu vực tới mức sức mạnh của Bắc Kinh không thể bị chiếm lĩnh, và thứ hai là Bắc Kinh giành được một chiến thắng quân sự mang tính quyết định.

Trong kịch bản đầu tiên, Mỹ phải suy yếu tới mức các nhà hoạch định quân sự trong khu vực không còn tin rằng họ có thể khiến Trung Quốc phải trả giá.

Kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc giao tranh quân sự, Trung Quốc sẽ buộc các quốc gia châu Á-TBD phải cắt đứt liên hệ với Mỹ. Song, khả năng chính phủ Mỹ để cho một lỗ hổng khổng lồ như vậy xuất hiện là rất thấp.

Ở kịch bản còn lại, Trung Quốc cần có một chiến thắng quân sự rõ ràng trước Mỹ, và chiến thuật đơn thuần không đủ để Bắc Kinh đạt được điều đó.

Nếu Trung Quốc đánh bại liên minh Mỹ-Nhật bằng cách đánh chìm một số con tàu hoặc đánh bom một số căn cứ, dẫn tới thỏa thuận ngoại giao cho phép Bắc Kinh kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư thì liệu chính phủ Nhật Bản sau đó có từ bỏ hiệp ước quốc phòng với Mỹ và phó mặc cho Bắc Kinh hay không? Điều này không có ý nghĩa chiến lược nào cả.

Trái lại, Nhật Bản sẽ có xu hướng tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và có thể phát triển năng lực hạt nhân để răn đe hơn nữa các mối đe dọa từ trung Quốc.

Chỉ có một thất bại tàn khốc của Mỹ trong cuộc xung đột toàn diện, đe dọa bùng nổ chiến tranh hạt nhân, mới có thể giúp Bắc Kinh đạt được thứ mà họ khao khát. Tuy nhiên, đi đến chiến tranh hạt nhân là điều mà Trung Quốc, cũng như bất cứ quốc gia nào khác, đều không mấy mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại