Vụ nổ bí ẩn hé lộ vũ khí “ngày tận thế” của Nga

Lâm Vy |

Tên lửa Skyfall là gì? Thực tế thì các nhà phân tích hiện nay cũng không nắm rõ về nó nhưng họ tin rằng đây là một loại tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân.

Một vụ nổ. Một cuộc sơ tán bất ngờ bị hủy bỏ. 5 chuyên gia hạt nhân thiệt mạng. Một vài dấu vết về iot phóng xạ trong bầu không khí tại bờ biển phía bắc Na Uy.

Những điều trên khiến giới phân tích phương Tây nghi ngờ rằng Nga đã thử nghiệm thất bại tên lửa sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik, hay còn được gọi là Skyfall.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, tên lửa này có tầm bắn không giới hạn và đủ khả năng vượt qua toàn bộ các hệ thống phòng thủ của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong tháng này đã cho thấy, khi Kremlin háo hức khoe “cơ bắp” thì họ đã gặp phải sự cố lớn.

Một cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa Skyfall là gì? Thực tế thì các nhà phân tích hiện nay cũng không nắm rõ về nó nhưng những dự đoán khiến họ tin rằng đây là một loại tên lửa hành trình sử dụng lò phản ứng hạt nhân.

Mức độ phóng xạ tăng vọt trong khu vực sau vụ nổ, lan xa tới tận Na Uy, càng củng cố cho giả thuyết trên.

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Putin - đã từ chối xác nhận những đồn đoán xung quanh cho rằng vụ nổ có liên quan đến một loại tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân, nhưng cho biết sự cố này sẽ không ảnh hưởng tới các nỗ lực phát triển năng lực quân sự tiên tiến của Nga.

Jon Hawkes, phó giám đốc chương trình tác chiến trên bộ tại Jane's IHS Markit cho rằng hệ thống tên lửa mới của Nga có thể hoạt động theo một trong hai cách.

Đó có thể là “động cơ phản lực không khí sử dụng lõi hạt nhân cỡ nhỏ để đốt nóng luồng không khí đi vào. Luồng không khí này khi bị đẩy ra sẽ tạo ra lực đẩy cho tên lửa”.

Hoặc đó có thể là “động cơ rocket nhiệt hạch, trong đó lõi hạt nhân được sử dụng để làm nóng nguồn nhiên liệu lỏng, như hydrogen, trước khi đẩy nó qua vòi phun để tạo lực đẩy”.

“Vũ khí ngày tận thế”

Theo ông Hawkes, “do Nga tuyên bố tên lửa của họ có tầm bắn không giới hạn nên hiện các dự đoán đang nghiêng về giả thuyết đầu tiên, do tên lửa sử dụng nhiên liệu hydrogen vẫn có những giới hạn về tầm bắn”.

Vấn đề lớn hiện nay đối với tên lửa 9M370, hay SSC-X-9 Skyfall (định danh của NATO) là lượng khí thải, bởi người ta chưa thể sử dụng lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho tên lửa mà không tạo ra một dạng bom bẩn trên cánh của chúng.

“Đây thực sự là vũ khí ngày tận thế” - Tiến sĩ Mark Galeotti, phụ trách các nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, tại Viện Royal United Services, nhận định.

“Nó không phải là thứ có thể được triển khai ở bất cứ cuộc chiến nào, ngoại trừ một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực. Tên lửa hành trình này có thể duy trì bay trên không trong một thời gian dài, nhưng nó sẽ thải ra các chùm phóng xạ phía sau” - ông Galeotti nói.

Vụ nổ bí ẩn hé lộ vũ khí “ngày tận thế” của Nga - Ảnh 3.

Theo giới phân tích phương tây, Quân đội Nga dường như đang cố gồng để tỏ ra mình đáng gờm. Ảnh minh họa.

Mỹ từng có một chương trình vũ khí tương tự vào những năm 1960, gọi là Pluto, nhưng sau đó đã hủy bỏ do nhận thấy nó quá nguy hiểm ở thời điểm đó.

Khi phóng thử nghiệm tên lửa mới vào tháng 3/2018, Tổng thống Putin từng không tiếc lời ca tụng tầm bắn không giới hạn của nó - tên lửa có thể bay xung quanh Trái Đất nhiều lần sau đó lao xuống mục tiêu ở một góc độ không ngờ tới, có thể là vài ngày sau khi được phóng đi.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, tên lửa này đã được phóng thử nghiệm nhiều lần nhưng chưa lần nào thành công hoàn toàn.

Một mùa hè tồi tệ

Quân đội Nga đã đón nhận tin tức về một loạt các vụ tai nạn trong tháng qua.

Đầu tháng 7, tàu ngầm do thám siêu bí mật AS-31, hay Losharik, đã gặp trục trặc, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Kremlin cho biết lò phản ứng hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn khi được đưa về cảng.

Tàu ngầm Losharik được cho là có thể lặn tới độ sâu mà các tàu ngầm tấn công và hạt nhân thông thường không thể làm được.

Vụ nổ bí ẩn hé lộ vũ khí “ngày tận thế” của Nga - Ảnh 4.

Vụ nổ kho đạn kéo dài 5 giờ ở thành phố Achinsk thuộc vùng Siberia của Nga. Ảnh: CNN

Vài tuần sau, vụ nổ kho đạn ở Achinsk đã gây hỏa hoạn và buộc hàng nghìn người xung quanh phải sơ tán. Một tuần sau vụ việc, quan chức địa phương cho biết đã có tới 40 người bị thương.

Theo ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga cho biết, ngân sách quốc phòng của Nga đạt mức cao nhất vào năm 2016 nhưng đã suy giảm kể từ sau đó.

“Vì thế, về cơ bản, ngành công nghiệp quân sự quốc phòng đang phải làm nhiều hơn, trong khi nhận được ít hơn”, ông Kortunov nói, “và điều đó có thể khiến họ phải căng mình ra. Có lẽ một số vụ tai nạn gần đây phần nào là cái giá mà quân đội Nga phải trả do có nguồn ngân sách tương đối hạn hẹp nhưng lại tham vọng quá lớn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại