UAV "Made in China" ở Iraq: Duy nhất 1 chiếc hoạt động - Cú tát vỗ mặt vào CNQP Trung Quốc

Anh Tú |

Những vấn đề gặp phải với UAV CH-4B chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới kế hoạch mua sắm UAV trong tương lai của Quân đội Iraq, nhất là những sản phẩm "Made in China".

UAV Trung Quốc khiến Quân đội Iraq phải "vật lộn" hoạt đông

Theo một báo cáo gần đây của Chính phủ Mỹ, tính tới hết tháng 6/2019, chỉ có duy nhất một máy bay không người lái (UAV) CH-4B mà Iraq mua từ Trung Quốc là có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Điều này đã gây nên tình trạng hụt hẫng lớn về khả năng cung cấp các thông tin tình báo, do thám và trinh sát cho Quân đội Iraq.

Nguyên nhân, tất nhiên có một số vấn đề liên quan tới hoạt động bảo trì nhưng thông tin trên được Mỹ công bố đúng vào thời điểm xuất hiện các báo cáo cho thấy nhiều nước vận hành UAV CH-4B đã tỏ ra không hài lòng với hiệu quả hoạt động của nó.

Tình trạng báo động về các UAV CH-4B của Iraq được công bố trong báo cáo thanh tra mới nhất về Chiến dịch "Inherent Resolve", tên gọi dùng cho các hoạt động liên minh do Mỹ đứng đầu chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở Iraq và Syria giai đoạn từ ngày 1/4 - 30/6/2019.

Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cùng đóng góp vào các đánh giá định kỳ hàng quý này.

UAV Made in China ở Iraq: Duy nhất 1 chiếc hoạt động - Cú tát vỗ mặt vào CNQP Trung Quốc - Ảnh 1.

UAV CH-4 mang theo bom dẫn đường và tên lửa chống tăng Blue Arrow 7/9

Báo cáo thanh tra cho biết, Lực lượng An ninh Iraq (ISF) đã phải "vật lộn" khai thác tối đa các phương tiện hiện có phục vụ nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, do thám và trinh sát (ISR) trên không. Tình trạng thiếu hụt đã dẫn đến việc Iraq phải cắt giảm 50% các chuyến xuất kích của các phương tiện ISR cánh cố định so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện chưa rõ Iraq đang sở hữu tổng cộng bao nhiêu UAV CH-4B hoặc bao nhiêu chiếc trong số chúng có thể thực thi ít nhất một phần nhiệm vụ. Báo cáo thanh tra của Mỹ chỉ nói rằng nước này có không nhiều hơn 10 chiếc máy bay không người lái do Trung Quốc chế tạo.

Iraq đã vận hành CH-4B, loại UAV cùng kích cỡ với MQ-1 của Mỹ, từ năm 2015 và là một trong những nước sử dụng phương tiện này phổ biến nhất.

CH-4B có bán kính tác chiến khoảng 155 dặm và thời gian bay tối đa là 14 giờ. Điều này cho phép chúng có thể bao quát được một phần đáng kể diện tích lãnh thổ Iraq, thậm chí từ các căn cứ phía Nam cách xa trung tâm Thủ đô Baghdad và chuyển tải về các thông tin trinh sát có giá trị cả ban ngày và bam đêm nhờ trang bị cảm biến video camera quang điện tử và hồng ngoại.

Không có các UAV CH-4B, Quân đội Iraq còn rất ít lựa chọn phục vụ cho yêu cầu giám sát liên tục, đặc biệt là vào ban đêm khi thường xuyên diễn ra các hoạt động nổi dậy và tấn công khủng bố.

UAV Made in China ở Iraq: Duy nhất 1 chiếc hoạt động - Cú tát vỗ mặt vào CNQP Trung Quốc - Ảnh 2.

Một chiếc UAV CH-4B của Trung Quốc tại Triển Lãm Hàng không Chu Hải năm 2018

Khách hàng bỏ chạy?

Bên cạnh ảnh hướng tới nhiệm vụ do thám và trinh sát, việc thiếu hoạt động của CH-4B còn gây ra một số hệ lụy khác do dòng UAV này còn có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau.

Iraq đã mua một số lượng khá lớn các tên lửa có điều khiển AR-1 TV, loại cùng kích cỡ với AGM-114 Hellfire của Mỹ, và bom dẫn đường GPS FT-9 từ Trung Quốc để trang bị cho phi đội máy bay không người lái của mình.

Những tên lửa trên cho phép CH-4B có khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển còn bom FT-9 có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định trong mọi điều kiện thời tiết.

Giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2018, các UAV của Trung Quốc được cho là đã thực hiện ít nhất 260 vụ không kích khủng bố IS.

Báo cáo thanh tra của Mỹ không miêu tả chính xác những vấn đề bảo trì nào đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phi đội UAV CH-4B của Iraq. Tuy nhiên, Iraq không phải là quốc gia duy nhất gặp phải những vấn đề này cũng như chất lượng của các UAV mua từ Trung Quốc.

Tháng 11/2018, Không quân Hoàng gia Jordan cho biết, số UAV CH-4B của họ đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng và đang có kế hoạch loại biên chúng.

Algeria được cho là cũng đã quyết định từ chối mua UAV CH-4 của Trung Quốc sau khi bị mất 2 chiếc do tai nạn trong các vụ thử nghiệm từ năm 2013 - 2014. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn khá thành công trong việc xuất khẩu dòng sản phẩm này cùng với một số mẫu UAV khác cho Ai Cập, Nigeria, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Kinh nghiệm vận hành cũng như những vấn đề gặp phải với dòng CH-4B chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới kế hoạch mua sắm UAV trong tương lai của Iraq, nhất là những sản phẩm "Made in China".

Còn ở thời điểm hiện tại, Quân đội Iraq buộc phải tìm ra cách khắc phục để gia tăng hoạt động của các UAV Trung Quốc để đảm bảo rằng chúng có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về ISR mà Iraq đang rất cần.

Trung Quốc trình diễn UAV Wing Loong II phiên bản nâng cấp tại Triển lãm Hàng không Dubai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại