Mỹ rút quân và cơ hội cho IS hồi sinh

Cẩm Bình |

Động thái rút quân khỏi vùng đông bắc Syria của Mỹ đem đến một mối nguy lớn: IS lại có chốn ẩn náu để lên kế hoạch tổ chức tấn công khủng bố hay tuyên truyền tư tưởng cực đoan.

Động thái rút quân khỏi vùng đông bắc Syria của Mỹ đem đến một mối nguy lớn: IS lại có chốn ẩn náu để lên kế hoạch tổ chức tấn công khủng bố hay tuyên truyền tư tưởng cực đoan.

Không ít quan chức quân sự đánh giá Mỹ khi không còn lực lượng đồn trú thì chẳng thể làm được gì ngoài giám sát và cố ngăn chặn hoạt động của IS tại Syria. Trung tướng nghỉ hưu Michael Nagata từng tham gia nỗ lực chống khủng bố giai đoạn đầu nhận xét:

“Mục tiêu của chúng tôi là đánh bại IS, và họ chưa hoàn toàn thất bại. Khi tình hình chiến lược thay đổi đáng kể thì liên quân do Mỹ đứng đầu phải tái điều chỉnh. Ta khó đạt mục tiêu hơn”.

Ngoài chuyện IS hồi sinh, Mỹ còn đối mặt với nguy cơ vùng đông bắc Syria rơi vào tầm kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Nga. Dân quân Kurd trước đó đồng ý bắt tay cùng quân đội Syria chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Cựu quân nhân Eric Robinson lưu ý rằng việc rút quân (dân quân Kurd hợp tác lâu nay cũng rời đi) khiến công tác thu thập tin tình báo về IS trở nên khó khăn.

“Khả năng tìm hiểu năng lực, ý định IS để từ đó xây dựng chiến dịch đột kích suy giảm đáng kể”, theo ông Robinson.

Mặc dù IS hoàn toàn có thể lên kế hoạch và chỉ đạo thực hiện những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” bên ngoài Trung Đông mà không nhất thiết cần đến chốn ẩn náu, tuy nhiên một nơi như vậy có ích cho hoạt động tuyên truyền.

Lúc còn chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng lớn, IS kích động những đối tượng ủng hộ thực hiện hàng loạt vụ khủng bố chấn động.

Khi chịu nhiều thất bại trên thực địa và mất đi nhiều lãnh thổ thì năng lực kích động của chúng cũng giảm đi, do hoạt động tuyên truyền bị hạn chế nhiều (ví dụ như chẳng còn xuất bản tài liệu tiếng Anh được nữa).

Nhưng IS đang đứng trước cơ hội khôi phục bộ máy tuyên truyền, tại vùng đông bắc Syria.

Mỹ có phương án gì?

Lầu Năm Góc lâu nay thực thi chính sách hợp tác với lực lượng dân chủ Syria (SDF, nòng cốt là dân quân Kurd) ngăn IS hồi sinh.

Đây là đơn vị trực tiếp chiến đấu lẫn cung cấp tin tình báo quý giá cho Mỹ. Rồi mọi chuyện đảo lộn vì quyết định rút quân, để mặc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự nhằm vào dân quân Kurd.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ chính quyền Washington mong muốn duy trì quan hệ với dân quân Kurd bất chấp họ quay sang phía Tổng thống al-Assad và Nga. Nhưng dù có giữ được quan hệ, dường như Mỹ sẽ đánh mất mối liên kết trực tiếp với đồng minh từng cùng chống IS.

Tổng thống Donald Trump trước đó cho biết ông vẫn để lại một lượng quân nhỏ tại một căn cứ tên al-Tanf phía đông nam Syria. Nơi đây tồn tại một vấn đề: quá xa chốn ẩn náu của IS, địa hình lại gồ ghề nên khó lòng hỗ trợ các chiến dịch càn quét khủng bố.

Phương án khác là tổ chức những đợt đột kích không định kỳ vào đông bắc Syria, bằng cách điều quân từ Iraq (dùng trực thăng). Nhưng cách này cũng có rủi ro cao là lính Mỹ phải “tự lực cánh sinh” chứ chẳng hề được lực lượng nào khác hỗ trợ.

Hoặc có thể không kích bằng máy bay có người lái lẫn không người lái. Một quan chức cho biết họ sắp tới vẫn cử máy bay trinh sát theo dõi khu vực. Mỹ triển khai chiến thuật này tại Yemen, Somalia, Pakistan – nơi chính quyền nước sở tại mở cửa không phận cho họ, chính quyền Tổng thống al-Assad chưa chắc dễ dàng chấp nhận làm vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại