Bác sĩ người Việt ở Mỹ cảnh báo những tác hại nghiêm trọng của bụi mịn lên trẻ em

BS Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ) |

Sau những ngày ô nhiễm không khí liên tiếp lên đến cao điểm ở Hà Nội và TP HCM, gần đây người Việt Nam đã bắt đầu chú ý tới ô nhiễm không khí và bụi mịn nói riêng.

Tác hại của bụi mịn ra sao, đã có nhiều bài báo nói rõ các nguy cơ nó gây ra cho hệ hô hấp và tim mạch. Người già và trẻ em là hai đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là trẻ em.

Nhưng không chỉ có vậy, bụi mịn với kích thước siêu nhỏ của nó còn gây hại đến tận tế bào, ảnh hưởng đến bào thai từ lúc chưa tượng hình cho đến tận sau khi sinh.

Trẻ em dễ bị ảnh hưởng vì bụi mịn nhiều hơn người lớn

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-18 lúc 9

Tác giả: BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU).

Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Lý do là vì trẻ em thở liều không khí cao hơn người lớn và thở nhanh hơn, có tốc độ chuyển hoá cao hơn, nên lượng không khí thở trên cân nặng của chúng cao hơn người lớn.

Phổi trẻ em chưa phát triển hoàn thiện. Khi sinh ra, chúng chỉ mới xong "phần thô", còn "phần nội thất" tới 6 tuổi mới hoàn chỉnh, nên có nguy cơ chịu ảnh hưởng ở phế nang cao hơn và bụi mịn vào máu cao hơn.

Cụ thể não trẻ em vẫn đang phát triển cho tới 2 tuổi, hàng rào máu não không kiên cố bằng người lớn nên bụi mịn dễ xâm nhập. Hệ thống miễn dịch trẻ em cũng còn đang phát triển. 

Trẻ em lại thấp bé hơn người lớn, mà lượng bụi mịn lại đọng ở vùng thấp nhiều hơn. Ống pô xe cộ thải khói nằm ngay tầm mũi của trẻ. 

Người ta khảo sát thấy ở cùng một nơi, trẻ em hít nhiều bụi mịn hơn người lớn 30%.

Trẻ em cũng chơi ngoài trời nhiều hơn, nên nếu không khí ô nhiễm thì chúng hít phải nhiều hơn người lớn.

Tác hại ngay từ bào thai

Ngoài các tác hại như với người lớn, trẻ em còn chịu thêm các tác hại trầm trọng và lâu dài hơn cả người lớn. Vì bụi mịn có thể vào trong máu nên ảnh hưởng này bắt đầu trước khi tượng hình, lúc còn là bào thai và tiếp tục cho đến sau khi sinh.

Bụi mịn có mối liên hệ trực tiếp với tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi do bệnh hô hấp, và SIDS (đột tử ở trẻ em). Tăng nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, chậm phát triển trong tử cung, gây bệnh đầu nhỏ, chiều cao thấp ở trẻ sơ sinh.

Ô nhiễm không khí với CO và ozone làm tăng tỷ lệ tim bẩm sinh và các bất thường về mạch máu.

Bác sĩ người Việt ở Mỹ cảnh báo những tác hại nghiêm trọng của bụi mịn lên trẻ em - Ảnh 5.

Tác hại của bụi mịn đến các bộ phận trên cơ thể

Ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch trẻ em, tăng nguy cơ thiếu Vitamin D và bệnh còi xương do không tiếp xúc được với tia UVB. Ảnh hưởng xấu đến phát triển về thần kinh, chức năng vận động, khả năng nhận thức của trẻ em.

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong những năm đầu đời làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ. Tiếp xúc với các chất độc trong bụi mịn như PAH, nitrates, ozone, kim loại, thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ rối loạn tự kỷ thông qua đột biến gene.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy tỷ lệ trẻ tự kỷ cao gấp đôi ở những gia đình sống gần đường cao tốc (dưới 309 m).

Tháng 10/2018, WHO ra khuyến cáo rằng hiện nay 90% trẻ em đang thở không khí độc hại mỗi ngày, nhất là ở các nước nghèo đang phát triển.

Đến đây chúng ta có thể thấy tác hại của ô nhiễm không khí lên con người nhất là trẻ em là một tác động toàn diện tới tận DNA và lâu dài. Việt Nam chưa phải là nước bị ô nhiễm hàng đầu, nhưng với chính sách hy sinh môi trường để phát triển kinh tế thì ô nhiễm không khí sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bài viết này không phải để khiến mọi người hoảng sợ mà muốn chúng ta cùng nhìn rõ nguy cơ của tương lai. Giàu có hơn mà bị đầu độc từng giây từng phút, con cái chúng ta ngày càng đần độn hơn, nhiều người phải chết sớm hơn, cái giá phải trả có đáng không?

Bụi mịn PM2.5 gây hại ở mức tế bào

PM

Tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp các nhà khoa học nghiên cứu tác động của PM2.5 ở mức tế bào và di truyền.

Người ta đã xác định sự có mặt của các hợp chất gây ung thư và đột biến gene trong PM2.5. Điển hình như chất hữu cơ vòng thơm (PAC), nitro-PAC trong khí đốt công nghiệp, PAH, nitrated PAD, nitro-lactones trong khí thải từ nấu ăn không phải từ gas hay điện. PM2.5 có thể vào mạch máu cũng giống như chúng ta tiêm tĩnh mạch các hoá chất độc hại này vào trong cơ thể mỗi ngày một ít vậy.

Trong một nghiên cứu khác, người ta khảo sát tác động của mẫu khí từ thành phố lớn và từ nông thôn lên tế bào phế nang phổi trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy mẫu khí từ thành phố lớn tạo nên phản ứng độc hại cho tế bào và gene, còn mẫu khí từ nông thôn không có các hiệu quả độc hại trên.

Điều này giải thích vấn đề ô nhiễm làm tăng ung thư và các bệnh ở các cơ quan ngoài phổi, các ảnh hưởng đến trí thông minh trẻ em và gây rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em.

Bụi mịn là gì?

Bụi mịn là hỗn hợp của chất lỏng và các hạt rắn cực nhỏ lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được. Bụi không nhìn thấy gồm PM10 và PM2.5. PM10 là bụi có đường kính từ 2.5-10 microns, bụi mịn PM2.5 là bụi có đường kính <2.5 microns, bụi siêu mịn PM0.1 là loại bụi đường kính <0.1 micron.

Một sợi tóc có đường kính khoảng 70 microns, PM2.5 loại lớn nhất vẫn nhỏ hơn 70 lần so với đường kính sợi tóc.

Bụi mịn từ đâu ra?

Bụi mịn chủ yếu đến từ quá trình đốt cháy nhiên liệu như:

- Khói thải xe cộ, máy móc.

- Khói thuốc lá.

- Nhà máy nhiệt điện là nguồn thải bụi mịn khổng lồ.

- Phản ứng hoá học thứ phát giữa chất thải từ nhà máy nhiệt điện và các khí khác trong môi trường.

- Chất đốt trong quá trình nấu nướng, sưởi ấm, phát sát, đặc biệt là than đá.

- Cháy rừng và các vụ cháy khác.

PM2

Nhà máy nhiệt điện là nguồn bụi mịn khổng lồ

Tại sao PM2.5 rất nguy hiểm?

Vì kích thước rất nhỏ của nó.

Trong khi PM10 có thể được ngăn chặn phần lớn bởi chất tiết đường hô hấp, lông mao trong đường hô hấp và một phần từ khẩu trang, thì PM2.5 gần như tự do đi vào nơi sâu nhất của phổi là thành phế nang.

Các nhà khoa học đã chứng minh được các hạt nano bụi mịn có thể vào trong máu. Họ thử với hạt nano vàng và thấy người hít vào phổi có nồng độ nano vàng trong máu và nước tiểu tăng cao tới 3 tháng sau đó. Bụi mịn có thể xuyên qua cả hàng rào máu não vốn kiên cố và vào trong não.

pm3

Khói thải xe cộ cũng là nguồn "cung cấp" bụi mịn

Nguy hiểm hơn nữa, vì kích thước nhỏ, chúng có thể xuyên qua hàng rào mạch máu vào thẳng trong máu, từ đó chu du khắp cơ thể và có thể ảnh hưởng đến gần như toàn bộ cơ thể.

Mỗi ngày một người lớn hít vào phổi khoảng 10 m3 không khí. Giả sử nồng độ bụi mịn P2.5 ở Hà Nội bằng nhau ở mọi nơi, tức 37Mcg/m3 theo số liệu ngày 03/10/19, mỗi người sẽ hít vào trong phổi 370 mcg bụi mịn PM2.5 trong một ngày, chưa kể các bụi khác to hơn.

Các chất độc hại trong PM2.5 sẽ tạo ra phản ứng viêm, phóng thích các hoá chất trung gian độc hại và các gốc tự do trong cơ thể. Quá trình này xảy ra ở thành mạch máu trong toàn bộ cơ thể, làm tăng cao nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mm não, đái tháo đường.

PM2.5 gây nhiều tác động trực tiếp lên phổi như gây viêm phổi, giảm chức năng phổi, kích phát tăng nặng hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…

Năm 2013, WHO công nhận ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân gây ung thư phổi. Họ ước tính mỗi năm có khoảng 4,2 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không khí, chủ yếu là từ ung thư phổi (29% tổng số ung thư phổi), nhiễm trùng hô hấp (17%), nhồi máu cơ tim (24%), tai biến mm não (25%), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (43%).

Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hơn?

Tham khảo:

https://www.niehs.nih.gov/health/topics/agents/air-pollution/index.cfm

https://www.who.int/airpollution/ambient/health-impacts/en/

https://www.epa.gov/pm-pollution/particulate-matter-pm-basics#PM

https://www.who.int/news-room/detail/29-10-2018-more-than-90-of-the-world%E2%80%99s-children-breathe-toxic-air-every-day

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S014765131630029X

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1278474/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17365590

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17951105

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31534295

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2528642/

https://www.unenvironment.org/news-and-stories/blogpost/young-and-old-air-pollution-affects-most-vulnerable

https://www.theguardian.com/environment/2016/oct/31/300-million-children-live-in-areas-with-extreme-air-pollution-data-reveals

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại