Thiếu Nga, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine "lao đao"
Các diễn biến chính trị trong lòng Ukraine năm 2014 đã vô hình chung giúp người Nga sáp nhập bán đảo Crimea một cách nhanh chóng.
Trong một loạt các động tác phản ứng, chính quyền Ukraine đã ra lệnh "đóng băng" toàn bộ việc cung cấp các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng cho các đối tác Nga. Nhưng việc hạn chế người Nga tiếp cận động cơ máy bay lại là "con dao hai lưỡi", tước đi các đơn đặt hàng và đẩy các doanh nghiệp quốc phòng Ukraine tới bờ vực phá sản.
Việc đình chỉ tất cả các kế hoạch giao hàng cũng đã gây ra "thiệt hại không thể khắc phục" cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Ukraine đã mất đi một thị trường rộng lớn, phù hợp với công nghệ sản xuất của họ và đồng thời khiến người Nga tự chủ hoàn toàn những sản phẩm quốc phòng mà đáng nhẽ cần phải nhập từ Ukraine.
Động cơ D-18 do Ukraine sản xuất thường được lắp trên các loại máy bay vận tải, ném bom chiến lược.
Trung Quốc không bỏ lỡ "cơ hội vàng"
"Cơn hấp hối" nói trên của ngành CNQP Ukraine đã tạo điều kiện cho Trung Quốc bí mật tiếp cận công nghệ sản xuất vũ khí. Các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc (đa phần núp bóng dân sự) không bỏ lỡ cơ hội mua bí mật về động cơ máy bay Liên Xô từ Ukraine.
Công nghệ và các "tài sản trí tuệ" của Công ty Motor Sich, doanh nghiệp sản xuất thiết bị hàng không hàng đầu của Ukraine đã được Trung Quốc "để mắt" từ lâu.
Theo Tạp chí Jane, Công ty Hàng không Vũ trụ Trung Quốc Skyrizon có trụ sở tại Bắc Kinh tiếp tục tham gia đấu thầu hơn 50% cổ phần của Motor Sich vào ngày 15/7/2019. Chủ sở hữu lớn nhất của Motor Sich là nhà thiết kế Vyacheslav Boguslaev cũng đã sẵn sàng bán cổ phần.
Motor Sich là nơi chế tạo ra động cơ cho máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225. Sở hữu Motor Sich sẽ cho phép Trung Quốc nhanh chóng xâm nhập vào câu lạc bộ các quốc gia sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.
Siêu vận tải cơ lớn nhất thế giới An-225 sử dụng động cơ D-18 do công ty Motor Sich sản xuất.
Motor Sich trở nên quan trọng với quân đội Trung Quốc vì hiện nay họ đang khai thác 1.200 động cơ máy bay với 13 kiểu loại do các công ty Ukraine sản xuất (chủ yếu là Motor Sich).
Có thể kể đến các máy bay vận tải hạng nặng Y-20, máy bay ném bom chiến lược H-6K và nhiều loại máy bay khác được lắp đặt một số lượng lớn động cơ WS-18 ( tên phiên bản nội địa Ukraine là D-30KP2).
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng lưu ý rằng việc doanh nghiệp nước này sở hữu cổ phần chi phối sẽ cho phép Motor Sich mở rộng sự có mặt ở thị trường "tài chính dồi dào" Trung Quốc, bù đắp cho thị trường Nga và "bắt kịp với thế giới".
Chính phủ Ukraine liệu có can thiệp vào thương vụ?
Dưới thời Tổng thống Poroshenko, Trung Quốc đã nhòm ngó Motor Sich và một số doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của Ukraine, nhưng ông Poroshenko đã kiên quyết ngăn cản.
Tổng thống Zelensky có hành động tương tự hay không, điều này vẫn tiếp tục là một ẩn số.
Motor Sich đang rất khó khăn về tài chính, không thể đảm bảo việc sản xuất động cơ. Do vậy không thể loại trừ việc chính quyền Ukraine sẽ chấp thuận bán Motor Sich cho Trung Quốc vì họ cần tiền, bất chấp sự ngăn cản của Mỹ.
Nếu hợp tác với Bắc Kinh, Kiev có thể cung cấp động cơ cho toàn thế giới, giải được bài toán về kinh tế - trong khi đó Motor Sich với sự tham gia của người Trung Quốc sẽ tạo ra một tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực hàng không.
Trên tất cả, Trung Quốc cho thấy họ có khả năng tài chính còn Ukraine thì đang sở hữu công nghệ.
Máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 của Trung Quốc được lắp đặt động cơ WS-18.
Nếu không có Motor Sich, Trung Quốc mất bao lâu để phát triển động cơ máy bay?
Roman Gusarov, Tổng biên tập của trang Avia.ru bình luận với tờ "Vzglyad - Tầm nhìn":
"Motor Sich vẫn có tiềm năng to lớn để sản xuất động cơ thay thế cho máy bay và trực thăngdo số máy bay sử dụng động cơ của công ty này vẫn có mặt trên khắp thế giới.
Nếu được đầu tư, Motor Sich có thể tồn tại trong một thời gian rất dài dù chỉ nhờ cung cấp phụ tùng, bảo trì và sửa chữa động cơ cho các máy bay hiện có,
Cũng theo ông Gusarov, Trung Quốc không cần tài sản, cái mà họ cần là trí tuệ và công nghệ từ Ukraine. Nền tảng công nghệ được thừa hưởng của Liên Xô khổng lồ đến nỗi trong 30 năm Ukraine đã sống nhờ vào việc tái sản xuất và bán công nghệ của Liên Xô.
Dây chuyền sản xuất động cơ của công ty Motor Sich.
Không một chiếc máy bay nào được phát triển ở Trung Quốc mà không có sự giúp đỡ các nhà thiết kế Ukraine, đó là những trí thức của Liên Xô làm việc cho Trung Quốc.
Hiện nay Trung Quốc muốn chuyển sang sản xuất máy bay cỡ lớn.
Trong vòng 10 năm họ đã có phát triển khả năng sản xuất từ máy bay nhỏ đến sản xuất máy bay tầm xa thân rộng và để đạt được tham vọng nói trên, Trung Quốc cần sở hữu công nghệ sản xuất các động cơ lớn.
Hiện nay trên thế giới chỉ có 6 quốc gia sở hữu công nghệ sản xuất động cơ máy bay cỡ lớn đó là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ukraine và Nga. Động cơ máy bay là thiết bị kỹ thuật phức tạp nhất từng được phát minh bởi con người, càng lớn bao nhiêu thì điều đó càng phức tạp hơn.
Động cơ trực thăng TV3-117 là "trái tim" của trực thăng nổi tiếng Mi-117 của Nga do công ty Motor Sich sản xuất.
Đơn cử như động cơ PD-35 đang được phát triển ở Nga, để động cơ như vậy trở thành thực tế thường phải mất tới 10 năm với điều kiện trên nền tảng công nghệ có sẵn.
Trung Quốc sẽ cần hơn một thập kỷ để bước theo con đường này. Nhưng nếu họ mua được Motor Sich, thời gian sẽ không còn là vấn đề.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc được giới thiệu năm 2018.