Biển Đông sau thông điệp chính trị đồng bộ của Việt Nam và Mỹ

Đỗ Thiện |

Quan sát diễn biến vụ tàu Trung Quốc (TQ) xâm phạm vùng biển gần bãi Tư Chính của Việt Nam (VN) có thể thấy có một sự đồng điệu trong các phát ngôn chính trị giữa một số quốc gia trong bối cảnh Bắc Kinh leo thang ngày càng cao.

Hôm 19-7, phản ứng chính thức về động thái phạm pháp của tàu TQ ở vùng biển phía nam biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.

Phát ngôn này được giới quan sát rất đáng quan tâm, bởi lẽ nó thể hiện rất rõ quan điểm quốc tế hóa khu vực biển Đông, một động thái vừa phù hợp luật pháp quốc tế, vừa huy động được sức mạnh tập thể trong bối cảnh cán cân lực lượng tại khu vực hiện nghiêng về phía Bắc Kinh. Đồng thời, phát ngôn trên mang sắc thái một lời kêu gọi tập thể, đánh động sự quan tâm của quốc tế về hành vi của TQ.

Nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh, Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore), nhận xét trên trang Maritimeissues rằng: “Phát ngôn trên (của VN) rất quan trọng. Nó cho thấy VN muốn kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện ở bãi Tư Chính. Động thái này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ đến tình hình tranh chấp ở toàn bộ biển Đông và đi ngược với quan điểm không muốn ảnh hưởng từ bên ngoài của Bắc Kinh” - ông Collin Koh giải thích.

Một ngày sau phát ngôn của phía VN, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Bắc Kinh “cố tình tạo sức ép buộc các quốc gia ASEAN thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn các nước này hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực với bên thứ ba. Hành động này bộc lộ rõ ý định độc chiếm các nguồn tài nguyên ở biển Đông của TQ”.

Hôm 23-7, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Philstar Global, Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ Karl Shultz tiết lộ Mỹ đã tăng cường số lượng chiến dịch hoạt động biển Đông theo yêu cầu của các chỉ huy quân sự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Lầu Năm Góc.

Kèm theo đó, Đô đốc Karl Shultz còn chuyển tải một thông điệp chính trị rất đồng điệu với phát ngôn từ phía VN: “Tôi nghĩ rằng lực lượng tuần duyên Mỹ, hải quân Mỹ và các đồng minh, các đối tác trong khu vực phải lên tiếng, tạo thành một sự phản đối mang tính quốc tế để chống lại các hành vi hung hăng không phù hợp với một trật tự dựa trên luật pháp”.

Không có bằng chứng khẳng định một mối quan hệ nhân quả hay một mối liên quan mật thiết giữa phát ngôn của VN và phía Mỹ dù cả hai thông điệp chỉ cách nhau vài ngày. Tuy nhiên, điểm chung của cả hai chính là thay vì tiếp cận ở góc độ một quốc gia (như nhiều lần trước đây) thì cả hai phía lần này đều tiếp cận hành động của TQ ở khía cạnh tập thể - nhấn mạnh lợi ích khu vực và toàn cầu, phản đối mức độ đe dọa ngày càng lan rộng của TQ ở biển Đông.

Sự chuyển động về mặt thông điệp chính trị này cho thấy các nước ở biển Đông cũng như bên thứ ba (ví dụ Mỹ) dường như đang cố gắng tạo ra một “lằn ranh đỏ” nhằm cảnh báo giới hạn hành vi của Bắc Kinh. Đồng thời, rất có khả năng đi theo sau phát ngôn sẽ là những bước tiến tập thể chiến lược kết hợp ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự nếu Bắc Kinh vẫn không nhận ra điểm dừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại