Biển Đông: Bị lên án bắt nạt láng giềng, Đại sứ TQ giải thích toàn "lời hay ý đẹp", nói ASEAN "đừng mắc lừa"

Hải Võ |

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN khẳng định tình hình biển Đông vẫn đang phát triển theo xu thế ổn định và có xu hướng tốt đẹp.

Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hoàng Khê Liên ngày 24/7 đã dự Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc - ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Trả lời họp báo sau hội nghị, ông Hoàng đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới, đồng thời đề cập vấn đề biển Đông.

Tình hình biển Đông là một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại các hội nghị ngoại trưởng hợp tác Đông Á những năm gần đây. Đặc biệt trong những ngày qua, Bộ ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo lên án Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông của các nước láng giềng, đã được tiến hành lâu nay.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ trích lời ngoại trưởng Pompeo hồi đầu năm, "với việc cản trở sự phát triển ở biển Đông bằng cách áp chế, Trung Quốc đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2.5 nghìn tỉ USD dự trữ dầu khí".

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng viết trên Twitter, chỉ trích hành động bắt nạt của Bắc Kinh đối với các láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Trong khi đó, giải đáp về cục diện biển Đông những ngày qua, Hoàng Khê Liên cho biết ông ta "muốn nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng".

"Thứ nhất là 'Xu thế ổn định theo hướng tốt đẹp'," ông Hoàng thản nhiên nhận định. "Hiện nay dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, cục diện ổn định theo hướng tốt ở biển Đông đang thêm vững chắc, nguyện vọng cùng gìn giữ hòa bình ổn định ở biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN càng mạnh mẽ, hành động để thúc đẩy phát triển thịnh vượng ở biển Đông càng chắc chắn. Biển Đông từ một 'điểm cọ xát' trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN dần chuyển biến thành 'điểm tăng trưởng' trong đối thoại về vấn đề trên biển."

"Thứ hai là 'tiến triển tích cực'. Tại hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN tháng 11/2018, Thủ tướng [Trung Quốc] Lý Khắc Cường đề xuất hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) cũng các nước ASEAN trong vòng 3 năm, và nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các nước ASEAN..."

"Thứ ba là 'can thiệp từ bên ngoài'. Sự hòa bình và ổn định ở biển Đông có không ít thách thức, nhưng đe dọa lớn nhất trên thực tế đến từ ngoài khu vực," ông Hoàng Khê Liên trả lời báo chí. "Một số nước lớn bên ngoài viện cớ 'tự do hàng hải' để điều động chiến hạm, chiến cơ đến gây sự tại biển Đông, xâm nhập lãnh hải các nước hay tổ chức tập trận chung. Những nước này lo ngại bị giới hạn bởi các quy tắc trong tương lai ở khu vực, nên có ý đồ nhúng tay vào quá trình đàm phán COC."

Đại sứ Trung Quốc chỉ trích thông cáo mới đây của Bộ ngoại giao Mỹ, ông Pompeo và ông Bolton. Ông Hoàng nói "các sức mạnh ngoài khu vực không muốn nhìn thấy sự hòa bình và ổn định được khôi phục ở biển Đông".

"[Mỹ] bất chấp sự thật, cố ý gây sóng gió, mưu đồ xuyên tạc chuyện 'Trung Quốc dùng thủ đoạn chèn ép để cản trở hoạt động dầu khí ở biển Đông của các nước ASEAN' để ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN."

"Mong rằng các nước ASEAN nêu cao cảnh giác, không để mắc lừa," ông Hoàng nói. "Chúng ta phải cùng nhau đề phòng và ngăn chặn thế lực bên ngoài quấy nhiễu, nắm chắc trong tay chìa khóa cho hòa bình ổn định khu vực, cùng làm tốt những công việc của khu vực, gìn giữ hòa bình ổn định khu vực."

Biển Đông: Bị lên án bắt nạt láng giềng, Đại sứ TQ giải thích toàn lời hay ý đẹp, nói ASEAN đừng mắc lừa - Ảnh 2.

Ông Hoàng Khê Liên trả lời họp báo ngày 24/7 (Ảnh: People's Daily)

Việt Nam khẳng định hoạt động dầu khí nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/7 xác nhận, "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông".

"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".

"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam," bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu.

Trong cuộc họp báo ngày 25/7, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lô dầu khí 0601 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Rosneft của Nga phối hợp khai thác hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế", bà Hằng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại