"Đi tắt đón đầu": Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất

Trà Khánh |

Chỉ cần điểm sơ qua cũng có thể thấy lính bắn tỉa Việt Nam hiện được trang bị ít nhất 6 dòng súng bắn tỉa và mỗi dòng đều có những tính năng kỹ chiến thuật cho từng loại nhiệm vụ.

Súng bắn tỉa hạng nặng chuẩn NATO đầu tiên của Việt Nam

Mới đây, trong phóng sự về công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh trên kênh QPVN, lực lượng bắn tỉa Việt Nam một lần nữa khiến giới phân tích quân sự ngạc nhiên khi huấn luyện tác xạ cùng WKW Wilk - mẫu súng trường bắn tỉa hạng nặng chuẩn NATO do Ba Lan phát triển.

Sở dĩ điều này trở nên đặc biệt là vì đây là mẫu súng bắn tỉa hạng nặng NATO duy nhất có trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện tại, bởi từ trước tới nay lực lượng bắn tỉa Việt Nam hầu hết đều sử dụng các dòng súng bắn tỉa do Liên Xô, Israel hoặc do trong nước tự chế tạo.

Việc đa dạng hóa nguồn cung các loại khí tài chuyên dụng như súng bắn tỉa được xem là bước đi phù hợp của Quân đội ta trong việc nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị tác chiến đặc biệt mà trong số đó có lực lượng bắn tỉa.

Đi tắt đón đầu: Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất - Ảnh 1.

Chiến đấu viên thuộc Trung đoàn Gia Định thực hành tác xạ với súng bẳn tỉa WKW Wilk. Ảnh: QPVN.

Như vậy trong trang bị của Quân đội ta hiện nay có ít nhất ba mẫu súng bắn tỉa hạng nặng sử dụng đạn 12.7mm gồm: SBT12 M1 (trong nước tự chế tạo theo mẫu KSVK), OSV-96 (Nga) và WKW Wilk (Ba Lan).

Về súng bắn tỉa hạng nặng WKW Wilk, đây là sản phẩm do công ty quốc phòng Zakłady Mechaniczne Tarnów của Ba Lan phát triển dành cho Quân đội nước này, trên thế giới hiện tại chỉ có ba quốc gia sử dụng WKW Wilk là Ba Lan, Việt Nam và Saudi Arabia. Theo như nhà sản xuất WKW Wilk thì Việt Nam đã mua 50 khẩu súng bắn tỉa loại này.

Giống như nhiều mẫu súng bắn tỉa hạng nặng khác WKW Wilk sử dụng thiết kế dạng bullpup - tức hộp tiếp đạn phía sau cò súng, có ưu điểm giúp tăng chiều dài nòng súng mà không ảnh hưởng đến chiều dài tổng thể.

Tuy nhiên, chiều dài nòng của WKW Wilk vẫn ngắn hơn so với mẫu súng SBT12 M1 do Việt Nam chế tạo có thiết kế tương tự, 880mm so với 1.000mm.

WKW Wilk có trọng lượng chiến đấu hơn 16kg bao gồm cả hộp tiếp đạn và ống ngắm quang học PMII 12-50x56, súng sử dụng khóa nòng trượt cùng hộp tiếp đạn rời 7 viên cỡ nòng .50 BMG (12,7×99mm NATO).

Tầm bắn hiệu quả của WKW Wilk vào khoảng 1.500m và tối đa lên đến 3.000m, sơ tốc đầu đạn của súng có thể đạt 882m/s. Với đạn tiêu chuẩn .50 BMG, một xạ thủ bắn tỉa với WKW Wilk hoàn toàn có thể gây thiệt hại nặng cho các phương tiện chiến đấu bọc thép của đối phương.

Đi tắt đón đầu: Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất - Ảnh 3.

Với cỡ đạn 12.7x12,7×99mm, tầm bắn của WKW Wilk có thể đạt tối đa tới 3.000m. Ảnh: pinterest.

Một ưu điểm khác của WKW Wilk so với các mẫu súng bắn tỉa cùng loại là việc nó được trang bị ống ngắm quang học Schmidt & Bende PMII 12-50x56 với độ phóng đại 12X ở cự ly 2.000 m với tiêu cự cố định cho độ chính xác cao.

Mặc dù là mẫu súng bắn tỉa ít tên tuổi thế nhưng năng lực chiến đấu của WKW Wilk đã được chứng minh trong suốt thời gian nó tham chiến tại Afghanistan trong trang bị Quân đội Ba Lan. Việc WKW Wilk có thể hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt như ở chiến trường Afghanistan đã cho thấy đây là mẫu súng đáng tin cậy, bền bỉ và hiệu quả.

"Đi tắt đón đầu" - Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất

Trong những năm qua cùng với sự phát triển không ngừng của các quân binh chủng, Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu có sự đầu tư lớn hơn cho các lực lượng tác chiến đặc biệt, như đặc công, hải quân đánh bộ, trinh sát đặc nhiệm và bắn tỉa. Trong đó riêng lực lượng bắn tỉa luôn được Quân đội ta quan tâm và có sự hỗ trợ đặc biệt về cả trang bị lẫn con người.

Sự lớn mạnh và không ngừng phát triển của lực lượng bắn tỉa Việt Nam được thể hiện rõ qua thành tích thi đấu ấn tượng khi lần đầu tham dự hội thao quân sự Army Games 2019 tại Nga trong tháng 8 vừa qua, với giải ba phần thi "Bắn tỉa trong hành tiến".

Đi tắt đón đầu: Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất - Ảnh 4.

Xạ thủ bắn tỉa Việt Nam luyện tập cho Army Games 2019 với súng bắn tỉa SVD. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Ngoài việc được đào tạo và rèn giũa kỹ năng để trở thành một người lính bắn tỉa thiện chiến, thì khí tài trang bị cũng đóng vai trò quan trọng cho phép người lính hoàn thành nhiệm vụ của mình. Do đó lực lượng bắn tỉa Việt Nam trong những năm qua được trang bị khá nhiều dòng súng bắn tỉa mới do trong và ngoài nước chế tạo.

Trong đó phổ biến nhất vẫn là các dòng súng bắn tỉa do như Dragunov SVD, IMI Galatz và IMI SR-99 (biến thể nâng cấp của Galatz), tuy nhiên đây chỉ là các dòng súng bắn tỉa hạng nhẹ sử dụng đạn tiêu chuẩn 7.62mm chỉ phù hợp để tiêu diệt bộ binh và một số phương tiện cơ giới thông thường.

Còn đối với các mục tiêu khó bị tiêu diệt như phương tiện chiến đấu bọc thép, các loại phương tiện cơ giới hay cả công sự thì lính bắn tỉa Việt Nam sử dụng các loại súng bắn tỉa hạng nặng như OSV-96, WKW Wilk và SBT12 M1. Đây là các loại súng bắn tỉa hạng nặng sử dụng đạn 12.7mm có sức sát thương và công phá cực mạnh nhờ được trang bị nhiều loại đạn khác nhau.

Đi tắt đón đầu: Lính bắn tỉa Việt Nam được trang bị kho vũ khí mạnh nhất - Ảnh 5.

Súng bắn tỉa OSV-96 do Việt Nam sản xuất được giới thiệu với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế.

Chỉ cần điểm sơ qua cũng có thể thấy lính bắn tỉa Việt Nam hiện tại đang sở hữu ít nhất 6 dòng súng bắn tỉa khác nhau và mỗi dòng đều có những tính năng kỹ chiến thuật cho từng loại nhiệm vụ nhất định.

Bên cạnh việc mua sắm mới các loại súng bắn tỉa từ nước ngoài, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam (CNQP) còn chủ động nghiên cứu sản xuất một số dòng súng bắn tỉa hiện đại dựa trên công nghệ và giấy phép của nước ngoài. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến súng bắn tỉa hạng nặng OSV-96, hay SBT12 M1 theo thiết kế của súng KSVK của Nga.

Từ điểm này có thể thấy, với các mẫu súng phức tạp như OSV-96 và KSVK mà chúng ta vẫn có thể chế tạo được thì những mẫu súng như WKW Wilk không phải là nhiệm vụ quá khó.

Không những chế tạo được súng bắn tỉa hiện đại, CNQP Việt Nam còn có thể chế tạo được các loại kính ngắm quang học có độ phóng đại lớn chuyên dùng cho súng bắn tỉa, cùng với đó là cả kính ngắm ngày đêm hay kính ngắm đêm.

Với một vài điểm trên có thể nhận định, sự phát triển và lớn mạnh của CNQP Việt Nam hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ trong trang bị các loại khí tài đặc chủng cho các lực lượng tác chiến đặc biệt như lính bắn tỉa, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài như trước đây. Đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong tình hình mới.

Những hoạt động huấn luyện, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn Gia Định , Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại