Ca bệnh hiếm: Cô bé lớp 9 chân ngắn chân dài khiến bác sĩ buộc phải thay khớp háng

LH |

Các BS khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Đa khoa Xanh Pôn buộc phải thay khớp háng cho 1 bé gái lớp 9 để bảo toàn chi, tránh cho em bị tàn tật suốt đời khi tuổi đời còn nhỏ.

Mới đây, khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tiếp nhận một nữ sinh lớp 9 tên Đỗ Thị Kim C sinh năm 2003 đến từ Hưng Yên, vào viện trong tình trạng đau nhiều, dữ dội vùng háng phải, không thể hoạt động, đi lại được. Ngay lập tức nữ sinh Đỗ Thị Kim C được thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết và PGS.TS. Trần Trung Dũng – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – PGĐ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trực tiếp thăm khám và chẩn đoán. Theo đó  bệnh nhân C được chẩn đoán bị thoái hóa khớp háng phải thứ phát do viêm khớp háng cũ bỏ sót 4 năm nay.

Từ phim chụp XQ, kết quả cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, PGS.TS. Trần Trung Dũng kết luận cơn đau dữ dội mà em C phải chịu đựng tới mức không thể đi lại được là do ổ cối, chỏm xương đùi bên phải đã biến dạng hoàn toàn. 

Ca bệnh hiếm: Cô bé lớp 9 chân ngắn chân dài khiến bác sĩ buộc phải thay khớp háng - Ảnh 1.
Ca bệnh hiếm: Cô bé lớp 9 chân ngắn chân dài khiến bác sĩ buộc phải thay khớp háng - Ảnh 2.

Kết quả phim chụp XQ và CT thấy ổ cối và chỏm xương đùi biến dạng hoàn toàn

Với kinh nghiệm của mình, PGS. TS. Trần Trung Dũng cho biết ông rất hiếm gặp ca bệnh nhiều thách thức như vậy. Nhất là khi bệnh nhân còn ở lứa tuổi thiếu niên, cuộc đời tương lai còn dài và lại là nữ giới mà có nguy cơ cao bị tàn tật suốt cuộc đời. Đặc biệt, PGS. TS. Trần Trung Dũng bày tỏ điều đáng tiếc nhất là bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được can thiệp sớm và đúng cách.

Chị Đỗ Thị Nga (45 tuổi, Đông Kết – Khoái Châu – Hưng Yên) mẹ của bệnh nhân C cho biết:  con gái chị bắt đầu cơn đau từ năm học lớp 6 tức là lúc cháu mới chỉ 12 tuổi. Khi đó vùng háng phải của cháu tự dưng đau âm ỉ, hơi khó vận động dù con chị  không bị ngã hay va quệt vào đâu. Do còn nhỏ tuổi, đi học và tâm lý cố gắng giúp đỡ mẹ việc nhà do nhà neo người ( chồng chị mất mất sớm, chị gái C học ở xa) nên C  nén chịu đau, nhiều khi đang ngồi học C phải ngừng học giữa chừng. Theo thời gian, cơn đau xuất hiện ngày một mạnh hơn, có lúc đau quá chị cho con uống thuốc giảm đau. Các môn học thể dục ở trường con gái chị gần như không thể hoàn thành.

Em C bắt đầu quá trình khám chữa bệnh dai dẳng của mình tại một bệnh viện ở Hà Nội. Khi đó những cơn đau âm ỉ thì kéo dài liên tục, xem kẽ là những cơn đau cấp. Chị Nga không còn nhớ rõ bác sĩ điều trị hồi đó đã chẩn đoán con chị  bị bệnh gì, chỉ nhớ là bác sĩ đã bó bột cho con trong vòng 1 tháng.

Trong  tháng đó các triệu chứng của C không có dấu hiệu thuyên giảm. Chị được bác sĩ ở viện đó  giới thiệu tới một cơ sở y tế khác, tại đây các bác sĩ giải thích con gái chị  có một khối bất thường vùng khung chậu bên phải và tình trạng bệnh của con cần phải được phẫu thuật. Vậy là cuộc phẫu thuật diễn ra và các tổ chức khối vùng khung chậu được nạo vét, lấy bỏ. Sau phẫu thuật C nằm điều trị nội trú 3 tháng rồi xuất viện. Từ sau cuộc phẫu thuật, các cơn đau có giảm đi, xuất hiện với tần số ít hơn và các hoạt động của con gái chị dần dần trở lại bình thường mặc dù vẫn còn ít nhiều khó khăn, có sự chênh lệch chiều dài chi gần 2 cm làm cho tư thế đi lại của C không được tự nhiên (Ảnh 3)

Ca bệnh hiếm: Cô bé lớp 9 chân ngắn chân dài khiến bác sĩ buộc phải thay khớp háng - Ảnh 3.

Tư thế đứng tự nhiên của em, chân trái luôn chịu trọng lượng chính vì dài hơn chân phải

Chị Nga cũng chủ quan nên sau bốn năm phẫu thuật đã không cho con gái tới tái khám và kiểm tra lại. Cho tới gần 1 tuần trước khi nhập viện Xanh Pôn,  các cơn đau xuất hiện nhiều lên và liên tục, mức độ đau ngày càng  dữ dội, C không thể tự đi lại được và  chị đã đưa còn đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và được chẩn đoán như trên.

Trước ca bệnh nhiều thách thức – quyết định lựa chọn có thay khớp háng cho em C hay không là điều được các bác sĩ cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nếu thay khớp háng nhân tạo em mới có hy vọng trở lại được với sinh hoạt, hoạt động hàng ngày. Còn nếu không phẫu thuật em C sẽ buộc phải tháo khớp trở thành cô gái tàn tật vĩnh viễn ngay khi còn ở tuổi vị thành niên. Điều này thật khó tưởng tượng và khó chấp nhận đối với bệnh nhân.

Trường hợp của em Đỗ Thị Kim C đã được hội chẩn giữa PGS.TS. Trần Trung Dũng và Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng trực thuộc Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Lúc này các phương án, rủi ra đã được đặt ra và thực sự đã làm đau đầu các phẫu thuật viên. Kết quả cuộc hội chẩn đều thống nhất đi đến quyết định là phải tiến hành phẫu thuật thay khớp háng toàn phần với hi vọng trả lại các hoạt động và sinh hoạt bình thường cho em C

Các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng lại một lần nữa và dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính, sử dụng công nghệ thông tin để dựng hình khung chậu ba chiều của bệnh nhân, mọi chỉ số về kích thước, các góc độ của ổ cối và chỏm xương đùi, độ chênh lệch chiều dài giữa hai bên chân đều được đo tỉ mỉ và chính xác.

Ekip mổ phẫu thuật gồm có PGS. TS. Trần Trung Dũng – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Ths. Bác sĩ nội trú. Phạm Trung Hiếu – Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, BS Đào Nguyên Chính – Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu. Với sự trao đổi chuyên môn, tính toán các chỉ số và tiên lượng các khả năng có thể xảy ra trong mổ giữa các thành viên, ca mổ thành công tốt đẹp sau khoảng một tiếng đồng hồ.

Sau mổ bệnh nhân được nằm theo dõi tại khoa, tập phục hồi chức năng 3 ngày. Hiện tại các cơn đau của em đã không còn, khớp háng có thể vận động hoàn toàn bình thường như bên lành, không còn chênh lệch chiều dài giữa 2 chân. Bệnh nhân C có thể đi lại được một quãng đường xa mà không còn ngại ngùng vì có dáng đi khác thường trước đây. Em C có thể nói là đã may mắn khi được chẩn đoán đúng không quá muộn, không để lại di chứng và tàn tật sau ca bệnh.

Ca bệnh hiếm: Cô bé lớp 9 chân ngắn chân dài khiến bác sĩ buộc phải thay khớp háng - Ảnh 4.

Sự chênh lệch chiều dai chi đã không còn sau khi phẫu thuật

Ba thập kỷ trở lại đây, kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo đã phát triển không ngừng với nhiều ứng dụng càng ngày càng hữu ích hơn. Tuy nhiên chỉ định thay khớp háng ở trẻ em cần phải được cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng. Hầu hết các trường hợp ghi nhận phải tiến hành phẫu thuật thay khớp ở trẻ em trong các bệnh lý sau: Viêm khớp háng mạn tính như viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi thanh thiếu niên; Bệnh lý viêm cột sống dính khớp, khi các dấu hiệu gợi ý ở giai đoạn sớm như đau âm ỉ khớp háng gấn như bị chủ quan, bỏ qua, không đi khám, đến khi các triệu chứng rầm rộ lên thì bệnh đã tiến triển đến các giai đoạn nặng hơn.

Chỉ định phẫu thuật thay khớp háng được đặt ra khi hội tụ đủ các yếu tố sau:

- Các cơn đau xuất hiện thường xuyên, liên tục, dữ dội không thể kiểm soát được bằng các loại thuốc giảm đau

- Sự chênh lệch chiều dài chân hai bên khiến dáng đi mất cân đối và quan trọng là các phẫu thuật khác không còn hiệu quả.

Ở trẻ em, cấu trúc xương và sụn chưa phát triển hoàn thiện hết, cấu trúc sụn phát triển ở vị trí đầu trên xương đùi cần phải được tính toán kỹ trước phẫu thuật vì đây là cấu trúc chính giúp tăng chiều cao.

Ngoài ra, cấu trúc xương ở ổ cối, khung chậu và xương đùi của trẻ em cũng khác với người lớn. Chính vì thế, bác sĩ cần phải tính toán đến cả các vị trí chịu lực, lực nén của trọng lực và sự chênh lệch chiều dài chi sau phẫu thuật khi đi lại.

Khớp háng nhân tạo thường có tuổi thọ trung bình 20 – 30 năm, do đó khi bệnh nhân đến độ tuổi trưởng thành thì phẫu thuật thì hai để thay thế một loại khớp nhân tạo khác cũng được đặt ra.

Qua trường hợp này, PGS. TS. Trần Trung Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi con mình bị đau dù là nhẹ. Kiểu cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc bất kì dấu hiệu bất thường nào của cơ thể cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho một bệnh lý phức tạp và hoàn toàn ta có thể tránh khỏi nếu can thiệp kịp thời nhất là đối với trẻ em.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại