Mỹ rút, Moskva thừa cơ cầm trịch Bắc Syria: Lính Nga án ngữ chiến tuyến giữa quân Thổ-SAA

Hải Võ |

AP đưa tin, Nga bắt đầu lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại ở miền Bắc Syria sau khi rút lực lượng khỏi khu vực này để tránh bị cuốn vào chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Nga lấp khoảng trống do Mỹ để lại

Theo AP, quân đội Nga ngày thứ Ba (15/10, giờ địa phương) đã triển khai lực lượng để giữ khoảng cách giữa quân đội chính phủ Syria (SAA) và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh.

Trong khi đó, căng thẳng leo thang bên trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ chỉ trích từ những đồng minh đối với chiến dịch của mình. Bước sang ngày thứ 7, cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - thành phần nòng cốt trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn - được mô tả là đang một lần nữa vẽ lại bản đồ miền Bắc Syria sau 8 năm ròng xung đột.

Mỹ rút, Moskva thừa cơ cầm trịch Bắc Syria: Lính Nga án ngữ chiến tuyến giữa quân Thổ-SAA - Ảnh 1.

Các binh sĩ quân chính phủ Syria triển khai tại căn cứ không quân Tabqa ở thành phố Raqqa, Syria. Hãng tin nhà nước SANA cho hay, bên cạnh Tabqa, quân chính phủ cũng tiến vào một số ngôi làng ở phía Nam tỉnh Raqqa (Ảnh: SANA)

AP cho hay, Nga đã nhanh chóng hành động để củng cố vị thế trung gian quyền lực, sau khi tổng thống Donald Trump ra lệnh rút lực lượng Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria. Hành động của Mỹ bị cho là bỏ rơi hoàn toàn đồng minh người Kurd và "mở cửa" cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nghiền nát đối thủ.

Trong tình thế hiểm nghèo, người Kurd thông qua Nga làm trung gian đã thỏa thuận được với chính phủ tổng thống Syria Bashar al-Assad, cho phép quân chính phủ tiến vào các thành phố biên giới do SDF kiểm soát để hỗ trợ chống đỡ các cuộc tấn công của quân Thổ.

Một video được các phóng viên Nga đồng hành cùng các binh sĩ SAA chia sẻ cho thấy một tiền đồn mà quân Mỹ từng kiểm soát đã bị bỏ lại, và binh lính chính phủ vẫy cờ trên đường phố.

Theo Bộ quốc phòng Nga, ở bên ngoài thành phố Manbij, bờ Tây sông Euphrates, binh sĩ Nga bắt đầu tuần tra ở các tiền tuyến nằm giữa các cứ điểm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhằm phân tách hai phe.

Mỹ rút, Moskva thừa cơ cầm trịch Bắc Syria: Lính Nga án ngữ chiến tuyến giữa quân Thổ-SAA - Ảnh 2.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ngồi nghỉ ở thành phố Manbij, miền Bắc Syria, ngày 14/10/2019 (Ảnh: AP)

Nga sẽ không cho phép xung đột SAA-Thổ

Đặc phái viên Nga về vấn đề Syria ông Alexander Lavrentyev nói "không có ai hứng thú" với một cuộc xung đột tiềm tàng giữa quân chính phủ Syria và lực lượng Thổ. Ông khẳng định Nga "sẽ không cho phép điều đó".

Lavrentyev xác nhận các thủ lĩnh người Kurd và đại diện chính phủ Assad đã đối thoại tại căn cứ của Nga vào tuần trước.

Dù vậy, giao tranh vẫn xảy ra gần Manbij. Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 1 binh sĩ thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong cuộc tấn công nhằm vào họ. Quân Thổ cho biết đã tấn công trả đã và "vô hiệu hóa" 15 tay súng người Kurd.

Dọc tuyến biên giới Thổ-Syria, người Kurd tiếp tục chống trả nhằm chiếm lại thị trấn Ras al-Ayn, cứ điểm bị quân Thổ chiếm được vài ngày trước đó. Phóng viên AP ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ giội bom các mục tiêu ở xung quanh Ras al-Ayn vào ngày 15.

Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) báo cáo rằng người Kurd đã tái chiếm thành công thị trấn, nhưng giằng co vẫn tiếp diễn tại đây, trong khi báo chí Thổ Nhĩ Kỳ nói quân đội nước này đã phản ứng trước ý đồ giành lại Ras al-Ayn.

Mỹ rút, Moskva thừa cơ cầm trịch Bắc Syria: Lính Nga án ngữ chiến tuyến giữa quân Thổ-SAA - Ảnh 3.

Các tay súng đối lập Syria - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - chuẩn bị phương tiện quân sự tại thành phố Manbij, ngày 14/10/2019 (Ảnh: AP)

Người Kurd chấp nhận đổi tự trị lấy sinh tồn

Trong khi Nga cùng lực lượng chính phủ Assad tiến vào miền Bắc Syria thế chân Mỹ, Washington tìm cách kìm hãm chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ bằng lệnh cấm vận được tổng thống Donald Trump thông báo hôm 14/10. Mỹ cũng kêu gọi Ankara ngừng bắn và tổ chức đối thoại với người Kurd, đồng thời cử phó tổng thống Mike Pence cùng cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tới Thổ Nhĩ Kỳ để khởi động đàm phán.

Bảo vệ quyết định phát động chiến dịch quân sự, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực của nước này nhằm tạo ra "vùng an toàn" tái định cư cho người tị nạn ở Đông Bắc Syria.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã chạm đến giới hạn," Erdogan viết trên tờ Wall Street Journal, đề cập 3.6 triệu người Syria đang tị nạn ở nước này. Ông cảnh báo Ankara sẽ không thể ngăn dòng chảy tị nạn đổ vào phương Tây nếu không có hỗ trợ từ quốc tế.

Sau thỏa thuận với Damascus để tránh họa diệt vong, giới quan sát cho rằng người Kurd đã chấp nhận rủi ro để mất quyền tự trị thực tế mà họ thiết lập được ở Đông Bắc Syria kể từ khi chính phủ rút quân khỏi khu vực này vào 7 năm trước. Dường như họ kỳ vọng với sự dàn xếp của Nga, đôi bên có thể đạt được một thỏa thuận cho phép giữ lại mức độ tự trị nhất định của người Kurd.

Nhưng dù thế nào, hiệu ứng của thỏa thuận đã được ghi nhận. Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra né tránh giao tranh với quân đội Syria ở những nơi mà họ tiến vào - AP cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại