Vũ khí gì của Israel được Ấn Độ huy động số lượng lớn tới dọc biên giới Pakistan?

Minh Thu |

​Quân đội Ấn Độ cho điều động số lượng lớn các tên lửa chống tăng dẫn hướng Spike do Israel sản xuất tới Đường kiểm soát (LoC), ranh giới phân chia Ấn Độ và Pakistan ở vùng tranh chấp Kashmir.

Theo Sputnik, tên lửa chống tăng dẫn hướng (ATGM) Spike được Israel chuyển giao cho Ấn Độ theo bản hợp đồng mua bán khẩn cấp, sau khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bùng nổ hồi tháng Hai năm nay.

Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết, 100 ATGM thế hệ thứ 3 Spike đã được Ấn Độ đưa tới mặt trận phía bắc và được dùng để chống lại kẻ thù.

Hồi tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đặt mua 240 tên lửa Spike cùng 12 ống phóng từ Tập đoàn Rafael của Israel trong bối cảnh, quân đội Ấn Độ thiếu lực lượng tên lửa chống tăng. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ cho bổ sung ít nhất là 40.000 tên lửa chống tăng trong vòng 20 năm.

Ngoài ra, trong thời gian tới, quân đội Ấn Độ cũng sẽ cho bổ sung thêm các ATGM vác vai nội địa. Tên lửa của Ấn Độ đã hoàn thành quá trình thử nghiệm từ đầu năm nay.

Theo một điều khoản khẩn cấp đặc biệt, Phó Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ , Trung tướng Devraj Anbu có quyền phê duyệt khoản ngân sách trị giá 71,8 triệu USD để mua vũ khí mà không cần sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.

Do đó, Tướng Anbu đã dùng số tiền này để mua các tên lửa chống tăng nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Pakistan sau khi căng thẳng giữa hai nước trỗi dậy hồi đầu năm.

Được biết, ATGM vác vai nội địa của Ấn Độ là loại tên lửa chống tăng dẫn hướng thế hệ thứ ba được trang bị đầu đạn chống tăng nổ mạnh và tầm bắn khoảng 2,5 km.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Kashmir vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu kể từ ngày 5/8, thời điểm Ấn Độ cho xóa bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị cho vùng Jammu và Kashmir.

Điều 370 quy định cơ quan lập pháp địa phương tại đây có quyền ban hành luật riêng, đồng thời cấm người bên ngoài bang mua đất, làm việc trong cơ quan chính phủ hay tham gia vào các chương trình học bổng do chính quyền khu vực này tài trợ.

Bãi bỏ quy chế đặc biệt đồng nghĩa với việc khu vực Jammu và Kashmir sẽ áp dụng Hiến pháp và người dân trên cả nước có thể mua đất đai cũng như làm việc trong cơ quan nhà nước tại đây. Hành động của Ấn Độ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pakistan .

Vùng Jammu và Kashmir trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành lại độc lập vào năm 1947.

Cả hai nước nắm quyền kiểm soát những khu vực khác nhau trong vùng Jammu và Kashmir, nhưng hai bên vẫn ra tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ vùng Jammu và Kashmir . Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã làm bùng phát hai cuộc chiến ở vùng Kashmir.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại