Người mang những gen này phải cẩn thận vì có nguy cơ cao bị kích hoạt tế bào ung thư

Ngọc Anh |

Theo PGS Phạm Cẩm Phương, những người mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ ung thư vú cao hơn người bình thường.

Gia tăng bệnh ung thư vú

Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người mắc ung thư vú và cứ 5 phút trôi qua thì lại có 3 phụ nữ qua đời vì căn bệnh này. Riêng tại Việt Nam, ung thư vú cũng là bệnh chiếm hàng đầu trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới. Theo Globocan, tính trong năm 2018, tỷ lệ mắc mới ở nước ta là 15229 ca (chiếm 20,6%) và đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong với 6103 ca.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ ung thư vú đứng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi. PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết so với 10 năm trước, hiểu biết của người dân về khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe ung thư vú, tự khám vú ngày càng gia tăng.

Người mang những gen này phải cẩn thận vì có nguy cơ cao bị kích hoạt tế bào ung thư - Ảnh 1.

Ung thư vú căn bệnh gia tăng ở phụ nữ

Các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú do quỹ Ngày mai tươi sáng và Bộ Y tế thực hiện sàng lọc miễn phí trong cộng đồng để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú đều mang lại hiệu quả cao. Các chương trình sàng lọc ung thư vú đều phát hiện bệnh nhân bị ung thư vú ở giai đoạn sớm.

Điều này cho thấy việc sàng lọc ung thư vú là vô cùng quan trọng. Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ung thư vú ngày nay cao theo PGS Phương là do có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên phát hiện được bệnh ở giai đoạn rất sớm. Trước đây đa số trường hợp phát hiện ra ung thư vú thì đã bị u rất to ở vú nhưng hiện nay tỷ lệ ở giai đoạn muộn có di căn hạch nách, hạch cổ ít hơn. Chủ yếu chị em phát hiện khi khối u phát hiện ở giai đoạn sớm, khối u dưới 2cm.

Trong ung thư vú, yếu tố đột biến gen BRCA1 và BRCA2 là nguy cơ hàng đầu gây ung thư vú. Theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ phụ nữ bị mắc ung thư vú trung bình là khoảng 12%. Đặc biệt, đối với những người phụ nữ ở độ tuổi 70 có đột biến gen BRCA sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú là 45% - 85%. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư buồng trứng trung bình là khoảng 2%. Ước tính nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ ở độ tuổi 70 có đột biến BRCA1 là 39%- 46% và đột biến BRCA2 là 10% - 27%.

Người mang những gen này phải cẩn thận vì có nguy cơ cao bị kích hoạt tế bào ung thư - Ảnh 2.

Mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ ung thư vú cao

PGS Phương cho biết tỷ lệ ung thư vú liên quan tới gen di truyền ở Việt Nam chiếm khoảng 10 – 20 %. Nếu mẹ bị ung thư vú mang gen di truyền này thì con gái cũng có nguy cơ mang gen này và có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng trong tương lai. Con trai ung thư tụy và ung thư tuyến tiền liệt. 

Nếu người thân của bạn đang bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng do đột biến gen BRCA, bạn có thể kiểm tra xem mình có bị đột biến giống như người thân của bạn không. Đây là cách tốt nhất để biết bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không.

Tuy nhiên, PGS Phương cũng cho rằng không phải trường hợp nào cũng có nguy cơ phát triển thành ung thư mà tùy theo cơ địa và yếu tố tác động của môi trường sống sẽ ảnh hưởng tới khả năng có bị ung thư hay không.

Người mang những gen này phải cẩn thận vì có nguy cơ cao bị kích hoạt tế bào ung thư - Ảnh 3.

Bệnh nhân tới khám sàng lọc miến phí ung thư vú.

Nhưng nếu mang gen di truyền này bạn cần chú ý khả năng "kích hoạt" tế bào ung thư:  người có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn, có tiền sử các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú, sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm đều có nguy cơ kích hoạt tế bào ung thư vú. Ngoài ra, những người bị béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu đều nằm trong yếu tố gây ung thư vú

Dấu hiệu của ung thư vú

Theo khuyến cáo, từ 20 tuổi, phụ nữ nên tự kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng 1 lần, tốt nhất là sau khi hết kinh 5 ngày, phụ nữ mãn kinh chọn 1 ngày cố định trong tháng và thực hiện tự kiểm tra vú tại nhà với ba bước như sau:

Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, để hai tay xuôi theo người, đứng trước gương để quan sát: hai bên vú có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Bước 2: Dùng ngón tay kiểm tra đầu vú:

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Ấn nhẹ đầu vú xem có phát hiện khối u không. Bóp nhẹ núm vú xem có dịch tiết bất thường chảy ra không.

Bước 3: Kiểm tra toàn bộ vú

Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú theo hướng xoắn ốc từ núm vú ra bên ngoài hoặc theo hình nan hoa từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong. Dùng phần mềm ở đầu ngón tay để ấn nhẹ, miết trên vùng da vú xem có u, hạch bất thường không.

Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:

1. Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay

2. Xuất hiện khối u cứng ở vú

3. Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng

4. Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy

5. Vú tiết dịch, có thể dịch trắng hoặc máu. Đặc biệt nếu có máu chảy thì nguy cơ ung thư vú rất cao.

6. Núm vú bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại