Đứng dậy nhanh là choáng, có phải dấu hiệu "yếu tim" gây đột quỵ?

Anh Thư ghi |

Tôi nghe nói nhiều người thuộc dạng dễ bị choáng khi đứng dậy nhanh thường tim rất yếu, về già sẽ càng nặng hơn, giảm tuổi thọ. Tôi cũng bị và cảm thấy triệu chứng đang nặng hơn...

Bạn đọc Trần Thị Mộng C. (nữ, 52 tuổi, huyện Củ Chi, TP HCM), hỏi: Chào bác sĩ, từ lúc nhỏ tôi đã gặp tình trạng dễ choáng váng mỗi khi đứng dậy nhanh, nhưng hầu hết là ít khi bị, 1-2 tháng mới gặp một lần. Tuy nhiên trong vòng nửa năm trở lại, tôi nhận thấy mình dễ bị hơn, bao gồm tần suất dày hơn, 1-2 ngày bị một lần, bị ngay cả khi thay đổi tư thế không nhiều, ví dụ như sáng đang nằm mà ngồi dậy hơi nhanh.

Tôi có nghe nói đó là do huyết áp không ổn định, có đúng không? Việc tôi đột ngột bị triệu chứng này thường xuyên hơn, nặng hơn (có 1 lần tôi đã ngã và ngất đi trong thoáng chốc) có phải là dấu hiệu của bệnh gì đó đang nặng thêm không? Tôi nghe nói triệu chứng này liên quan đến việc yếu tim, khiến tuổi thọ bị giảm, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, có đúng không?

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:

Chào chị, các triệu chứng như chị mô tả: choáng váng khi thay đổi tư thế nhanh từ nằm sang ngồi, hoặc từ ngồi đứng dậy, thậm chí có ngất thoáng qua; đó là các triệu chứng biểu hiện tình trạng hạ huyết áp tư thế.

Khi thay đổi tư thế nhanh từ nằm sang ngồi, hoặc từ ngồi đứng dậy, do trọng lực máu sẽ được giữ lại ở hệ tĩnh mạch phần thấp của cơ thể, làm giảm lượng máu hồi lưu về tim, giảm cung lượng tim, giảm huyết áp thoáng qua. Ở người bình thường, hệ thần kinh giao cảm sẽ tăng cường hoạt động phản ứng làm tăng nhịp tim, tăng trương lực mạch máu, làm tăng huyết áp trở lại.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hạ huyết áp tư thế ngày một tăng lên mà chị gặp phải: do thuốc (ví dụ thuốc điều trị tăng huyết áp), do các bệnh lý tim mạch, bệnh lý thần kinh, bệnh lý nội tiết…

Trong đó, có khả năng là tình trạng thiểu năng tuần hoàn não do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch lại là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh động mạch vành (có thể gây nhồi máu cơ tim), bệnh lý mạch máu não (gây đột quỵ do nhồi máu hay xuất huyết não) mà chị nghe nói và đang lo lắng.

Việc tình trạng ngày một thường gặp hơn, nặng hơn, đã có biểu hiện ngất thoáng qua cho thấy chị nên đến bệnh viện để khám và tầm soát các bệnh lý ngay, đặc biệt là bệnh tim mạch, để có hướng điều trị thích hợp.

Việc choáng, thường xuyên, ngất thoáng qua mà không trị còn làm tăng nguy cơ té ngã, nguy hiểm cho lứa tuổi chị. Bên cạnh điều trị nguyên nhân, chị nên điều chỉnh sinh hoạt, tránh thay đổi tư thế nhanh đột ngột, ăn uống đầy đủ chất, đủ nước, tập thể dục vận động thường xuyên...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại