Có trong tay S-400 "đáng sợ" nhưng chỉ đem "trưng bày" ở Syria: "Đòn hiểm" của Nga để qua mặt Mỹ, Israel?

Quốc Vinh |

Nga mang những hệ thống phòng thủ tân tiến nhất của mình đến Syria như S-300, S-400 nhưng không một lần sử dụng trước đối thủ. Đã có những câu hỏi về tính toán lạ kỳ của Moscow.

Nga mang những hệ thống phòng thủ tân tiến nhất của mình đến Syria như S-300, S-400 nhưng không một lần sử dụng trước đối thủ. Đã có những câu hỏi về tính toán lạ kỳ của Moscow.

Được biết đến bởi mạng lưới phòng không dày đặc ở Syria, với các hệ thống phòng không tân tiến bao gồm S-400, S-300 – đã có những câu hỏi đặt ra về việc tại sao Nga không sử dụng các hệ thống này để bảo vệ đồng minh Damascus.

Năng lực phòng không của Moscow không tốt như lời đồn hay các hệ thống này chỉ mang tính chất "hù dọa" đối thủ là chính?

Theo cây bút Roger Nabig của tờ Offiziere, lý do Nga không sử dụng sức mạnh phòng không của mình là vì nước này không có ý định thiết lập vùng cấm bay bất khả xâm phạm đối với Israel, Mỹ ở Syria cũng như không nhận được bất kỳ lợi ích gì khi thực hiện một bước đi như vậy.

Có trong tay S-400 đáng sợ nhưng chỉ đem trưng bày ở Syria: Đòn hiểm của Nga để qua mặt Mỹ, Israel? - Ảnh 1.

Hệ thống Pantsir-S1 ở Syria.

Phòng không Nga ở Syria chỉ để trưng bày?

Nga đã trang bị độc quyền cho Syria các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô và huấn luyện các binh sĩ Syria sử dụng vũ khí để có khả năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy hại từ bên ngoài.

Phòng không của Syria bao gồm chủ yếu là các hệ thống S-200VE lâu năm, được bổ sung hệ thống Pantsir-S1 tầm gần. Nga cũng được cho là đã xây dựng lại toàn bộ lực lượng phòng không Syria và liên kết với mạng lưới phòng không và radar của mình tại các căn cứ quân sự ở Hmeimim và ở Tartus.

Theo các tuyên bố chính thức, hai căn cứ của Nga trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria được bảo vệ bởi ba lớp phòng không, một số trong đó bao gồm cả các hệ thống của chính Syria.

Vòng ngoài được hình thành bởi S-400, S-300V4, ở giữa là S-200VE, S-300FM (của Syria) và bên trong là Osa-AKM, S-125 Pechora-2M cùng với Panzir-S2 để phòng thủ tầm gần.

Bất chấp sự kết hợp của cả hệ thống phòng không tân tiến và sự huấn luyện chuyên sâu cho binh sĩ Syria, phòng không Syria sử dụng các hệ thống của Nga đã hứng chịu một số thất bại kể từ năm 2014.

Trong những năm gần đây, Israel đã thực hiện 250 cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria, sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư (F-15, F-16), mà chỉ có một máy bay bị tổn hại.

Mỹ đã tiến hành cuộc không kích gây nhiều thiệt hại vào căn cứ không quân của Syria vào năm 2017 và một năm sau đó, cùng với Anh và Pháp tiến hành thêm một cuộc tấn nhằm đáp trả cáo buộc "chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học" – điều mà phía Nga kịch liệt phản đối.

Trong cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 4/2017, 59 tên lửa hành trình Tomahawk đã được nhắm vào căn cứ không quân Shayrat ở phía Tây Syria. Trong số đó, 58 tên lửa đã bắn trúng mục tiêu.

Với việc Nga luôn tự hào về lực lượng phòng không siêu hạng của mình ở Syria – cùng với việc Mỹ đã báo trước cho Nga về cuộc tấn công – đây được coi là một màn trình diễn dưới sức, cây bút Roger Nabig bình luận.

Có vẻ như Nga đã không kích hoạt các hệ thống phòng không của mình và chỉ có các hệ thống cũ hơn của Syria được sử dụng. Vậy tại sao Nga không ra tay dù đã được cảnh báo trước về cuộc tấn công?

Tính toán của Nga

Trước khi câu hỏi này có thể được trả lời, chúng ta phải giải quyết quan niệm sai lầm phổ biến về khả năng "thượng thừa" của các hệ thống phòng không S-400 và S-300V4 của Nga trong việc tạo ra vùng cấm bay không thể xuyên thủng trong bán kính tới 400 km.

Mặc dù về mặt lý thuyết hoặc các yếu tố kỹ thuật cho thấy cả hai hệ thống có năng lực rất ấn tượng, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phạm vi và hiệu quả thực tế của chúng trong việc chống lại máy bay chiến đấu của kẻ thù trong từng tình huống cụ thể.

Ví dụ, tên lửa 40N6 có tầm bắn 380 km, lắp đặt trên S-400 được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chúng lại thường phát huy hiệu quả ở những mục tiêu lớn, như tàu chở dầu, tàu chở hàng hóa hoặc máy bay cảnh báo sớm bay ở độ cao hơn 10 km, cây bút Roger Nabig giải thích.

Có trong tay S-400 đáng sợ nhưng chỉ đem trưng bày ở Syria: Đòn hiểm của Nga để qua mặt Mỹ, Israel? - Ảnh 3.

Nga không muốn dính líu hệ thống phòng không của mình vào những cuộc xung đột không mang lại lợi ích.

Việc nhắm mục tiêu chính xác với máy bay thế hệ thứ 5 có khả năng tàng hình (F-35 , F-22) và các tên lửa hành trình bay tầm thấp lại không phải sở trường đối với hệ thống phòng không Nga.

Do hạn chế của radar, ngay cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 cũ hơn cũng chỉ có thể được phát hiện và xác định ở khoảng cách xấp xỉ. Thêm vào đó, nó còn dễ bị làm nhiễu bởi tác chiến điện tử của đối phương.

Đó là câu trả lời về khả năng bị giới hạn của hệ thống phòng không Nga. Tuy nhiên, nếu Nga kích hoạt phòng không của mình, có khả năng cuộc tấn công của Mỹ khi đó đã không đạt được thành công đến thế. Vậy vì sao Nga không ra tay?

Có hai cách giải thích cho việc này. Thứ nhất, Nga không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột leo thang với Mỹ hay Israel, điều này có thể dẫn đến việc Nga liên tục phải sử dụng các hệ thống phòng không của mình, gây ra những rủi ro không đáng có.

Thứ hai, lợi ích chính trị - quân sự của Nga chỉ nhằm bảo vệ hai căn cứ quân sự của mình ở Syria, không có trách nhiệm phải bảo vệ bất kỳ ai khác.

Nga cũng không can thiệp vào các cuộc không kích của Israel nhằm vào các cơ sở quân sự của Iran ở Syria. Giới phân tích cũng cho rằng, đây là vì Moscow đang theo sát sự hiện diện ngày càng gia tăng của Tehran ở Syria và cũng không hài lòng về điều này.

Càng ngày, Nga càng coi Iran là một đối thủ cạnh tranh khó chịu, ganh đua quyền lực tối cao ở Syria, thay vì một đồng minh sát cánh trong mọi vấn đề.

Ở khía cạnh khác, chính quyền Syria lại cần Iran như một đồng minh để bù đắp cho việc thiếu lực lượng chiến đấu mặt đất. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Nga chỉ quan sát một cách thụ động khi Israel tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria, miễn là không có binh sĩ hay cơ sở nào của Nga bị tổn hại.

Nga cũng lo ngại sự đối đầu truyền thống giữa Israel và Iran có thể kéo đồng minh Syria của mình vào cuộc chiến với Israel, điều này sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho chính Nga.

Đồng thời, Moscow không muốn làm mất lòng Damascus cũng như không "vô tình" quá mức với Tehran. Đó là lý do tại sao Nga không ra tay mà bật đèn xanh cho phòng không Syria chống trả lại các cuộc không kích của Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại