Trên cả tuyệt vời, tiêm kích Yak-130 sắp về Việt Nam: Su-35 và Su-57 đang chờ phía trước?

Bình Nguyên |

Việc các máy bay huấn luyện phản lực L-39 đang đi tới cuối vòng đời khiến Không quân Việt Nam cần sớm thay thế. Yak-130 của Nga là một ứng viên không thể tuyệt vời hơn.

L-39 dũng mãnh đã đi tới cuối vòng đời

Theo cơ sở dữ liệu "Chuyển giao vũ khí quốc tế" của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), những chiếc máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Không quân Việt Nam do Cộng hòa Czechoslovakia chuyển giao từ đầu những năm 1980 nay đã gần tròn "40 tuổi".

Dù luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "nâng cánh" bay cho các phi công tiêm kích phản lực của Không quân Việt Nam nhưng toàn bộ 24 chiếc L-39 (phiên bản L-39C) đã gần đi tới cuối vòng đời, nếu không trải qua nâng cấp lớn toàn diện thì trong vài năm tới chúng sẽ phải bị loại biên để nhường chỗ cho những máy bay mới hơn.

Ngay cả 10 chiếc L-39Z mới hơn, được Cộng Hòa Séc chuyển giao năm 2003 cũng vậy, cho dù số giờ bay dự trữ còn nhiều nhưng xuất phát điểm của chúng là máy bay đã qua sử dụng, sự bổ sung này khó mà gánh nổi khoảng trống khá lớn được bỏ lại sau khi L-39C bị loại biên dần dần.

Không quân Việt Nam tự hào là một trong số ít lực lượng Không quân ở Đông Nam Á tự đào tạo được tất cả các loại phi công quân sự, đặc biệt là phi công tiêm kích phản lực. Để duy trì tốt và liền mạch, không bị gián đoạn, nhiệm vụ cấp bách của Không quân Việt Nam hiện nay là phải lựa chọn một dòng máy bay huấn luyện phản lực khác để thay thế L-39.

Trên cả tuyệt vời, tiêm kích Yak-130 sắp về Việt Nam: Su-35 và Su-57 đang chờ phía trước? - Ảnh 1.

Máy bay huấn luyện phản lực L-39.

Được biết, nhận thấy nhu cầu bắt buộc của Việt Nam, gần đây có một số tập đoàn chế tạo hàng không hàng đầu thế giới được cho là đã chào bán cho Không quân Việt Nam những dòng máy bay huấn luyện tiên tiến.

Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Vậy ứng viên nào sẽ giành thắng lợi trong đợt mua sắm quan trọng này?

Dường như dòng tiêm kích - huấn luyện Yak-130 do Nga chế tạo là một trong những ứng viên tốt nhất.

Tại sao Yak-130 là lựa chọn tốt nhất của Không quân Việt Nam?

Việt Nam hiện có chủ trương đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tuy nhiên các sản phẩm quốc phòng của Nga trong tương lai vẫn sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội.

Bởi lẽ, ngoài "giá cả phải chăng, tốt, bền và hoạt động tin cậy" thì vũ khí Nga còn sở hữu nhiều lợi thế vượt trội khác ở Việt Nam đó là dễ sử dụng, bộ đội đã quen dùng từ lâu, có kinh nghiệm vận hành các vũ khí, khí tài có xuất xứ từ Nga (Liên Xô), do vậy nếu tiếp tục mua vũ khí mới cùng hệ sẽ giúp bộ đội nhanh chóng làm chủ và sử dụng có hiệu quả.

Chính vì thế, nếu Việt Nam quyết định tìm mua máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới thì Yak-130 của Nga sẽ có nhiều lợi thế.

Trên cả tuyệt vời, tiêm kích Yak-130 sắp về Việt Nam: Su-35 và Su-57 đang chờ phía trước? - Ảnh 3.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, Yak-130 mang được nhiều loại vũ khí khác nhau để chiến đấu.

Thứ nhất, Yak-130 phù hợp với nhu cầu sử dụng. Hiện nay Không quân Việt Nam đang sở hữu tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 do Nga chế tạo, nếu sử dụng dòng máy bay huấn luyện có cùng xuất xứ mang nhiều điểm tương đòng sẽ hết sức thuận lợi, giúp rút ngắn được thời gian đào tạo phi công, tiết kiệm được nhiều kinh phí.

Hiện Yak-130 được Không quân Nga coi là loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35,... và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân nữa.

Yak-130 có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5 của của Nga.

Do vậy, nếu trong tương lai, Việt Nam mua thêm các dòng tiêm kích hiện đại hơn từ Nga thì Yak-130 đương nhiên là lựa chọn tốt nhất để đào tạo những phi công sử dụng chúng.

Trên cả tuyệt vời, tiêm kích Yak-130 sắp về Việt Nam: Su-35 và Su-57 đang chờ phía trước? - Ảnh 4.

Yak-130 với đầy đủ vũ khí bay biểu diễn.

Ngoài ra, khi cần, Yak-130 có thể đảm nhiệm vai trò là máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ do nó được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không để sử dụng tên lửa có điều khiển Vikhr, tên lửa không đối không R-73 và tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser cũng như bom có điều khiển KAB-500Kr.

Thứ hai, giá hợp lý. Căn cứ vào các hợp đồng mà Nga đã ký với khách hàng nước ngoài thì hiện nay đơn giá của Yak-130 rơi vào khoảng 15 triệu USD/chiếc, cũng có thể cao hơn tùy theo option của đối tác về các vũ khí/khi tài đi kèm cũng như công tác bảo dưỡng, sửa chữa cung cấp phụ tùng,...

Trong khi đó, "người anh em" trực hệ của Yak-130 là Alenia Aermacchi M-346 Master do Italia sản xuất có giá trên 20 triệu USD/chiếc. Một đối thủ khác là KAI T-50 Golden Eagle tới từ Hàn Quốc có giá không dưới 25 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, Hongdu L-15 của Trung Quốc vốn đã kém hơn về tiếng tăm và độ tin cậy thì giá lại ngang ngửa với Yak-130.

Thứ ba, Nga luôn ưu tiên Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia. Nếu Việt Nam ngỏ lời đặt mua, chắc chắn Nga sẽ bán Yak-130 mà hầu như không có bất cứ điều kiện chính trị nào ràng buộc.

Trong khi đó, mặc dù nhiều ứng viên khác ngoài Nga cũng rất muốn giành lấy thị trường này nhưng ít nhiều cũng có những điều kiện nhất định.

Đó là chưa kể nếu mua máy bay phương Tây, Việt Nam còn phải chi thêm rất nhiều để mua những vũ khí, trang bị đi kèm nhằm đảm bảo hoạt động của máy bay mới. Còn với Yak-130, ta có thể tận dụng được nhiều thứ sẵn có mà không phải mua bổ sung gì đáng kể.

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một ngày nào đó Không quân Việt Nam sở hữu những chiếc Yak-130 của Nga bởi nó hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Có lẽ vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại