Vi khuẩn Whitmore có phải vi khuẩn "ăn thịt người"? Ai có nguy cơ mắc?

BS Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi  MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ) |

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở.

Vi khuẩn Whitmore có phải là vi khuẩn "ăn thịt người"?

Vi khuẩn Whitmore có phải vi khuẩn ăn thịt người? Ai có nguy cơ mắc? - Ảnh 2.

Cách gọi như trên không chính xác. Thật ra vi khuẩn ăn thịt người (flesh-eating disease) là cả một nhóm gồm 30 vi khuẩn khác nhau, gây bệnh viêm mô hoại tử (necrotizing fasciitis). Các loại thường gặp là Vibiro vulnificus trong nước mặn, Aeromonas hydrophila trong nước ngọt, liên cầu nhóm A trên da. Chúng gây tình trạng hoại tử mô mềm cực nhanh nên gọi là ăn thịt người, thường phải cắt bỏ vùng mô mềm bị nhiễm trùng vì tốc độ lan nhanh khủng khiếp, có khi phải đoạn cả chi.

Còn thủ phạm gây bệnh Whitmore là vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei. Tôi nghĩ mọi người gọi lầm là do vi khuẩn này hay gây tình trạng viêm nhiễm trùng da gây áp xe và viêm loét da, vì vậy mới bị gán lầm.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không chỉ gây nhiễm trùng da, mà còn gây viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết.

Bệnh chữa được nhưng lâu, tốn kém và dễ tái phát. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 48 giờ.

Hít bụi bay hơi nước nhiễm khuẩn cũng có thể gây bệnh Whitemore?

Trong khi những ca bệnh Whitmore vừa được phát hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam thì một tờ báo trong ngành y tế đưa ra cảnh báo người dân "hít bụi hay hơi nước nhiễm khuẩn cũng có thể gây bệnh Whitmore" càng khiến người đọc lo lắng hoang mang.

Cảnh báo này không sai nhưng không hoàn toàn chính xác.

Bụi, hơi nước bốc mạnh như dưới cánh quạt trực thăng hay trong cơn lốc xoáy, bão tố mới có thể chứa mầm bệnh

Đường lây nhiễm qua việc hít phải bụi bốc lên từ đất đúng là đã được ghi nhận sau khi một số cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam hít phải bụi bốc lên do sức gió từ cánh quạt của máy bay trực thăng. Sau khi họ trở về Mỹ thì mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn này. Nhưng đây là đường lây nhiễm ít gặp nhất và phải do bụi bốc lên như trong lốc bụi (trong dẫn chứng trên thì do cánh quạt trực thăng xoáy bụi đất lên rất mạnh) thì mới có thể gặp.

Hít hơi nước bốc lên tự nhiên cũng không có nguy cơ mắc bệnh mà phải là hơi nước bốc mạnh như trong cơn bão tố.

Do vậy bà con đừng quá lo lắng. Nếu hít phải bụi hay hơi nước cũng có thể nhiễm bệnh thì Whitmore đã trở thành đại dịch, thảm họa y tế chứ không phải một căn bệnh bị liệt vào dạng "bị lãng quên".

Vi khuẩn Whitmore có phải vi khuẩn ăn thịt người? Ai có nguy cơ mắc? - Ảnh 4.
Vi khuẩn Whitmore có phải vi khuẩn ăn thịt người? Ai có nguy cơ mắc? - Ảnh 5.

Đó là do điều kiện sống phổ biến của vi khuẩn Whitmore. Trong vùng dịch như các nước Đông Nam Á, chúng thường trú trong đất và nước như suối, ao, hồ bơi, ao tù và ruộng lúa...

Trong một khảo sát mật độ vi khuẩn trong môi trường ở vùng tây Malaysia, vi khuẩn này được tìm thấy trong TẤT CẢ các mẫu từ các vùng khác nhau. Mật độ vi trùng thấp nhất trong nước ở rừng nhiệt đới (0,8-3,2%), khá cao ở ruộng lúa và vườn dầu cọ mới trồng (14%-33%), nhiều nhất là trong đất ở độ sâu từ 10 cm-90 cm.

Kết quả này cho thấy vi khuẩn này sống thường trú trong đất và nước, nhất là những vùng đang canh tác nông nghiệp, có lẽ do đất thường xuyên được đưa từ lớp đất sâu lên trên bề mặt. Đấy chính là lý do vì sao số ca bệnh được phát hiện nhiều sau cơn lũ, bão, mưa lớn… do các yếu tố môi trường này bào mòn, xói lở, xoáy động, đưa đất từ lớp dưới lên trên bề mặt.

Ăn chín, uống chín, tránh lội bùn trực tiếp

Vi khuẩn Whitmore có phải vi khuẩn ăn thịt người? Ai có nguy cơ mắc? - Ảnh 7.

Tuy nhiên "ăn thức ăn nấu chín, uống nước nấu chín" hoặc uống nước đóng chai lại là cảnh báo đúng không chỉ cho căn bệnh này. 

Trong quá khứ đã ghi nhận những đợt bùng phát bệnh do nguồn nước ô nhiễm, nước máy không được khử chloride đầy đủ, nhất là ở vùng quê hẻo lánh. Là vì vi khuẩn này có sức sống rất mạnh. 

Số ca bệnh được báo cáo nhiều nhất ở: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bắc Úc.

Mặc dù hiếm khi được báo cáo, nhưng chúng được cho là thường xuyên xảy ra ở: Papua New Guinea, hầu khắp Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar.

Trong môi trường thiếu dinh dưỡng như nước cất hay sa mạc chúng vẫn có thể sống tới 16 năm. Ngay cả trong dung dịch sát trùng, xà phòng nước, môi trường acid pH4,5 chúng vẫn tồn tại được tới 70 ngày. Thậm chí đã có trường hợp bội nhiễm ở bệnh viện do dùng dung dịch sát trùng rửa vết thương bị nhiễm khuẩn.

Bệnh cũng có thể lây nhiễm từ người hay động vật sang người, nhưng rất hiếm, chủ yếu là từ môi trường sang người.

Tóm lại, vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn: đây là con đường mắc bệnh thường gặp nhất, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở. Vết thương càng lớn và tiếp xúc càng lâu thì càng dễ mắc bệnh. 

Do vậy, nông dân hay công nhân các trang trại, đồn điền có nguy cơ cao hơn. Các nhân viên kiểm lâm, cứu hộ, bảo tồn sinh vật… cũng nên lưu ý cảnh báo này.

Ở Thái Lan, mỗi năm phát hiện 7.500 ca bệnh.

Vi khuẩn Whitmore bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao và tia cực tím.

"Nông dân sân thượng" có nguy cơ nhiễm bệnh không?

Điều may mắn là hầu hết những người tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn sẽ không mắc bệnh. Tuy nhiên đôi khi trong người có vết xước nhỏ mà không hề biết sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hay bị tai nạn trong lúc làm việc, nên khi tiếp xúc với đất và nước, luôn phải đi ủng và đeo găng tay cao su. Đi dép cũng không loại trừ được nguy cơ mắc bệnh.

"Nông dân sân thượng" hay những người trồng hoa, rau, cây cảnh bằng "đất sạch", thường được chế biến từ mùn dừa xay và phân động vật đã qua xử lý cũng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh vì có thể mầm bệnh có trong phân động vật. Nên đeo găng tay khi tiếp xúc với đất.

Những người dễ mắc bệnh này là những người có các bệnh nền như: đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan, bệnh thận mãn, bệnh phổi mãn tính (cystic fibrosis, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD), bệnh tan máu bẩm sinh, ung thư hay suy giảm miễn dịch.

Môi trường sẽ có nhiều mầm bệnh hơn sau một đợt lũ lụt, bão, mưa nhiều.

Phòng ngừa

- Tránh bơi trong nước ngọt hay tiếp xúc trực tiếp với bùn đất ở vùng dịch, nhất là vào mùa mưa hay sau bão, lũ lụt.

- Nên mang ủng và găng tay cao su khi tiếp xúc với đất và nước.

- Tránh tiếp xúc với nước, bùn đất nếu có trầy xước da. Nếu bị trầy xước, lập tức rửa sạch với xà phòng và bôi thuốc sát khuẩn.

- Luôn uống nước đun sôi, nước đóng chai có qua xử lý bằng tia cực tím.

- Tránh những cơn lốc xoáy bụi.

- Nếu có triệu chứng nghi ngờ có bệnh, lập tức đi khám bệnh.

Bộ Y tế Việt Nam nên đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh này và cách phòng ngừa nhằm tránh gây hoang mang và giảm khả năng lây lan.

Tác giả: BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại