Căng thẳng Iran - Anh tới đỉnh điểm: "Hiệp sĩ" sẽ "dạy cho Iran một bài học"?

Chỉ Nhàn |

Mặc dù "lên gân lên cốt" qua từng tuyên bố, thế nhưng xung đột giữa Anh - Iran có lẽ chỉ dừng ở mức căng thẳng ngoại giao, một cuộc hải chiến hay không kích ít có xác suất xảy ra.

Trong bối cảnh Mỹ - Iran chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi "dầu được đổ thêm vào lửa" thì quan hệ Anh - Iran vốn "cơm không lành canh không ngọt" cũng liên tiếp leo thang căng thẳng trong những ngày gần đây, khi London cáo buộc Tehran bắt giữ trái phép tàu dầu thương mại trên eo biển Hormuz.

Tình hình căng thẳng tới mức người ta đã nghĩ tới việc Anh có thể khởi động chiến dịch quân sự đáp trả Iran khi chính quyền Thủ tướng Theresa May triệu tập cuộc họp vào sáng ngày 22/7 giờ địa phương.

Dẫu vậy, xem xét một cách thận trọng binh lực của Quân đội Hoàng gia Anh hiện diện ở vùng Vịnh thì không có mấy khả năng rằng London tiến hành chiến dịch quân sự trả đũa Tehran.

Không thể đáp trả ngay vì lấy gì mà đánh!

Thật vậy, lực lượng hiện có của Hải quân Anh trên khu vực vùng Vịnh là không đủ để khởi động bất cứ một cuộc không kích nào nhằm vào Iran. Thậm chí, ngay cả trong việc bảo vệ, hộ tống các tàu dầu của nước này cũng là điều khó khăn.

Mà thực tế, các tàu chiến Anh đã phát hiện ra việc tàu dầu bị Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ nhưng không đủ sức làm gì đó hơn ngoài phát loa cảnh báo.

Theo cơ quan báo chí quốc tế, hiện tại Hải quân Anh triển khai ở vùng Vịnh tàu hộ vệ cỡ lớn HMS Montrose. Đây là một trong những chiến hạm chủ lực của hải quân hoàng gia hiện nay, có lượng giãn nước 4.900 tấn, dài 133m.

Con tàu không sở hữu khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương do không được trang bị các tên lửa hành trình như Tomahawk. Ngay cả cấp độ tự bảo vệ cũng ở mức thấp với tên lửa phòng không Sea Wolf có tầm phóng chỉ từ 1-10km.

Vũ khí còn lại trên chiến hạm này chỉ bao gồm tên lửa chống hạm Harpoon và các loại pháo 127mm, 30mm...

Căng thẳng Iran - Anh tới đỉnh điểm: Hiệp sĩ sẽ dạy cho Iran một bài học? - Ảnh 2.

Anh có tàu chiến hiện đại nhưng không có vũ khí để không kích tầm xa.

Ngoài HMS Montrose, trong ít ngày tới, một trong những tàu khu trục tên lửa lớn nhất của Hải quân Anh - HMS Duncan thuộc lớp Daring Type 45 sẽ được triển khai tới vùng Vịnh phối hợp với HMS Montrose bảo vệ các tàu dầu.

Dẫu vậy, dù cho có kích cỡ lớn gần gấp đôi HMS Montrose - lượng giãn nước gần 9.000 tấn, dài 152,4m, không chắc là HMS Duncan có thể làm tốt hơn Montrose khi mà năng lực của nó cũng có hạn.

Tàu khu trục lớn nhất hải quân hoàng gia hiện không có hệ thống tên lửa có khả năng tấn công mặt đất, thay vào đó nó tập trung một chút vào hệ thống phòng không tầm xa bảo vệ hạm đội.

HMS Duncan trang bị radar mạng pha chủ động SAMPSON có khả năng phát hiện tất cả mục tiêu ở cách 400km, theo dõi được hàng trăm mục tiêu cùng lúc. Và radar mạng pha bị động S1850M có thể theo dõi đến 1.000 mục tiêu cách 400km, gồm cả mục tiêu tàng hình.

Hệ thống vũ khí phòng không trên HMS Duncan là các tên lửa Aster 15 (tầm bắn 1,7-30km) và Aster (tầm bắn từ 3-120km) gồm 48 quả đạn trong hệ thống phóng thẳng đứng Sylver A50 VLS.

Nói chung để làm nhiệm vụ phòng thủ, đối phó với một cuộc không kích hay các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo thì năng lực của HMS Duncan và HMS Montrose phát huy được, nhưng đó lại là câu chuyện khác.

Còn lúc này, cái nước Anh cần là không kích ngay tức thì, đáp trả các hành động bắt giữ tàu dầu của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).

Căng thẳng Iran - Anh tới đỉnh điểm: Hiệp sĩ sẽ dạy cho Iran một bài học? - Ảnh 3.

Việc trả đũa các tàu của IRGC cũng là điều ngu ngốc nên tránh.

Ngay cả khả năng nước Anh tiến hành trả đũa vào các tàu chiến Iran trên vùng Vịnh đã là rất ít. Hai chiếc tàu cỡ lớn chưa chắc đã là đối thủ của "bầy sói" - tàu tên lửa tấn công nhanh của Hải quân Iran mà ngay tới cả Mỹ cũng phải dè chừng.

Kể cả có thì chưa chắc dám "đơn thương độc mã"!

Mà thực tế thì nhìn vào lịch sử tham gia các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 của nước Anh thì người ta cho rằng ít có khả năng London "đơn thương độc mã" phiêu lưu quân sự.

Hầu như trong mọi cuộc chiến từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, Hải quân Hoàng gia Anh và các lực lượng khác của Quân đội Anh chủ yếu đứng sau Mỹ.

Hoặc liên thủ với các nước khác tiến hành các chiến dịch quân sự, từ chiến tranh vùng Vịnh 1991 tới cuộc nội chiến Libya 2011, không Mỹ thì Pháp, Anh hiếm khi tự đứng một mình.

Thế nên, có thể khẳng định đến 99% rằng nước Anh sẽ không tự mình tiến hành cuộc chiến trả đũa Iran vào lúc này, nếu có họ sẽ đứng bên cạnh nước Mỹ hoặc là sẽ tham gia bảo vệ các tàu chiến trước các hiểm họa trên mặt nước và trên không từ phía Iran.

HMS Duncan cũng góp phần tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ các căn cứ của Quân đội Mỹ ở vùng Vịnh khi có thể phát hiện và đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Rất không may là London có lẽ phải chờ khá lâu để chính quyền Tổng thống Trump "chốt hạ quyết định khởi động không kích Iran". Bởi dù có khá nhiều cái cớ ngon nhất, ví như vụ Iran bắn rơi UAV RQ-4A Global Hawk, hay cáo buộc UAV Iran áp sát nguy hiểm tàu chiến Mỹ.

Thế nhưng, vì nhiều lý do gồm cả tương lai chính trị của Tổng thống Trump mà tới nay Washington vẫn chưa có dấu hiệu sẽ tiến hành không kích.

Có lẽ, trong một thời gian rất ngắn nữa, căng thẳng Iran - Anh sẽ sớm hạ nhiệt, vì vốn dĩ "không còn lửa thì sao còn khói".

Video lực lượng Iran đổ bộ từ trực thăng khống chế tàu dầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại