Trước dịch cúm đang hoành hành, chuyên gia tiết lộ dấu hiệu mắc bệnh cúm ở trẻ cần phải nhập viện ngay!

HH |

Trong nhiều trường hợp, bệnh cúm A có diễn biến cực phức tạp, có thể gây tử vong trong tích tắc nên cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), cùng với sự biến đổi của khí hậu, thời tiết, nhất là những ngày ô nhiễm đỉnh điểm mức tím tại nhiều điểm đo như vừa qua, rất nhiều trẻ phải nhập viện.

Cụ thể, mỗi ngày các phòng khám nhi tại đây tiếp đón 100-200 bệnh nhi. Đặc điểm chung của những bệnh nhi này là đều mắc bệnh cúm nhẹ. Mặc dù không phải nhập viện, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo cũng như bội nhiễm các bệnh khác nhưng không loại trừ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nhất là khi thời gian qua, tại một số nơi đã xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh cúm A và tử vong nhanh chóng. Điều này cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cha mẹ không được chủ quan với căn bệnh này.

Nhất là khi giai đoạn thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho cúm A hoành hành, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình cũng như những người thân xung quanh, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. Việc chủ quan nghĩ chỉ là cảm xoàng có thể lấy đi tính mạng của bạn và người thân chỉ trong tích tắc.

Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: "Bệnh cúm năm nào cũng có, trừ những dạng cúm đặc biệt như cúm H5N1, H1N1 , H7N9 mới gây bệnh nặng. Còn lại chỉ là cúm mùa thông thường, có thể gây thành dịch nhưng thường sẽ rất nhẹ, triệu chứng thay đổi tùy cơ địa người bệnh".

Trước dịch cúm đang hoành hành, chuyên gia tiết lộ dấu hiệu mắc bệnh cúm ở trẻ cần phải nhập viện ngay! - Ảnh 1.

Việc chủ quan nghĩ chỉ là cảm xoàng có thể lấy đi tính mạng của bạn và người thân chỉ trong tích tắc.

Vậy, trẻ mắc bệnh cúm nghiêm trọng thường có những dấu hiệu gì?

Cũng giống như người lớn, bệnh cúm ở trẻ thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của bệnh cảm lạnh như:

- Hắt hơi.

- Sổ mũi.

- Nghẹt mũi.

Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc virus cúm, các triệu chứng ban đầu của bệnh cúm ở trẻ có thể là:

- Sốt nhẹ rồi tăng dần (có thể trên 39 độ C).

- Ớn lạnh.

- Ho.

- Đau họng.

- Đau tai.

- Chảy nước mắt mũi.

- Mệt mỏi.

- Kém ăn.

- Có thể bị tiêu chảy.

Ở những trẻ lớn, dấu hiệu mắc bệnh cúm có thể là:

- Đau cơ.

- Đau mỏi chân tay.

- Đau họng.

- Ho.

- Nhức hốc mắt…

Thông thường, bệnh cúm sẽ khỏi từ 4-7 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Mặc dù vậy, trong những trường hợp nặng, bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Trước dịch cúm đang hoành hành, chuyên gia tiết lộ dấu hiệu mắc bệnh cúm ở trẻ cần phải nhập viện ngay! - Ảnh 2.

Nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 thì dễ biến chứng gây viêm phổi nặng.

Khi xuất hiện biến chứng sau ở trẻ bị cúm, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện gấp:

- Biến chứng viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…

- Viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Trong đó, nếu nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 thì dễ biến chứng gây viêm phổi nặng.

- Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não) thường gặp ở trẻ 12-16 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, trong trường hợp xuất hiện biến chứng bệnh cúm cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Thông thường, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, chuyên gia khuyên người dân nên nhập viện càng sớm càng tốt.

Lưu ý dùng thuốc khi bị bệnh cúm: Không tự ý mua thuốc Tamiflu để chữa cúm

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, dù là chữa cúm cho bất cứ ai, nhất là trẻ nhỏ cũng cần ghi nhớ nguyên tắc: chỉ dùng thuốc chữa cúm cho trẻ khi xác định rõ trẻ mắc cúm và đó là loại cúm gì. Có một sự thật là hiện nay, nhiều cha mẹ thấy con có dấu hiệu của bệnh cúm là mua ngay thuốc Tamiflu về cho con uống.

Điều này vô cùng nguy hiểm. Theo chuyên gia, khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đi khám, bác sĩ chẩn đoán, cho làm xét nghiệm, kết luận và chỉ định dùng thuốc kháng virus là Tamiflu, lúc đó mới đi mua và dùng.

Việc tự ý dùng loại thuốc này khi chưa xác định chính xác có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Sau này khi mắc cúm, bệnh nặng hơn thì không thể dùng thuốc đặc trị này để điều trị. Chưa kể trong tình trạng khan hiếm thuốc hiện nay dẫn đến tình trạng giá thuốc tăng cao đột biến một cách không cần thiết.

Phòng tránh bệnh cúm trong mùa cao điểm

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, trong thời điểm dịch bệnh cúm diễn biến bất thường, người dân nên chú ý thực hiện phòng tránh bệnh cúm như sau:

Trước dịch cúm đang hoành hành, chuyên gia tiết lộ dấu hiệu mắc bệnh cúm ở trẻ cần phải nhập viện ngay! - Ảnh 3.

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là điều bắt buộc trong thời điểm này.

- Tiêm phòng cúm vì nó có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus từ 10-60%.

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

- Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại