Thành tích lịch sử của Đội xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon 2019: Hành trình kỳ diệu

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Giải đấu Tank Biathlon 2019 đã khép lại. Tuy nhiên, dư âm của những trận đấu quyết liệt, kịch tính và vô cùng gay cấn chắc chắn sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm trí người hâm mộ.

Các ngôi thứ đã được xác lập, các huy chương cũng đã được trao... Giờ là lúc nên có một cái nhìn tổng quát về cuộc đua và bắt đầu có những chuẩn bị cho giải đấu năm sau.

Chung kết Bảng 1 - Cuộc đua đẩy tới giới hạn của trang bị và con người

Chắc chắn đó là những gì mà người theo dõi trận đấu cảm nhận thấy khi theo dõi trận đấu này. Bốn đội tham dự trận chung kết đều là những nước cộng hòa cũ của Liên bang Xô Viết, có trong tay xe tăng T-72 từ lâu và cũng là những gương mặt quen thuộc đã từng giành thành tích cao trong các cuộc đua năm trước.

Thành tích lịch sử của Đội xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon 2019: Hành trình kỳ diệu - Ảnh 1.

Năm 2018, 4 đội đứng đầu giải là Nga, Kazakhstan, Belarus, Trung Quốc thì năm nay chỉ có Trung Quốc đã bị loại sớm. Thay vào đó là đội Azerbaijan vốn đứng thứ 5 năm 2018 được vào chung kết.

Cuộc đua gay cấn ngay từ những vòng đầu. Các đội liên tục bám sát nhau với khoảng cách sít xao. Thứ tự các đội cũng luôn thay đổi - trừ đội Nga với những thế mạnh không thể phủ nhận - luôn dẫn đầu từ vòng thứ 2 trở đi.

Những cú bứt tốc kinh hoàng, những đoạn nước rút khủng khiếp đã tạo ra hàng loạt kỷ lục mới như: Vận tốc tối đa đạt tới 84 km/h, một vòng thi (không phải bắn) được hoàn thành trong vòng 6 phút... Thật tình, với mặt đường và các chướng ngại như thế, một chiếc xe bán tải loại tốt nhất cũng phải vất vả mới đạt được vận tốc như trên. Còn xe đua F1 thì chắc chắn chịu thua rồi.

Đặc biệt, trong trận đấu này, người xem vừa thấy mãn nhãn, vừa thấy thót tim khi chứng kiến rất nhiều những pha xe tăng bay tuyệt đẹp. Cả một khối thép nặng gần 50 tấn chạy với vận tốc lớn vượt qua hào nước, qua dốc, qua cầu vệt bằng... đã bay mình lên trên không tới vài mét rồi hạ xuống thật nhẹ nhàng nhờ hệ thống treo xe quá đỉnh.

Tất nhiên, ngồi trong xe trong trạng thái như vậy cũng không "sung sướng" gì. Tuy vậy, các xạ thủ vẫn đạt thành tích xạ kích thật đáng nể. Đội Nga bắn hạ 21/24 bia đạt 87,5% tổng số mục tiêu, đội Belarus bắn hạ 17/24 bia đạt 70,8%, đội Kazakhstan bắn hạ 14/24 bia đạt 58,3%, đội Azerbaijan bắn hạ 12/24 bia đạt 50%.

Thành tích lịch sử của Đội xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon 2019: Hành trình kỳ diệu - Ảnh 2.

Đội xe tăng Việt Nam thi đấu tại trận Chung kết Tank Biathlon 2019.

Kết thúc trận đấu: Xếp thứ nhất - Vô địch - Huy chương Vàng là đội Nga với tổng thành tích 1h33p20. Xếp thứ 2 - Á quân - Huy chương Bạc là Belarus với tổng thành tích 1h41p19,. Xếp thứ 3 - Huy chương Đồng là đội Kazakhstan với tổng thành tích 1h45p51. Xếp cuối cùng là đội Azerbaijan với tổng thành tích 1h53p44.

Có cảm tưởng tại trận đấu này, mọi giới hạn về khả năng và sức chịu đựng của phương tiện cũng như con người đều được đẩy lên đến tận cùng. Và chắc chắn ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Nga sẽ nhận được nhiều lời khen cùng với những khách hàng mới, những bản hợp đồng mới.

Sự thay đổi điều lệ giải đấu tỏ ra phù hợp

Có một thực tế mà những người có kinh nghiệm trong tổ chức thi đấu bất cứ môn nào đều nhận thấy là: một giải đấu sẽ rất khó hấp dẫn, kịch tính khi các đội tham gia có trình độ quá chênh lệch. Như thế, vừa không có sự cạnh tranh quyết liệt vừa có thể chẳng cần đấu cũng biết thứ hạng các đội.

Dường như đã nhận ra như vậy nên năm nay Ban tổ chức Tank Biathlon 2019 đã có sự điều chỉnh điều lệ giải đấu: Chia giải đấu thành 2 bảng. Bảng 1 gồm những đội đã có xe tăng T-72 từ lâu và nhiều lần tham gia Tank Biathlon đạt thành tích khá. Bảng 2 gồm những đội chưa có T72 hoặc mới tham gia giải đấu và có thành tích kém hơn.

Cách phân chia này cũng tương tự như bóng đá chấu Âu chia ra Cúp C1, C2 hoặc quyền Anh phải chia ra các hạng cân.

Nhờ vậy, trong mỗi bảng khoảng cách trình độ giữa các đội không quá xa, sự cạnh tranh giữa các đội không quá chênh lệch và cuộc đấu trở nên gay cấn hơn, kịch tính hơn và tất nhiên cũng hấp dẫn hơn. Sau mỗi năm, căn cứ vào kết quả thi đấu của các đội có thể điều chỉnh danh sách đội vào mỗi bảng.

Và thực tế những gì diễn ra trong giải đấu vừa qua đã chứng tỏ việc thay đổi điều lệ này của Ban tổ chức tỏ ra phù hợp, hợp lý hợp tình và được nhiều đội hoan nghênh. Không loại trừ những năm tới sẽ có cả các đội của NATO tham dự.

Thành tích lịch sử của Đội xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon 2019: Hành trình kỳ diệu - Ảnh 4.

Đội xe tăng Việt Nam thi đấu tại trận Chung kết Tank Biathlon 2019.

Việt Nam- đã thành công song còn nhiều việc phải làm

Là một quốc gia chưa có xe tăng T-72 trong biên chế, song Quân đội Việt Nam đã cử đội tuyển tham gia Tank Biathlon từ năm 2018. Kết quả, đội Việt Nam xếp thứ 17 trong 22 đội tham dự giải đấu.

Năm 2019, với quyết tâm cao và sự chuẩn bị chu đáo hơn cùng với những kinh nghiệm thu được từ giải đấu trước, đội tuyển Việt Nam đã đạt được kết quả khá cao: Giải Nhì, huy chương Bạc của bảng B, chỉ xếp sau đội Uzbekistan - một thành tích ấn tượng, xứng đáng được coi là một kỳ tích khi mới chỉ tham gia lần thứ hai.

Rất có thể, nếu sang năm vẫn tham gia giải đấu, đội Việt Nam sẽ được đôn lên Bảng 1. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả thi đấu của đội Việt Nam với các đội vừa thi đấu ở Bảng 1 cũng như đội vô địch Bảng 2 chúng ta thấy còn có một khoảng cách khá xa.

So với đội vô địch bảng 2 chúng ta chậm hơn tới 18 phút. Còn so với đội đứng thứ tư của bảng 1, chúng ta cũng thua sút tới 32 phút. Đó là những khoảng cách không dễ san lấp khi sự hơn thua có thể chỉ tính bằng giây.

Bởi vậy, để giữ vững ngôi thứ và cải thiện thành tích trong những giải đấu sau này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Trong các bài viết trước đây, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh đến sự bất lợi bởi chưa quen xe pháo vì trong biên chế chưa có. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và chúng ta đã có những giải pháp để khắc phục. Và chính nhờ có vậy chúng ta mới đạt được hành tích như vừa qua.

Song có một thứ bất lợi nữa hết sức khó khắc phục mà ít được nhắc đến - đó là đặc điểm thể hình, thể lực của người Việt Nam.

Về thể hình, người Việt Nam chúng ta và người Đông Nam Á nói chung so với người trên các châu lục khác thường "thấp, bé, nhẹ cân" hơn. Chiều cao trung bình nam giới Việt Nam thấp hơn so với trung bình của thế giới, người châu Âu còn cao hơn nữa.

Trong khi đó, xe tăng do Nga sản xuất thường căn cứ vào các chỉ số sinh trắc của người Nga - to lớn hơn ta nhiều - nên khi ngồi vào ghế lái xe, quân ta thường bị "đuối".

Kể cả khi đã chỉnh cho ghế lên phía trước hết cỡ thì nhiều anh em khi đạp các bàn đạp (ly hợp, hãm, chân dầu) cũng vẫn là đạp với. Nếu kê thêm các vật chèn vào lưng thì mặt lại quá gần kính tiềm vọng, rất dễ mất an toàn.

Thành tích lịch sử của Đội xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon 2019: Hành trình kỳ diệu - Ảnh 5.

Kíp xe tăng 3 Việt Nam tại trận Chung kết Tank Biathlon 2019.

Cũng vì người thấp cho nên muốn nhìn vào kính tiềm vọng thường phải nghển cổ lên. Điều đó làm cho cổ rất chóng mỏi. Đối với pháo thủ và trưởng xe cũng vậy, phải nghển cổ làm cho tư thế không thật thoải mái, ảnh hưởng tới kết quả bắn.

Cũng vì phải đạp với nên khi phải miết chân đạp ga cho những đoạn nước rút dài cũng rất chóng mỏi. Và chỉ cần hơi lỏng chân một chút là vận tốc giảm ngay.

Thể hình vừa bé, vừa nhẹ cân ngồi vào các ghế trong xe gần như lọt thỏm và kém vững chãi hơn nhiều so với các tuyển thủ đội bạn nên khi xe đập xóc dễ bị dao động, lắc lư hơn... cũng ảnh hưởng đến thể lực, tâm lý và kết quả xạ kích, kết quả điều khiển xe.

Không chỉ kém về thể hình mà chúng ta còn thua sút nhiều về thể lực và sức bền đối với các đội bạn. Nói chung, hoạt động của lính xe tăng là nặng nhọc. Khi thi đấu thì sự nặng nhọc cộng với căng thẳng tăng lên gấp bội, có thể đến giới hạn của sự chịu đựng và thể lực kém, sức bền kém thì không thể vượt qua được.

Một kíp xe thi đấu ở trận chung kết sẽ phải điều khiển xe chạy liên tục qua mọi địa hình với vận tốc lớn, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, chịu nhiều thứ tác động bên ngoài khác nhau: nhiệt độ, xóc lắc, tiếng ồn... nếu không có một nền tảng thể lực cực tốt thì chỉ ngồi trên xe cũng đã không trụ nổi chứ đừng nói gì đến bắn và lái.

Bởi vậy, đây cũng là một vấn đề mà những người chỉ huy lãnh đạo Binh chủng Tăng Thiết giáp rất cần lưu tâm bên cạnh việc tổ chức luyện tập kỹ càng khi chuẩn bị cho mùa giải mới.

Mùa giải Tank Biathlon 2019 trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế - Army Games 2019 đã khép lại. Có thể nói đây là một mùa giải thành công trên nhiều phương diện đối với cả nước chủ nhà cũng như các nước tham gia.

Đối với đội Việt Nam, đây cũng là một mùa giải thành công rực rỡ. Qua đây, Binh chủng TTG Việt Nam sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để nâng cao chất lượng huấn luyện- sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, đồng thời sẽ có công tác chuẩn bị chu đáo hơn để trong những mùa giải tới, chúng ta sẽ thu được những kết quả khả quan hơn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại