Ngày 5 xử vụ AVG: Con rể cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hứa 8h sáng thứ 2 sẽ nộp 12,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Hoàng Đan |

Theo luật sư Phạm Công Hùng, phía gia đình và những người bạn của bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gom được 12,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

17h30 phiên toà tạm dừng.  Thứ 2, ngày 23/12, toà sẽ tiếp tục mở vào 8h với phần tự bào chữa của các bị cáo còn lại.

Con rể bị cáo Son: "Hôm nay thứ 7 nên cơ quan thi hành án nghỉ"

16h40: Thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, HĐXX đã nhận được bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son. Theo đó, trong bức thư, bị cáo Son cho hay, gia đình ông đã khắc phục được 12 tỷ đồng và còn 55 tỷ đồng. 

Hiện bị cáo Son cũng động viên gia đình tiếp tục khắc phục trước ngày 26/12. Sau câu hỏi của thẩm phán Toàn hỏi có người nhà gia đình bị cáo Son có ai không? Anh Trần Văn Hưng (con rể của bị cáo Nguyễn Bắc Son) đứng dậy nêu ý kiến. 

Thẩm phán Toàn cho biết, đã nhận được thư của bị cáo Son gửi cho gia đình và đã công bố nên sẽ gửi lại gia đình để cố gắng khắc phục. “Được sự quan tâm, hướng dẫn của tòa, gia đình xin ghi nhận và về sẽ truyền đạt với gia đình để có thời gian nhanh nhất cố gắng khắc phục”, anh Hưng trả lời. 

Con rể ông Son thông tin thêm: “Sáng nay, gia đình cũng đi làm việc theo tâm nguyện của bố vợ tôi. Gia đình cũng đã lên trực tiếp thi hành án nhưng do hôm nay thứ 7 nên cơ quan thi hành án nghỉ. Gia đình đã gom được 12,5 tỷ đồng và rút tài khoản rồi nhưng hứa 8h sáng thứ 2 sẽ nộp. Qua sự việc như vậy, gia đình sẽ hết sức phối hợp”

Sau lời con rể ông Son, thẩm phán Toàn đề nghị, cần mang biên lai nộp tiền đến tòa để nộp.

Luật sư Vũ Xuân Nam bào chữa cho cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu quan điểm, cho dù thân chủ và bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng không bằng sự chủ động khắc phục của ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG). Vị luật sư này cho rằng, giả sử, ông Vũ và gia đình không khắc phục thì ông nghĩ mức án đề nghị của các bị cáo trong phiên tòa này sẽ không như thế này mà khả năng sẽ nặng hơn nhiều... 

Do đó, luật sư Nam bày tỏ, các bị cáo trong vụ án cần ghi nhận điều này. 

"Cá nhân tôi cám ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền, thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người, và mức án cũng không thể như VKS đề xuất. VKS cũng ghi nhận hết rồi và tôi nghĩ rằng những người ở đây cũng phải ghi nhận việc này", luật sư Nam nói.

HĐXX đưa thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son cho con rể

Đây là biến cố bi thảm của cuộc đời tôi

Bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT

14h35: Bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT được yêu cầu đứng lên trình bày phần tự bào chữa.

Mở đầu phần tự bào chữa, bị cáo Trương Minh Tuấn bày tỏ, mong được gửi lời xin lỗi đến nhân dân, Đảng, Nhà nước, ngành vì những vi phạm của ông đã gây ra những ảnh hưởng rất xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, cán bộ ngành, đơn vị từng công tác.

Ngày 5 xử vụ AVG: Con rể cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hứa 8h sáng thứ 2 sẽ nộp 12,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả - Ảnh 4.

Bị cáo Trương Minh Tuấn trình bày phần tự bào chữa.

Ông nói, suốt hơn 41 năm công tác, cả cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi, cống hiến và sẵn sàng tham gia bất cứ nhiệm vụ nào ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất…

"Tôi vẫn nghĩ mình phải phấn đấu làm cho tốt trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên nhưng không ngờ vi phạm của mình để có ngày hôm nay, phải đứng trước phiên tòa này, nói những lời tự bào chữa cho mình.

Đây là những lời cay đắng nhất, biến cố rất cay đắng, biến cố bi thảm của cuộc đời tôi. Sự kiện, vụ án này coi như một hiện tượng thiên nga đen, tức là xác suất cực nhỏ nhưng hậu quả tác hại cực lớn, ảnh hưởng rấy lớn đến dư luận, xã hội, uy tín của Đảng, cán bộ, công chức…", ông Tuấn nêu.

Cựu Bộ trưởng TT&TT cho rằng, với những nội dung của kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản luận tội, tôi hoàn toàn nhất trí và đó là đúng người đúng tội.

"Bản luận tội của VKS đã phân hóa rõ vai trò, trách nhiệm, hành vi của từng bị cáo, trong phiên tòa.

Qua xét hỏi, từ mấy ngày hôm nay, chúng tôi nhận thức rõ hơn góc khuất của vụ án mà trước đây, kể cả khi tôi là Bộ trưởng lúc cung cấp thông tin cũng không thể biết được. Những góc khuất đó như đã nói, không ngờ trong vụ án này, sai từ trên sai xuống, sai ở cả 3 vấn đề quan trọng là giá cả, hiệu quả, trinh tự thủ tục.

Phân tích của các luật sư rất xác đáng. Về hành vi của cá nhân tôi, từng bị cáo đã được cáo trạng nêu rất rõ. Vai trò của tôi như thế nào trong cáo trạng đã rõ và quan điểm của tôi bào chữa cho mình không có nghĩa là đổ tội cho người khác mà làm giảm tội của mình.

Bào chữa cho mình trên cơ sở còn lương tâm của mình. Phiên tòa này sẽ kết thúc nhưng còn có những phiên tòa không bao giờ kết thúc, đó là tòa án lương tâm, bám theo chúng tôi mãi mãi cho đến khi chấm dứt cuộc đời và đó là điều đau khổ nhất của bị cáo và cá nhân tôi. Đó là phiên tòa không bao giờ chấm dứt mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời của mình", ông Tuấn nhấn mạnh.

Bị cáo Trương Minh Tuấn xin lỗi và thấy sai mọi khâu

Đối với tội danh Nhận hối lộ, bị cáo Tuấn cho rằng, bản thân "rất xấu hổ" khi đứng đây cùng 3 bị cáo khác. 

 "Đây là nỗi nhục của chúng tôi. Dù nhận dưới hình thức nào là quà biếu, chúc mừng, cảm ơn hay nhận ở thời điểm, hoàn cảnh, mức độ nào cũng là hành vi phạm tội như bản luận tội của VKS. Mức đề nghị của VKS đã ở mức thấp nhưng tôi mong muốn HĐXX tiếp tục xem xét, bởi vì, vấn đề lớn nhất là thu hồi tài sản đối với các bị cáo đã nộp hết thì khắc phục hết hậu quả do mình gây ra, cần có sự tha thứ nhất định, giảm hơn nữa...", bị cáo Tuấn đề nghị.

15h35: Luật sư Phạm Đình Tâm, bào chữa cho bị cáo Tuấn đã trình bày về quy trình thủ tục tiến hành đầu tư theo quy định của pháp luâth. Tuy nhiên, do luật sư trình bày dài dòng đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở, đề nghị trình bày súc tích, cô đọng lại, bởi không hiểu nói gì. Ngay sau đó, bị cáo Trương Minh Tuấn xin phép được phát biểu và cho rằng, mình đã thừa nhận hành vi vi phạm nên luật sư không cần bào chữa nội dung này.

16h20: Sau khi các vị luật sư trình bày phần bào chữa, HĐXX đã đề nghị bị cáo Tuấn đứng dậy, hỏi có đồng tình hoặc bổ sung ý kiến của luật sư không? Ông Tuấn sau đó, xin được trình bày thêm một số nội dung. 

Bị cáo Tuấn nêu, ông không tham gia tham mưu một nội dung nào liên quan đến dự án mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo. Trong 5 báo cáo có 3 văn bản thực hiện theo chỉ đạo còn 2 nội dung dù không có bút phê của Bộ trưởng nhưng sau khi tổ thẩm định đưa lên, ông bút phê đồng ý dự thảo và chuyển lại để trình Bộ trưởng. 

 Về nội dung nhận tiền của Phạm Nhật Vũ, ông Tuấn nói rất xấu hổ và nhận như thế nào cũng là sai. Ông đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Về ý kiến của luật sư Nam, Đông nhìn nhận góc nhìn khác, ông đề nghị HĐXX không tranh luận lại mà có thể đề nghị sửa đổi pháp luật cho phù hợp. 

 Cuối phần trình bày, ông Tuấn nêu rõ: "Đây là vụ việc rất đau xót, quá khứ như nước trôi qua cầu, không ai có thể thay đổi được quá khứ. Chúng tôi mong muốn sự tha thứ, khoan hồng của pháp luật để chúng tôi tiếp tục có cống hiến với sức của mình để khắc phục tốt nhất hậu quả về mặt vật chất, tinh thần cho xã hội".

Bị cáo Trương Minh Tuấn: Thấy xấu hổ, là nỗi nhục vì đã nhận hối lộ

"Dù có chuẩn bị tinh thần nhưng cũng rất sốc"

Bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone

14h: Bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone được HĐXX yêu cầu lên bục thực hiện quyền tự bào chữa. Bị cáo Hải thông tin, vào làm việc ở MobiFone từ năm 1993 nên đã gắn bó với những phát triển thăng trầm.

Bị cáo nói có vui khi các thành viên MobiFone thành công và buồn khi có vấp váp như ngày hôm nay.

Bị cáo cho hay, hôm trước, "có nghe về việc bản thân có ý định lôi kéo anh em vụ này nnên mong HĐXX, VKS xem xét bởi thực sự bản thân không có ý đó. Đồng thời, trong thâm tâm không trách cứ những người có suy nghĩ, lời nói về mình như vậy, bởi họ có lý do riêng".

Cựu TGĐ MobiFone tin tưởng phiên tòa sẽ xét xử công minh, có bản án cho những người bị truy tố, đặc biệt người ở MobiFone hợp tình, hợp lý.

Về cá nhân, ông Hải xác định mình là người có tội, công nhận bản cáo trạng của VKS và rất ân hận, ăn năn về hành vi của mình.

Ngày 5 xử vụ AVG: Con rể cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hứa 8h sáng thứ 2 sẽ nộp 12,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả - Ảnh 9.

Quang cảnh phiên toà ngày 5 xét xử

"Qua Thanh tra CP làm việc, Ủy ban Kiểm tra, Cơ quan điều tra, VKS, tôi đã biết tội lỗi của mình và đã có những nỗ lực để ngăn cản tội không xảy ra. Tôi đã tích cực khắc phục hậu quả. Tôi đã ký 11 thỏa thuận giữa MobiFone và AVG nhưng đã tích cực, hợp tác, đồng thời, được ghi nhận, đánh giá tốt trong quá trình thanh tra, điều tra", bị cáo Hải nêu.

Bị cáo này cho biết thêm, ngày hôm qua, cũng nghe được bản luận tội của VKS và "dù có chuẩn bị tinh thần nhưng cũng rất sốc".

Với diễn biến vụ án, quá trình làm việc, bị cáo Hải chỉ mong muốn, cầu xin HĐXX, VKS mở rộng hơn nữa tấm lòng từ bi, bao dung để cho ông cùng các bị cáo của MobiFone được nhận nhiều hơn tình tiết giảm nhẹ và sớm trở lại với gia đình, cuộc sống bình thường của người công dân.

Về các phần chi tiết, bị cáo Hải đề nghị để luật sư của mình tiến hành trình bày bào chữa

12h15: Thẩm phán Trương Việt Toàn tuyên bố, hết giờ làm việc buổi sáng. Phiên tòa tạm nghỉ trưa và sẽ bắt đầu lại lúc 14h chiều nay.

12h05: Sau khi các luật sư trình bày lời bào chữa, bị cáo Lê Nam Trà đã được HĐXX yêu cầu đứng lên và hỏi xem có đồng ý với bào chữa của luật sư không? Bị cáo Trà nói hoàn toàn đồng ý và xin trình bày thêm một số nội dung. 

"Đầu vào sai thì đầu ra sai"

Bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone

Cựu Chủ tịch MobiFone cho rằng, trong phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS, luật sư đã làm rõ các góc khuất của vụ án và bản thân ông thấy yếu tố chính, ảnh hưởng đến dự án là chỉ đạo xuyên suốt của Bộ TT&TT, các quyết định, trình tự, trình, lập dự án trên cơ sở sai của thẩm định giá, các tổ chức tư vấn…

"Đầu vào sai thì đầu ra sai và nó thể hiện ở giá mua", ông Trà nói.

Bị cáo này bày tỏ nhất trí với tội danh được cáo trạng nêu nhưng về hình phạt là quá nghiêm khắc đối với MobiFone và cá nhân. Ngay sau đó, bị cáo Trà bắt đầu nghẹn ngào trình bày tiếp.

"Tôi chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở MobiFone, là những người lãnh đạo ưu tú đã xây dựng MobiFone trong những ngày đầu tiên để trở thành mạng di động ưu thích nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, tích cực nộp ngân sách Nhà nước có hiệu quả nhất…

Bản thân bị cáo với cương vị là Chủ tịch HĐTV đã không đủ khả năng dẫn dắt vượt qua các sức ép, quyết định của dự án để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa. Trách nhiệm này thuộc về tôi", ông Trà nghẹn ngào nói.

Ông Trà cho rằng, MobiFone đã trình, thẩm định dự án dựa trên chỉ đạo của Bộ TT&TT và bản thân không tham vọng, đòi hỏi gì với anh Vũ và không tạo sức ép với cấp dưới, ban Tổng giám đốc.

"Nhận dự án là yêu cầu của MobiFone và chịu chỉ đạo, quyết định, với sức ép lớn về tiến độ, mật, nguyên trạng, ký hợp đồng… Đây là những yếu tố gây đến những cái mà tôi không vượt qua được", bi cáo Trà nêu.

Ông này cho rằng, bản thân đã thành khẩn, tự thú, khắc phục hậu quả nên mong HĐXX, VKS tha thứ, giảm nhẹ cho MobiFone và cá nhân.

Bị cáo Lê Nam Trà khóc tại phiên xử

11h30: Nêu quan điểm bào chữa về tội Nhận hối lộ, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch MobioFone) nói quyết tâm khai báo rõ ràng, khắc phục hậu quả vụ án của ông Trà là rõ ràng.

"Phải làm rõ, bị cáo Lê Nam Trà đã tự thú từ khi nào

Luật sư Phan Trung Hoài

Vị luật sư cho rằng, trong cáo trạng bỏ sót một chi tiết nhưng rất mừng trong bản luận tội hôm qua, đại diện VKS đã đưa vào, đó là tình tiết tự thú của ông Trà được coi là tình tiết giảm nhẹ cùng các tình tiết khác.

Vị luật sư nêu rõ, có ý kiến cho rằng, trong các bị cáo tự thú thì từ lời khai tự thú của bị cáo Phạm Nhật Vũ, hành vi đưa và nhận hối lộ mới được khai mở, cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ kết luận, truy tố, xét xử.

"Phải làm rõ, bị cáo Lê Nam Trà đã tự thú từ khi nào. Thời điểm rất quan trọng. Ông Lê Nam Trà làm đơn tự thú vào ngày 13/10/2018 và trước thời điểm ông Phạm Nhật Vũ khai nhận là 7 tháng 12 ngày. 

Theo hồ sơ vụ án, ông Vũ bắt đầu chính thức thừa nhận có đưa tiền cho các bị cáo trong đó có Lê Nam Trà vào ngày 25/5/2019, tức là ngày ông Vũ làm đơn xin gặp điều tra viên, KSV và được coi là ngày ông Vũ xác định, đây là bản tự thú liên quan việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Từ việc nhận thức, làm đơn tự thú, khai báo thành khẩn, quyết liệt cùng gia đình, các luật sư khắc phục 100% số tiền đã nhận từ ông Phạm Nhật Vũ đã mở ra một giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp CQĐT, VKS tối cao làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án.

Do đó, mong HĐXX xem xét và đó là vì sao mà VKS đề nghị mức án dưới khung đối với bị cáo Trà về tội danh này", luật sư Hoài nêu.

Vị luật sư nhấn mạnh, các luật sư rất đau xót về mức độ nghiêm trọng của vụ án, ảnh hưởng do các hành vi trong đó, có hành vi của bị cáo Trà nhưng mong HĐXX xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đối với người tự thú, khai báo thành khẩn, tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả gây ra…

"Khi xem xét lượng hình với bị cáo, trong đó, có bị cáo Trà thì mong HĐXX chấp nhận đề xuất của VKS cần có sự phân hóa về hành vi, số tiền chiếm đoạt, việc nộp tiền khắc phục hậu quả… để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt", ông Hoài đề nghị.

Trước đó, theo cáo trạng truy tố, bị cáo Lê Nam Trà đã có hành vi nhận hối lộ số tiền 2,5 triệu USD từ bị cáo Phạm Nhật Vũ.

10h45: HĐXX cho bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone lên bục trình bày phần tự bào chữa. Bị cáo Trà đề nghị HĐXX cho luật sư Phan Trung Hoài trình bày phần bào chữa trước và sau đó, có bổ sung gì, ông Trà sẽ nói thêm.

Không có ai là chủ mưu

(Luật sư Phạm Công Hùng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son)

9h31: Trong phần trình bày bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Phạm Công Hùng (đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc cáo buộc bị cáo Son là chủ mưu trong vụ án này là không công bằng cho bị cáo.

Ông nói, bị cáo Son luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu nhưng ông lấy danh dự trình HĐXX rằng, cho tới khi vào trại, gặp bị cáo, đưa chứng cứ này thì bị cáo mới biết, cầm đầu với đứng đầu khác nhau.

"Cầm đầu là vai trò đồng phạm trong vụ án hình sự còn đứng đầu là Bộ trưởng chịu trách nhiệm chung nhất nhưng lồng nội dung người ta không hiểu để ghi vào đứng đầu với cầm đầu hiểu như nhau, buộc tội người ta là người cầm đầu thì không ổn", ông Hùng nêu.

Luật sư nói thêm, ông Son trăn trở về cáo buộc cầm đầu nên tại tòa đã dành phần lớn thời gian tự bào chữa để luận giải.

Cho rằng VKSND quy buộc như vậy không chính xác, luật sư lần lượt đề cập đến các văn bản liên quan dự án mà ông Son đã bút phê.

Về cáo buộc cựu Bộ trưởng ký phê duyệt dự án là làm theo quy trình do cấp dưới chuyển lên, ông Hùng nói vụ án này không có ai là chủ mưu.

Việc ký quyết định phê duyệt dự án, ông Phạm Công Hùng mong HĐXX xem xét bối cảnh khi đó để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Ông Son khai lúc thế này lúc thế khác không thể coi là thiếu thành khẩn

(Luật sư Phạm Công Hùng)

Vị luật sư nói, văn bản trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông của các bộ, ngành thời điểm đó không phản đối.

Do đó, các bị cáo tin rằng việc ban hành quyết định phê duyệt dự án là đúng. Còn việc ra tòa ông Son lúc khai thế này, lúc khai thế khác, theo luật sư không thể coi đây là thiếu ăn năn, thành khẩn.

Người bào chữa nói tâm lý cựu bộ trưởng khi hầu tòa không tốt. Khi được HĐXX tác động, bị cáo nhớ ra một số vấn đề nên khai lại.

Luật sư cũng đề cập đến cáo buộc bị cáo Nguyễn Bắc Son muốn khắc phục số tiền cầm hối lộ nhưng gia đình không hợp tác. HĐXX rất nhân văn khi cho gia đình và luật sư gặp bị cáo để bàn việc khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên theo luật sư, trước đó, người thân không nhận được lá thư của ông Son mà cơ quan tố tụng sử dụng là chứng cứ trong vụ án. Với những dòng cựu bộ trưởng đã viết, luật sư Hùng cho rằng nếu lá thư đó được chuyển đến người nhận, có thể việc khắc phục hậu quả được thực hiện sớm hơn.

Nói về số tiền khắc phục hậu quả cho ông Nguyễn Bắc Son, luật sư Hùng cho biết, trong số những người giúp tiền để khắc phục hậu quả có người là bạn chiến đấu của ông Son, có người là bạn của bạn ông Son.

"Người giúp đỡ mong muốn nếu cần thì chuyển thẳng số tiền, nhưng chủ tọa bảo gom lại một người cho tiện", luật sư Hùng cho biết.

Người nhà khóc như mưa khi gặp ông Nguyễn Bắc Son

(Luật sư Phạm Công Hùng) 

Luật sư Hùng nói thêm, người nhà ông Son không nên ấm ức vì không nhận lá thư nữa. "Đã được vào gặp bố (ông Nguyễn Bắc Son), bố nói như vậy, có luật sư chứng kiến thì làm theo tâm nguyện của bố (ý nói khắc phục hậu quả). Tất cả khóc như mưa và làm theo tâm nguyện của bố", luật sư Hùng cho hay.

Trước khi kết thúc phần bào chữa, vị luật sư này nhấn mạnh, "tin tưởng 99% sẽ nộp được đủ số tiền này để trình HĐXX phiếu nộp tiền vào tuần tới để làm cơ sở HĐXX xem xét, quy định pháp luật, tình tiết giảm nhẹ có chứng cứ rõ ràng".

Sau đó, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Son tiếp tục trình bày phần bào chữa cho thân chủ.

Luật sư: Người thân khóc khi gặp ông Nguyễn Bắc Son

"Tôi thấy việc khởi tố theo điều 220 và 354 là đúng"

Bị cáo Nguyễn Bắc Son

Ngay sau khi, 3 luật sư kết thúc phần bào chữa, HĐXX đã hỏi bị cáo Son có đồng ý và bổ sung thêm phần bào chữa của luật sư không. Trả lời HĐXX, bị cáo Son nói cơ bản đồng ý với phần bào chữa của luật sự.

"Tôi thấy việc khởi tố theo điều 220 và 354 là đúng", ông Son nói.

Sáng nay (21/12) dù là thứ 7 nhưng phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng đồng phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG tiếp tục diễn ra.

Trong phiên tòa sáng nay, các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Bắc Son sẽ trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình.

Trước khi vào phần bào chữa, luật sư Phạm Công Hùng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son đề nghị HĐXX cho biết, ông có được trình bày bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son về tội Nhận hối lộ không vì bị cáo đã nói từ chối luật sư.

Trả lời vấn đề này, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, về vấn đề luật sư bào chữa nêu, do bị cáo bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt cao nhất, mặc dù bị cáo từ chối luật sư bào chữa nhưng đề nghị luật sư vẫn tiến hành bào chữa về tội danh bị truy tố này.

Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã tập hợp được 12,5 tỷ khắc phục hậu quả

Luật sư Hùng cũng thông tin, sáng nay, ông có nhận được một đơn và trình HĐXX về việc thực hiện ý kiến của bị cáo Son, gia đình sẽ nộp khoản tiền cho bị cáo Son để khắc phục hậu quả.

"Phía gia đình, những người bạn của bị cáo đã tập hợp được con số là 12,5 tỷ đồng và tôi đã xin phép HĐXX thông báo cho gia đình để thực hiện.

Trong thời gian chưa vay mượn tiền được, gia đình cam kết sẽ đưa phần tài sản là căn nhà chung của vợ chồng bị cáo Son để đảm bảo thanh toán hết số tiền bị cáo Son yêu cầu. Như vậy, yêu cầu của bị cáo đã được thực hiện. Anh em có thể thả lỏng, vui vẻ nghe phần bào chữa", luật sư Hùng nêu.

Gia đình ông Nguyễn Bắc Son gom được 12,5 tỷ khắc phục hậu quả

Dự kiến, trong sáng nay, các bị cáo trong vụ án như ông Trương Minh Tuấn trong hôm nay cũng sẽ trình bày phần tự bào chữa cho mình.

Trước đó, trong phiên tòa chiều 20/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã trình bày phần tự bào chữa trong vòng 1 giờ 23 phút.

Ông Nguyễn Bắc Son thông tin, được sự tạo điều kiện của HĐXX, cá nhân ông trong ngày hôm qua (19/12) đã gặp gia đình.

"Cá nhân tôi được sự quan tâm của tòa, đã gặp gia đình, con và trao đổi với gia đình để sớm khắc phục hậu quả cho tôi. Trong những ngày tới đây, gia đình tôi sẽ sớm khắc phục như tôi đã trình bày", bị cáo Sơn nêu rõ.

Cựu Bộ trưởng cũng cho hay, bản thân hoàn toàn nhất trí với bản luận tội của đại diện VKS.

"Bản thân tôi có vị trí là người cao nhất, đứng đầu nên đối với các thành viên trước đây là cấp dưới, tôi xin đề nghị, đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng là những người rất tâm huyết với nghề.

Tôi xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo nói trên.

Đối với các bị cáo Hoa Mai, Hồ Tuấn, Đăng Nguyên, tôi đề nghị với tư cách công dân là mong tòa khoan hồng với họ. Xử án treo với bị cáo Phương Anh, Bảo Long, Mạnh Hùng… là phù hợp…", bị cáo Son đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại