Dân buôn Trung Quốc "to gan" săn lùng phụ tùng tiêm kích Su-27: FSB giăng bẫy "hốt trọn ổ"?

Bảo Lam |

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với các chiến đấu cơ hiện đại do Nga chế tạo nói chung và tiêm kích Su-27 nói riêng đã trở thành việc rất "dân dã".

To gan buôn lậu phụ tùng tiêm kích Su-27

Tờ Kommersant (Nga) cho biết, Cơ quan điều tra liên vùng về lĩnh vực vận tải Moscow thuộc đang điều tra vụ án hình sự liên quan tới hai công dân Trung Quốc bị buộc tội buôn lậu các phụ tùng của máy bay tiêm kích Su-27.

Theo nghi vấn của cơ quan điều tra, những người Trung Quốc đã vận chuyển trái phép vào Nga thiết bị cung cấp nhiên liệu, và định đưa ra khỏi Nga thiết bị cảm biến nhiệt vốn được sử dụng trên tiêm kích Su-27. Những đối tượng bị điều tra không thừa nhận sai phạm của mình.

Công tác điều tra được bắt đầu sau khi các nhân viên Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) đã phát hiện trong một căn hộ trên phố Dobrolyubova ở Moscow thiết bị cung cấp nhiên liệu của máy bay tiêm kích Su-27 – đây là một thiết bị không quá to, được đặt bên trong chiếc hộp có kích thước 20x30cm.

Chủ nhân của căn hộ cho biết rằng thiết bị này của người phụ nữ sống cùng là Marina Zakharova, chuyên kinh doanh các phụ tùng của máy bay qua các trang mạng internet.

Bản thân cô Zakharova chia sẻ rằng thiết bị này được các công dân Trung Quốc là Zhao Xin và Li Hongliang đặt hàng vào năm 2018 với giá 18 nghìn USD. Người phụ nữ này đã rao thông tin nói trên lên internet.

Sau đó một thời gian, một người đàn ông tên là Sergei Paukov, tự giới thiệu hiện đang là nhân viên của xí nghiệp "Agat" ở thành phố Gavrilov-Yam (Nga) chuyên sản xuất phụ tùng máy bay.

Sau khi mua thiết bị này của đối tượng nói trên với giá 540 nghìn rúp, cô Marina Zakharova đã chuyển nó tới Trung Quốc qua cửa khẩu hải quan Ussuriysk. Tuy nhiên, những người đặt hàng đã thông báo rằng thiết bị này bị lỗi và yêu cầu đổi thiết bị khác.

Khi mang trả lại, thêm một công dân Trung Quốc nữa dễ dàng vượt qua bộ phận kiểm soát hải quan tại sân bay Sheremetyevo, mà không bị đặt bất cứ câu hỏi nào.

Dân buôn Trung Quốc to gan săn lùng phụ tùng tiêm kích Su-27: FSB giăng bẫy hốt trọn ổ? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-27.

FSB "giăng bẫy" hốt trọn ổ?

Tuy nhiên, các bên tham gia thoả thuận này không hề biết rằng họ đã bị các nhân viên FSB theo dõi trong vòng vài tháng qua. FSB đã không vội vã bắt giữ món hàng để lần ra dấu vết những kẻ đặt hàng.

Trong quá trình lấy lời khai, cơ quan chức năng đã xác định được rằng các công dân Trung Quốc còn đặt thêm "thiết bị cảm biến nhiệt" cũng của tiêm kích Su-27 mà sĩ quan nghỉ hưu có tên là Alexandr Vasilev hứa cung cấp.

Khi các nhân viên an ninh có mặt tại nhà của ông Vasilev, thì sĩ quan nghỉ hưu nói rằng phụ tùng này được công dân Trung Quốc Zhao Li đặt hàng, còn bản thân ông không biết rằng để bán thiết bị cảm biết nhiệt phải có giấy phép của Cơ quan Hợp tác về kỹ thuật – quân sự Liên bang Nga.

Các nhân viên FSB đã đề nghị sĩ quan nghỉ hưu hợp tác phá án – thoả thuận với các công dân Trung Quốc về việc bán thiết bị cảm biến nhiệt và nhận tiền đặt cọc dưới sự kiểm soát của cơ quan an ninh.

Chấp nhận hợp tác, ông Vasilev đã gặp mặt Zhao Xin và Li Hongliang tại khách sạn ở Izmailovo (Moscow). Sau đó vài ngày, khi nhận được số tiền đặt cọc 10 nghìn USD, sĩ quan nghỉ hưu đã thuyết phục những công dân Trung Quốc rằng sẽ gửi cho họ thiết bị cần thiết trong thời gian sớm nhất.

Dân buôn Trung Quốc to gan săn lùng phụ tùng tiêm kích Su-27: FSB giăng bẫy hốt trọn ổ? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-27.

Ở một hướng khác, cuộc gặp với những người Trung Quốc của cô Marina Zakharova, người cũng chấp nhận hợp tác với cơ quan an ninh, đã diễn ra theo kịch bản tương tự.

Cô Zakharova đã gặp gỡ các khách hàng tại một quán café ở Moscow để trả lại 5 nghìn USD vì thiết bị lỗi, nhưng ngay khi người phụ nữ này đặt tiền lên trước mặt những công dân Trung Quốc và bước ra khỏi quán, thì các đối tượng bị FSB còng tay.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự đối với Zhao Xin và Li Hongliang với tội danh "buôn lậu vũ khí hoặc thiết bị quân sự". Các công dân Trung Quốc không nhận tội khi khẳng định rằng họ không hề quan tâm tới các phụ tùng máy bay, mà là phân bón.

Và họ đã từng nghiên cứu triển vọng của thị trường Nga. Tuy nhiên, họ không giải thích được tại sao cô Marina Zakharova lại đưa cho họ 5 nghìn USD. Nhưng họ trả lời rằng đã đưa cho sĩ quan nghỉ hưu Vasilev 10 nghìn USD, dường như để thanh toán cho bản hợp đồng mua các vòng bi đã được giao kèo trước đó.

Hiện nay, cơ quan điều tra đã chỉ định công tác giám định. Về phần mình, các luật sư bào chữa cho những công dân Trung Quốc tuyên bố rằng các thân chủ của họ bị buộc tội buôn lậu, mà không xác định được hành vi.

Dù sao thì một trong những thiết bị được vận chuyển ra ngoài biên giới Nga một cách dễ dàng. Cơ quan điều tra cũng không thể giải thích được tại sao những công dân Trung Quốc lại cần các phụ tùng cho máy bay tiêm kích.

"Tiêm kích Su-27 đã được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép, còn những thiết bị của vụ án, theo thông tin của chúng tôi, không hề mang tính chất của sản phẩm sáng tạo để copy công nghệ", một trong số các luật sư chia sẻ với phóng viên báo Kommersant.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại