Tiêm kích tàng hình F-22 quay trở lại Syria: Mỹ hiến dâng "kho báu tuyệt mật" cho Nga?

Anh Tú |

F-22 đã quay trở lại Trung Đông và nếu như nó thực sự đã tiến hành các chuyến xuất kích ở Syria thì nguy cơ bị bộc lộ các tính năng kỹ chiến thuật trước người Nga vẫn rất hiện hữu.

Trang mạng The Aviationist dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, cuối tháng 6 vừa qua Không quân Mỹ đã quyết định điều trở lại Trung Đông khoảng một chục máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor, đóng tại Căn cứ Al Udeid ở Qatar.

Trước đó, một phi đội 6 chiếc Raptor cũng đã từng được Mỹ triển khai tới Căn cứ Không quân Al Dhafra ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để thực hiện các sứ mệnh tác chiến tại Syria và Afghanistan nhằm làm đối trọng với các máy bay chiến đấu Su-35 mà Nga điều tới Căn cứ Hmeymim, Syria từ tháng 2/2016.

Động thái trên của Washington đặc biệt đáng chú ý khi nó diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Iran đang hết sức căng thẳng, nhất là F-22 chỉ là một trong số những chiến đấu cơ mà Không quân Mỹ triển khai tới Trung Đông, bên cạnh máy bay ném bom B-52H và tiêm kích F-15E.

F-22 được phát triển chủ yếu phục vụ cho sứ mệnh tấn công và tiêu diệt các máy bay chiến đấu của đối phương, nhưng do nhiệm vụ này đến nay không mấy được sử dụng trong môi trường tác chiến ở thế kỷ 21 nên buộc Mỹ phải điều chỉnh thiết kế cho phép Raptor thực hiện các vụ không kích chính xác cả những mục tiêu dưới mặt đất.

Tiêm kích tàng hình F-22 quay trở lại Syria: Mỹ hiến dâng kho báu tuyệt mật cho Nga? - Ảnh 1.

Các máy bay F-22 Raptor Không quân Mỹ tới Căn cứ Không quân Al Udeid Qatar ngày 27/6. Ảnh: Air Force Times

Mặc dù khoang vũ khí của Raptor khá khiêm tốn so với F-35 hay Su-57 của Nga và hoạt động tiêu diệt khủng bố ở Trung Đông khiến các khả năng tiên tiến của F-22 không được phát huy tối đa nhưng kinh nghiệm tác chiến tại khu vực vẫn phần nào đó giúp các phi công Mỹ cải thiện trình độ.

Đầu tháng 8, một số bản tin chưa được kiểm chứng cho biết F-22 Mỹ đã nối lại các nhiệm vụ xuất kích trên bầu trời Syria từ giữa tháng 7/2019. Hoạt động này đã bị gián đoạn một thời gian sau khi 6 chiếc Raptor triển khai trước đó bị Mỹ rút về hồi đầu tháng 3/2019.

Việc điều động F-22 tới chiến trường Trung Đông mang lại cho Không quân Mỹ những lợi ích rất khác biệt so với các dòng máy bay khác. Bởi vì, F-35 - dòng tiêm kích thế hệ 5 thứ hai của Mỹ không có được những khả năng tác chiến chiếm ưu thế trên không vượt trội như F-22 và thực tế F-35 vẫn chưa ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ do liên tục mắc lỗi kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc F-22 quay trở lại Trung Đông lần này và nếu như nó thực sự đã tiến hành các chuyến bay xuất kích trên bầu trời Syria thì nguy cơ bị bộc lộ các tính năng kỹ chiến thuật trước "các cặp mắt cú vọ" của Nga vẫn rất hiện hữu.

"Không phận Iraq và đặc biệt là Syria thực sự đã trở thành một kho báu vô cùng giá trị để Nga nghiên cứu cách thức hoạt động của chúng ta", Trung tướng VeraLinn "Dash" Jamieson tiết lộ trong một hội nghị của Hiệp hội Không quân Mỹ do Viện Nghiên cứu Hàng không - Vũ trụ Mitchell tổ chức ngày 3/1/2019.

"Đối thủ đang theo dõi chúng ta. Họ đang học hỏi từ chúng ta", Tướng Jamieson phát biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng, trong các chiến dịch không quân ở Syria, "Nga đã theo dõi được các chiến thuật, quy luật hoạt động, tín hiệu radar và tín hiệu nhiệt của F-22 - loại máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không đầu bảng của nước Mỹ.

Trung tướng Jamieson cho rằng, những gì mà Nga có thể thu thập được về hoạt động của Không quân Mỹ ở Syria, đặc biệt là về tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor là những thông tin "vô giá".

Khám phá sức mạnh chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại