Vì sao Nga quyết không công nhận Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria?

Quốc Vinh |

Nga có nhiều lý do để hoài nghi về chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi của Mỹ ở Syria.

Vì sao Nga quyết không công nhận Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria? - Ảnh 1.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi từng bị tuyên bố tiêu diệt nhiều lần.

Bộ Quốc phòng Nga đã tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi của Mỹ cuối tuần trước.

Theo Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, những thông tin trái ngược liên quan đến chiến dịch của Mỹ đã đặt ra nhiều câu hỏi và nghi ngờ về việc liệu nó có thực sự xảy ra hay không.

Ông Konashenkov lưu ý đến việc quân đội Nga không hề hỗ trợ Mỹ tiến vào không phận Idlib trong chiến dịch Baghdadi. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Nga cũng cảm thấy khó hiểu khi Mỹ tìm ra Baghdadi đang trú ẩn trong một khu vực do nhóm Jabhat al-Nusra kiểm soát.

"Trên thực tế, Jabhat al-Nusra luôn loại bỏ bất kỳ đại diện nào của IS trong khu vực của mình do coi đó là đối thủ quyền lực chính ở Syria. Bởi vậy, việc lãnh đạo IS có thể lặng lẽ ẩn náu trong lãnh thổ do nhóm này kiểm soát đòi hỏi ít nhất một số bằng chứng trực tiếp từ Mỹ hoặc những người tham gia khác trong hoạt động này", ông Konashenkov lưu ý.

Đến ngày hôm sau, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận quân đội Nga đã phát hiện ra một loạt các hoạt động của Mỹ trên mặt đất.

"Các sĩ quan của chúng tôi đã thấy máy bay Mỹ trong khu vực", ông Peskov nói hôm 28/10.

"Nếu thông tin về cái chết của Baghdadi thực sự được xác nhận, thì nhìn chung chúng ta có thể nói về sự đóng góp nghiêm túc của tổng thống Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế", ông nói thêm.

Tất cả những tuyên bố trên đã đặt ra một câu hỏi. Tại sao bộ Quốc phòng Nga lại đưa ra một phản ứng hoài nghi như vậy đối với chiến dịch của Mỹ?

Trả lời cho câu hỏi này, nhà phân tích quân sự Anton Mardasov trên Al-Monitor đã đưa ra ba luận điểm chính.

Đầu tiên, chính bộ Quốc phòng Nga năm 2017 từng tuyên bố Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch ném bom. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov sau đó đã đưa ra những tuyên bố thận trọng hơn khi nói rằng chưa có bằng chứng nào chứng minh thủ lĩnh IS đã chết.

Vì sao Nga quyết không công nhận Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria? - Ảnh 3.

Nga muốn duy trì vị thế của mình trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Hơn ai khác, Nga hiểu rõ rằng họ cần phải có bằng chứng trước khi chứng minh bất kỳ điều gì ở Syria. Đồng thời, Nga và Mỹ luôn thách thức khả năng của nhau trong việc tiêu diệt các thủ lĩnh IS hàng đầu.

Năm 2016, cái chết của Abu Mohamed al-Adnani, một phát ngôn viên của IS và chuyên gia lập kế hoạch ở nước ngoài, cũng đặt ra câu hỏi về tính xác thực, tuy nhiên quân đội hai nước đã xác nhận việc tên này bị tiêu diệt chỉ cách nhau vài giờ.

Thứ hai, nhà phân tích quân sự Mardasov cho rằng, bộ Quốc phòng Nga đang tìm cách hạ thấp thành tích của Mỹ ở Syria. Ngay trước thềm chiến dịch đặc biệt, ngày 26/10, quân đội Nga đã cáo buộc Mỹ buôn lậu dầu Syria, làm giàu cho các nhà thầu quân sự tư nhân và các dịch vụ tình báo của Mỹ.

Trong phát biểu của mình, ông Konashenkov cũng nhấn mạnh, kể từ sau thất bại cuối cùng của IS ở Syria với sự hỗ trợ của không quân Nga vào năm 2018, cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi không có ý nghĩa gì đối với tình hình ở Syria cũng như hành động của những kẻ khủng bố còn lại ở Idlib.

Do đó, Moscow rõ ràng vẫn tìm cách duy trì vị thế độc tôn của mình trong cuộc chiến chống khủng bố và thẳng thắn chỉ trích những gì được coi là tiêu chuẩn kép của Mỹ. Nga cũng đã nhiều lần cáo buộc Mỹ đứng đằng sau giật dây các chiến binh IS để gây bất ổn tình hình.

Thứ ba, nếu Nga thừa nhận chiến dịch của Mỹ thành công, nó không khác gì việc tự thừa nhận rằng lực lượng đặc biệt của mình và Syria đã không thể ngăn Baghdadi đi tới khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Chính vì các lý do trên, Nga đã không lên tiếng công nhận trước tuyên bố chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS thành công của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại