Luật sư chỉ cơ hội để ông Nguyễn Bắc Son thoát mức án tử hình

Hoàng An |

Theo luật sư, nếu ông Nguyễn Bắc Son khắc phục 3/4 tài sản đã chiếm đoạt, thành khẩn khai báo lập công sẽ được giảm án phạt. Nếu việc khắc phục hậu quả sau án sơ thẩm thì phải tiến hành theo trình tự các bước đi đến xét xử phúc thẩm.

Sáng 20/12, tại phiên tòa xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị xử phạt cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son mức án 16 - 18 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", án tử hình cho tội danh "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Trước đó, chiều 18/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đề đạt nguyện vọng với HĐXX rằng muốn gặp, trao đổi với gia đình để khắc phục hậu quả và gặp luật sư để nói không cần bào chữa tội danh "Nhận hối lộ". Vì vậy phiên toà tạm nghỉ làm việc ngày 19/12 để tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Bắc Son khắc phục hậu quả, trong đó có việc nộp lại 3 triệu USD đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ.

Tuy nhiên, tới thời điểm VKS đề nghị mức án, bị cáo Nguyễn Bắc Son và gia đình vẫn chưa có động thái nộp lại số tiền đã nhận từ các đồng phạm.

Luật sư chỉ cơ hội để ông Nguyễn Bắc Son thoát mức án tử hình - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị áp giải đến tòa.

Trước diễn biến phiên tòa trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, ông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi phạm tội nhận số tiền hối lộ hơn 3 triệu USD của các đồng phạm. Đến thời điểm hiện tại chưa thấy khắc phục hậu quả, gây thiệt hại lớn nên VKS đề nghị mức phạt tử hình là hợp lý. 

"Tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người phạm tội nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" - luật sư Cường trích dẫn.

Luật sư Cường phân tích thêm, căn cứ vào điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, nếu ông Nguyễn Bắc Son tự nguyện bồi thường, khắc phục được 3/4 số tài sản nhận hối lộ, đồng thời có thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc lập công lớn, thì có thể được chuyển từ án tử hình sang án chung thân.

Còn nếu chỉ bồi thường, khắc phục hậu quả mà không có thêm tình tiết tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, hoặc lập công thì không được áp dụng quy định để chuyển án tử hình xuống tù chung thân.

Luật sư chỉ cơ hội để ông Nguyễn Bắc Son thoát mức án tử hình - Ảnh 3.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đang trả lời HĐXX.

Trước câu hỏi về việc bị cáo Nguyễn Bắc Son là người có công với cách mạng, từng có thời gian dài phục vụ trong quân ngũ có được xem là yếu tố để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt không, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi phạm tội của cựu Bộ trưởng đã rõ, đặc biệt là việc nhận hối lộ với số tiền quá lớn (gấp hành chục lần số tiền tối thiểu 1 tỷ đồng trong khung hình phạt), do đó, những công trạng, thành tích trong quá khứ không thể giúp ông thoát được bản án cao nhất.

Tuy nhiên, luật sư Lực cũng nhắc lại cơ sở để giảm án cho ông Nguyễn Bắc Son: "Theo quy định, nếu người phạm tội nhận hối lộ khắc phục được 3/4 số tài sản có thể được xem xét không áp dụng hình phạt tử hình.

Trường hợp sau bản án sơ thẩm, nếu ông Nguyễn Bắc Son khắc phục đầy đủ số tiền đã nhận từ các đồng phạm thì phải tiến hành theo trình tự các bước đi đến xét xử phúc thẩm. Tại phiên phúc thẩm này, HĐXX sẽ căn cứ vào kết quả khắc phục để tuyên giảm án hay không".

Luật sư Lực cũng hoàn toàn đồng tình với đại diện VKS đề nghị tử hình bị cáo Nguyễn Bắc Son vì đó là mức án hợp lý, đúng khung hình phạt của Bộ luật Hình sự.

Trước đó, trong ngày thứ 2 phiên xử sơ thẩm thương vụ MobiFone mua AVG, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bất ngờ phản cung tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ bị cáo đã xin khai lại, thừa nhận đã cầm số tiền 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ biếu, ngoài ra còn nhận 200.000 USD của Lê Nam Trà và 200 triệu VNĐ của Cao Duy Hải.

Giải thích cho hành vi phản cung trước tòa, ông Son nói, do tâm lý không ổn định, "không hiểu tại sao lúc đó lại làm như vậy". Ông Son cũng khai số tiền đó ông không đưa cho con gái sử dụng mà đã tiêu xài, tiêu vào việc gì không nhớ rõ.

Đại diện VKS đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. Tại phiên tòa, các bị cáo đã nhận tội và việc cáo trạng truy tố đối với các bị cáo là có cơ sở.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là hành vi suy thoái của một bộ phận cán bộ công chức, tham nhũng, gây thiệt hại cho Nhà nước... Việc đưa vụ án ra xét xử thể hiện sự "không có vùng cấm", dù người vi phạm là ai, thể hiện quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son với chức vụ Bộ trưởng TT-TT có vai trò quyết định trong thực hiện dự án để MobiFone mua AVG. Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp tất cả quy định của pháp luật, bị cáo đã có hành vi định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới thực hiện sai phạm trong mua cổ phần AVG.

Bị cáo Son giữ vai trò đứng đầu, chỉ đạo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới thực hiện. Bị cáo được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán, trái pháp luật với mức hưởng hối lộ số tiền đặc biệt lớn. Do đó, bị cáo Son chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo.

Đại diện VKS nêu rõ, hành vi phạm tội của bị cáo Son là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ chân chính.

Việc bị cáo Son tại cơ quan điều tra thừa nhận hành vi phạm tội nhưng ra tòa lại phủ nhận, sau đó lại thừa nhận, cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối cải về hành vi của mình, chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả vụ án, các bị cáo cấp dưới. Khoản tiền 3 triệu USD chưa được nộp lại. Do đó, dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa thể được hưởng các tình tiết khoan hồng mà cần hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Son.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại